Vừa kiểm soát được Covid-19, Trung Quốc nhận cảnh báo đợt "sóng" lây lan tiếp theo
Trung Quốc vừa ghi nhận ngày không có ca nhiễm Covid-19 nào xuất phát từ trong nước lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát khiến hơn 80.000 người ở nước này bị lây nhiễm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây có thể chỉ là dấu hiệu tích cực tạm thời.
Theo Bloomberg, khi tâm điểm của dịch bệnh chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu, nơi mà số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao hơn so với số được báo cáo ở đỉnh dịch của Trung Quốc, các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng quốc gia đông dân nhất thế giới có thể sẽ phải đối mặt với các đợt bùng phát tiếp theo, căn cứ vào mô típ xảy ra trong các đại dịch trước.
Bản chất của chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) này cũng làm tăng nguy cơ của một đợt tái bùng phát. Virus SARS-CoV-2 khó phát hiện và có thể tồn lại lâu hơn ngoài môi trường so với chủng virus Corona gây ra bệnh SARS năm 2002-2003, đã lây lan cho 8.000 người trước khi biến mất. Điều này khiến cho các đợt bùng phát của dịch Covid-19 trở nên khó ngăn chặn hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan ra toàn cầu, người dân các nước khác sẽ theo dõi tình hình tại Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện hồi cuối tháng 12/2019, để xem điều gì sẽ xảy ra khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa cũng như nới lỏng các biện pháp hạn chế khoảng cách xã hội.
Nhiều chuyên gia lo lắng dịch Covid-19 có thể tái bùng phát khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa cũng như nới lỏng các biện pháp hạn chế khoảng cách xã hội. Ảnh minh họa: AP
Tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hôm 18/3 lần đầu tiên không ghi nhận bất cứ ca nhiễm mới nào trong ngày kể từ khi dịch bùng phát tại đây hồi cuối tháng 12/2019. Trong khi đó, không có ca nhiễm mới ở các vùng khác của Trung Quốc trong 7 ngày liên tiếp, một bước ngoặt đáng kể.
Các biện pháp đối phó dịch Covid-19 của Trung Quốc, bao gồm việc phong tỏa tỉnh Hồ Bắc với 60 triệu dân, đã thành công trong việc ngăn chặn dịch lây lan rộng thêm ra khắp các nước, theo David Heymann, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường y khoa nhiệt đới & vệ sinh London (Anh).
"Vấn đề được chú ý hiện giờ là điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc dừng các biện phạm chống dịch lại? Trong đợt bùng phát đầu tiên, chưa đầy 1% dân số Trung Quốc bị lây nhiễm Covid-19. Và đại dịch toàn cầu chỉ bị ngăn chặn cho tới khi chúng ta có được vắc xin", Raina MacIntyre, giáo sư an toàn sinh học tại Đại học New South Wales (Úc), chia sẻ.
Hiểm họa từ các ca nhiễm "nhập khẩu"
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang tập trung đối phó với các ca nhiễm "nhập khẩu" khi những trường hợp nhiễm Covid-19 từ nước ngoài tới Trung Quốc nhiều hơn các trường hợp nhiễm trong nước, theo dữ liệu từ Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC).
Rebecca Katz, giám đốc Trung tâm Khoa học và An ninh y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: "Trung Quốc đã có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để đảm bảo nếu dịch tái bùng phát, nó sẽ được xử lý nhanh chóng".
Trung Quốc hiện có 189 ca nhiễm "nhập khẩu". Tại Bắc Kinh, toàn bộ du khách tới từ nước ngoài tới đều phải thực hiện cách ly 14 ngày tại các điểm cách ly chỉ định. Chi phí cách ly họ phải tự chi trả. Thủ đô của Trung Quốc cũng yêu cầu các chuyến bay hạ cánh ở các thành phố lân cận để kiểm tra hành khách trước khi họ có thể tới Bắc Kinh. Thành phố Thượng Hải và tỉnh Quảng Đông cũng siết chặt các lệnh hạn chế.
Bắc Kinh biến Trung tâm triển lãm quốc tế Tân Trung Quốc thành trung tâm quá cảnh cho du khách tới từ nước ngoài. Ảnh: News.cn
"Virus vẫn ở ngoài đó và dịch Covid-19 vẫn đang âm ỉ chờ thời cơ bùng cháy", Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm chính sách và nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, thuộc Đại học Minesota (Mỹ), nhận định.
Và trong khi Trung Quốc chính thức tuyên bố đỉnh dịch Covid-19 đã kết thúc tại nước này, các nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc vẫn đang chật vật dự đoán diễn biến tiếp theo của dịch bệnh.
"Không ai biết liệu virus đã hoàn toàn biến mất hay sẽ tồn tại như cúm mùa và trở lại vào mỗi dịp nhất định, hoặc nó sẽ giống virus viêm gan B cư trú ở người có hệ thống miễn dịch yếu rồi lây lan sang người khác?", Wang Chen, một trưởng khoa tại Đại học y khoa liên minh Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn với Tân Hoa xã hôm 13/3.
Ông Wang kêu gọi làm xét nghiệm huyết thanh - xác định các kháng thể trong máu của bệnh nhân để xem họ có bị phơi nhiễm với virus hay không. Từ đó, theo dõi cách miễn dịch được tạo ra để hiểu các cách lây truyền của mầm bệnh.
Lây lan quá dễ dàng
Ngoài những thách thức khi ngăn chặn đại dịch trong một thế giới liên kết bằng việc đi lại thường xuyên, nhiều nhà nghiên cứu kết luận rằng virus SARS-CoV-2 sẽ không dễ dàng bị loại bỏ như "người anh em" virus gây ra bệnh SARS.
