Vua Midas với bàn tay biến mọi thứ thành vàng liệu có thật trong lịch sử?
Dù thuộc một trong những khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nhưng vùng Anatolia (Tiểu Á) lại được tạo hóa ban cho đất đai màu mỡ cùng nhiều khoáng sản. Đây cũng là nơi câu chuyện nổi tiếng về vị vua Midas bắt đầu.
Bản đồ vùng Tiểu Á thời cổ đại với vương quốc Phrygia ở trung tâm (ảnh: Historyofyesterday)
Theo thần thoại Hy Lạp, Midas – vị vua của xứ Phrygia – là người vô cùng tôn sùng vị thần rượu nho Dionysus. Trong một chuyến du ngoạn, Silenus – thầy của thần rượu Dionysus – say bí tỉ như thường lệ và bị lạc khỏi đoàn. Silenus lưu lạc đến vương quốc Phrygia và được vua Midas tiếp đón nồng nhiệt.
Sau khi tìm lại được Silenus, thần Dionysus đã ban cho Midas một điều ước để cảm ơn lòng hiếu khách của vị vua xứ Phrygia. Vì sự tham lam. Midas đã ước tất cả mọi thứ ông ta chạm vào đều biến thành vàng.
Điều ước ngay lập tức được đáp ứng. Midas biến mọi thứ xung quanh thành vàng chỉ với một cái chạm tay và sung sướng về sự giàu có tột độ của mình.
Tai họa chỉ ập đến khi Midas nhận ra ông ta không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì. Ngay cả rượu nho – món quà của quý của thần Dionysus – cũng bị Midas biến thành vàng. Trong cơn đói khát, Midas khẩn cầu thần Dionysus tha thứ cho sự tham lam của mình và hóa giải “lời nguyền”.
Dưới sự chỉ dẫn của thần Dionysus, Midas tới dòng sông Pactolus để rửa tay và bàn tay ông ta trở lại như bình thường. Đây là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp và được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Trong một vài phiên bản khác, Midas thậm chí vô tình biến cả con gái ông ta thành một bức tượng vàng.
Vậy, vua Midas liệu có thật trong lịch sử hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?
Theo Historyofyesterday, khoảng 3.000 năm trước, Phrygia – vương quốc nằm ở trung tâm Tiểu Á – đã nổi tiếng về sự giàu có với nghề chế tác đồ đồng, đồ gốm và buôn bán với các nước Ba Tư, Hy Lạp. Tuy nhiên, trong thời kỳ vương quốc Phrygia phát triển rực rỡ nhất, nó lại bị hủy diệt dưới triều vua Midas.
Theo Historyofyesterday, vị vua đầu tiên của vương triều Phrygia là Gordian. Vốn xuất thân là thường dân, Gordian được người dân Phrygia tôn lên làm vua và nhanh chóng tỏ rõ bản thân là người xứng đáng. Nhờ những hiểu biết của bản thân về nghề kim hoàn, ông đã đưa kỹ thuật chế tác đồ đồng của Phrygia vượt xa các nước xung quanh. Để tôn vinh Gordian, người Phrygia đặt tên cho kinh thành của mình là Gordium.
Câu chuyện về vua Midas là bài học về hậu quả của sự tham lam (ảnh: Penn)
Vua Gordian cũng nổi tiếng với câu chuyện về nút thắt Gordian. Truyền thuyết kể rằng, sau khi trở thành vua của Phrygia, Gordian đã cho làm ra một nút thắt chằng chịt bằng nhiều sợi dây vô cùng bền chắc. Ông tuyên bố nút thắt này tượng trưng cho lời thề phụng sự của mình với người dân và tiên tri, ai tháo được nút thắt sẽ trở thành vua của toàn bộ Tiểu Á.
Alexander Đại đế – vị vua của đế chế La Mã hùng mạnh – là người tháo được nút thắt của Gordian bằng cách chém đứt các sợi dây. Năm 334 TCN, Tiểu Á nằm dưới sự cai trị của ông, theo History.
Vua Midas – con trai của Gordian – được nhắc đến rộng rãi trong các ghi chép cổ, có niên đại vào thời hoàng đế Sargon II (trị vì từ năm 722 – 705 TCN) của đế chế hùng mạnh Assyria. Theo đó, Midas đã là vua của Phrygia trước cả khi Sargon II lên ngôi. Trong thời gian đầu Sargon II trị vì, Phrygia và Assyria thường xuyên xảy ra chiến tranh. Những pho sử của Assyria cho thấy, vua Midas là nhân vật có thật chứ không phải chỉ là huyền thoại.
Talesoftimesforgotten dẫn sử liệu Assyria được các nhà khảo cổ thu thập cho hay, Midas lên ngôi vào khoảng những năm 740 TCN và cai trị Phrygia suốt 4 thập kỷ. Ông từng liên kết với vương quốc Urartu (thuộc khu vực Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) chống lại sự xâm lược của người Assyria. Tuy nhiên, cả Phrygia và Urartu đều bại trận trước Assyria và phải chịu cống nạp.