Trong những ngày đầu của lây nhiễm, khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng cho thấy họ nhiễm bệnh, số lượng lớn virus có thể xuất hiện trong máu của người bệnh hoặc được lây lan sang cho người khác, theo John Mackenzie, giáo sư danh dự về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Curtin, thành phố Perth, Úc.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ còn cho biết, ở giai đoạn vừa lây nhiễm, một người còn có thể có kết quả xét nghiệm âm tính (ngay cả khi họ có virus trong người).
Những điều này càng khiến việc loại bỏ hoàn toàn SARS-Cov-2 trở nên rất khó khăn hay nói cách khác là bất khả thi nếu không có vắc xin - thứ mà các nhà sản xuất cho biết phải tới năm sau mới có thể sản xuất được.
Tính tới ngày 20/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm ở Trung Quốc đại lục đã lên tới hơn 80.000. Ảnh minh họa: Getty
Các yếu tố khác nhau đã xảy ra trong đại dịch SARS, nơi những người bị nhiễm không lây lan cho người khác khi chưa có triệu chứng. Điều tương tự cũng xảy ra ở dịch Ebola và MERS.
"Với SARS, không xuất hiện sự lây truyền trong thời gian ủ bệnh hoặc giai đoạn đầu của biểu hiện triệu chứng. Do đó, việc kiểm soát tương đối dễ dàng khi biết được nguồn truyền bệnh", Mackenzie cho hay.
Cô lập các nguồn này sẽ ngăn được việc lây lan và giới chức y tế có thể dập tắt mầm bệnh mà chưa cần tới vắc xin hoặc thuốc. Dịch Ebola và MERS cũng không lây lan quá dễ dàng như Covid-19 và hầu hết ca nhiễm xảy ra qua tiếp xúc với động vật mang virus hoặc tại bệnh viện nơi có bệnh nhân nhiễm virus.
Ngược lại, các đại dịch - do virus cúm gây ra trong các năm 1889 và 1918 có mức độ lây lan mạnh tương tự Covid-19 - xuất hiện theo 3 đợt lây nhiễm, đợt sau có số tử vong lớn hơn đợt trước.
Năm 1918, 3 đợt bùng phát dịch xảy ra trong một năm với 2 đợt sau chiếm phần lớn trong tổng số gần 50 triệu ca tử vong, theo Bloomberg.
Dù các nhà khoa học chưa thể lý giải vì sao các đợt sau lại gây chết người nhiều hơn nhưng một giả thuyết được đưa ra đó là hiện tượng "trôi kháng nguyên" - trong đó các các thay đổi nhỏ, tự nhiên được hình thành trong cấu trúc di truyền của virus theo thời gian, từ đó thay đổi mầm bệnh đủ để nó gây hại hơn cho con người.
"Virus SARS-CoV-2 thậm chí còn dễ lây lan hơn so với virus cúm. Nó lan truyền quá dễ dàng và không phải khu vực nào trên thế giới cũng có tiềm lực để kiểm soát nó bằng các biện pháp như Trung Quốc đang áp dụng", Ben Cowling, giá sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc), nhận định.
Cuộc chiến chưa biết hồi kết
Mỹ và các nước châu Âu đang tập trung vào việc "làm phẳng đỉnh dịch" - trì hoãn sự bùng phát của dịch bệnh để giảm tải cho hệ thống y tế. Việc ngăn chặn dài hay ngắn phụ thuộc vào kết quả tìm hiểu về virus mới, theo Dorit Nitzan, điều phối viên về trường hợp khẩn cấp cho văn phòng của WHO ở châu Âu, cho hay.
Bà Dorit cảnh báo việc tin tưởng vào phương pháp miễn dịch cộng đồng vì nó có quá nhiều rủi ro.
"Đây là một loại virus mới và chúng ta phải tìm hiểu nó thật kỹ. Vẫn chưa rõ bệnh nhân hồi phục có thể miễn nhiễm với virus trong bao lâu hoặc liệu virus có xuất hiện theo thời điểm như cúm mùa hay không", Nitzan nói trong một cuộc họp báo hôm 17/3.
Trong một nghiên cứu đầu tiên về mô hình động lực của virus SARS-CoV-2 (giả định dịch bệnh kết thúc), một nhóm nghiên cứu của Trường y tế công cộng T.H. Chan, thuộc Đại học Havard (Mỹ) dự kiến các đợt bùng phát trong tương lai có thể xảy ra vào mùa đông. Kết luận này dựa trên các yếu tố như tính thời điểm, thời gian miễn dịch và sức mạnh của miễn dịch chéo với các chủng virus Corona khác ở người.
Các chuyên gia nhận định cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc vẫn chưa biết khi nào kết thúc vì nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn hiện hữu. Ảnh minh họa: AP
Khi tình hình dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống, Trung Quốc phải có các phương án dự phòng để sẵn sàng trong trường hợp dịch tái bùng phát.
"Virus mới liên tục phát triển và thay đổi, điều này khiến việc loại bỏ nó hoàn toàn gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Cách duy nhất để ngăn chặn được virus SARS-CoV-2 là tìm hiểu kỹ về nó", Chan Kung, nhà phân tích chính sách y tế tại công ty tư vấn Anbound, trụ sở tại Bắc Kinh, nói.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Trung Quốc vừa có được những dấu hiệu tích cực tại nhiều thành phố, song các nhà...