Lăng mộ ở vùng Yassihuyuk, được cho là thuộc về vua Midas (ảnh: Historyofyesterday)
Năm 1957, nhóm các nhà khảo cổ từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) do giáo sư Rodney Young dẫn đầu đã khai quật một lăng mộ lớn thuộc vương triều Phrygia - ngày nay là vùng Yassihuyuk, cách thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 94km về phía tây nam. Bên trong lăng mộ, các nhà khảo cổ phát hiện căn phòng chứa đầy đồ đồng và hài cốt của một người đàn ông cao khoảng 159cm.
Các nhà khảo cổ xác định ngôi mộ không thuộc về ai khác ngoài vua Midas. Ngày nay, lăng mộ ở Yassihuyuk được đặt tên là “lăng Midas”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, đây là lăng mộ của cha đẻ Midas - vua Gordian.
Dưới sự trị vì của Midas, kinh tế Phrygia phát triển lớn mạnh và có thêm 2 thành phố Midaeium (thành phố được Midas đặt theo tên mình) và Angora. Midas cũng giúp Phrygia thiết lập quan hệ ngoại giao với một số vương quốc ở phía tây Tiểu Á nhằm thông thương với nước ngoài bằng đường biển qua Địa Trung Hải.
Herodotus – nhà sử học Hy Lạp từng tuyên bố đã gặp vua Midas – viết trong một cuốn sách của mình như sau: “Midas cai trị đất nước từ một lâu đài xa hoa ở Gordian. Trong lâu đài có một vườn hoa hồng tuyệt đẹp và mỗi cây hoa hồng có thể nở tới 60 đóa”.
Đồ đồng của vương triều Phrygia được tìm thấy trong lăng mộ Midas (ảnh: Historyofyesterday)
Thành tựu lớn nhất của Phrygia dưới thời vua Midas là đúc và đưa tiền xu vào sử dụng. Theo các nhà khảo cổ học, Phrygia là một trong những vương quốc sử dụng tiền xu sớm nhất thế giới. Phát minh của Phrygia sau đó được các đế chế Lydia, Persa và La Mã sử dụng. Dưới thời cực thịnh của đế chế La Mã, tiền xu được sử dụng ở hầu hết châu Âu.
Người Phrygia thu được electrum (hợp kim tự nhiên của vàng và bạc) để đúc tiền xu từ con sông Pactolus. Sông Pactolus bắt nguồn từ núi Tmolus (ngọn núi cao hơn 2.100 mét ở tây Thổ Nhĩ Kỳ), chảy qua thành phố Sardis và đổ ra sông Gediz (con sông thuộc vùng Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ). Nhờ nguồn electrum dồi dào, sông Pactolus từng là “huyết mạch” kinh tế của Phrygia và nhiều đế chế ở châu Âu.
Theo Penn Museum, vào thời điểm phát triển cực thịnh về kinh tế dưới thời vua Midas, Phrygia phải đối mặt với mối họa từ Cimmerian – bộ tộc chiến binh hùng mạnh tới từ Iran. Năm 714 TCN, Cimmerian tấn công Urartu nhưng bị quân đội Assyria dưới sự chỉ huy của hoàng đế Sargon II đánh bại (lúc này, cả Urartu và Phrygia đều là chư hầu của Assyria).
Năm 705 TCN, quân Cimmerian tập hợp lại và tấn công Phrygia. Những chiến binh của Cimmerian nhanh chóng chiếm được Phrygia và thiêu rụi kinh thành Gordium.
Tiền xu của vương triều Phrygia (ảnh: Historyofyesterday)
Điều gì đã xảy ra với Midas khi vương triều Phrygia diệt vong không được ghi lại trong lịch sử. Trong cuộc đốt phá của những chiến binh Cimmerian, những tài liệu ghi lại quá trình hình thành và phát triển của Phrygia cũng bị hủy hoại nghiêm trọng.
Một số truyền thuyết kể rằng, Midas đã uống thuốc độc tự vẫn khi chứng kiến cảnh đất nước của mình bị tàn phá. Cũng có lời kể cho rằng, ông sống thêm một thời gian ngắn sau khi Phrygia bị xâm lược và chết do bệnh tật.
Historyofyesterday kết luận, Midas là vị vua có thật của vương triều Phrygia cổ đại thuộc khu vực Tiểu Á. Ông không có khả năng biến mọi thứ thành vàng, nhưng cai trị một đất nước giàu có với hầu hết cư dân là thương nhân và thợ thủ công. Câu chuyện Midas chạm vật hóa vàng rất có thể bắt nguồn từ sự giàu có của Midas và dòng sông Pactolus chứa đầy electrum.
Mùa hè năm 1914, cán cân an ninh châu Âu có dấu hiệu lung lay dữ dội khi các cường quốc mới nổi như Đức, đế quốc Áo – Hung muốn tranh giành thuộc địa với Anh, Pháp. Trong bối...
Nguồn: [Link nguồn]