Vua Anh thời trẻ trốn chạy khắp nơi, triều đại liên tiếp gặp 2 đại họa

Sau cuộc nội chiến Anh đầu tiên, vua Charles I bị chặt đầu. Những người trung thành với Charles I đã thề sẽ báo thù và đưa con trai ông – Charles II – lên ngôi hoàng đế nước Anh.

Chân dung vua Anh Charles II (tranh: Worldhistory)

Chân dung vua Anh Charles II (tranh: Worldhistory)

Nền quân chủ Anh tạm chấm dứt sau cái chết của Charles I vào ngày 30/1/1649. Quyền lực nước Anh lúc này tập trung vào tay Oliver Cromwell – thủ lĩnh của các nghị sĩ Anh. Cromwell cai trị nước Anh với tư tưởng độc tài. Ông thậm chí còn cấm tổ chức ngày lễ Giáng sinh ở Anh. Trong khi đó, hoàng tử Charles (con trai vua Anh Charles I) được phe bảo hoàng ở xứ Scotland che giấu, theo History.

Tháng 2/1649, Charles tuyên bố trở thành vua xứ Scotland với niên hiệu là Charles II. Ngay sau đó, Cromwell dẫn lực lượng hùng hậu của mình tiến vào Scotland và tuyên bố mọi nỗ lực tái lập nền quân chủ Anh là vô ích. Không có kinh nghiệm dẫn dắt quân đội, Charles II liên tiếp thất bại.

Năm 1651, trong trận đánh ở Worcester (Anh), Charles II đã phải trốn trong thân một cây sồi già để thoát khỏi sự truy đuổi của kẻ địch. Sau thất bại ở Scotland, Charles II bỏ trốn đến Pháp và sống lưu vong suốt 10 năm. Trong thời gian đó, Cromwell không ngừng cho người truy bắt Charles II.

Oliver Cromwell – nhân vật bị Charles II coi như tử thù (tranh: Englishmonarchs)

Oliver Cromwell – nhân vật bị Charles II coi như tử thù (tranh: Englishmonarchs)

Năm 1658, Cromwell lâm bệnh nặng. Trước khi mất, ông chỉ định con trai mình –Richard Cromwell – sẽ là người lãnh đạo nước Anh. Tuy nhiên, Richard Cromwell là người không có tài cán gì và không được sự ủng hộ của nghị viện cũng như dân Anh, theo World History.

Năm 1660, phe bảo hoàng từ Scotland dưới sự chỉ huy của tướng George Monck tấn công vào London. Chế độ cộng hòa do Cromwell xây dựng bị lật đổ. Nghị viện Anh buộc phải khôi phục nền quân chủ Anh với sự trị vì của Charles II.

Tháng 5/1660, Charles II xuất hiện ở London trong sự reo hò của đám đông. Theo thỏa thuận với nghị viện Anh, Charles II được chỉ huy một đội quân và thanh trừng những quan chức từng ủng hộ xử tử cha ông – vua Charles I. Đổi lại, Charles II cam kết tôn trọng nghị viện và chấp nhận một khoản chi tiêu khiêm tốn cho hoàng tộc.

Charles II trở về London và đăng quang ngôi vị vua Anh (tranh: Biography)

Charles II trở về London và đăng quang ngôi vị vua Anh (tranh: Biography)

Trong cuộc trả thù của Charles II, có 9 quan chức Anh bị kết án tử hình, một số người khác bị kết án tù hoặc cách chức. Ngày 30/1/1661 (10 năm sau cái chết của Charles I), Charles II ra lệnh đào thi thể của Oliver Cromwell lên và hành hạ sao cho đầu một nơi, xác một nẻo, theo Britannica.

Triều đại của Charles II mở ra thời kỳ được cho là hoàng kim của văn hóa Anh khi ông cho mở lại các nhà hát, ủng hộ sáng tác nghệ thuật và tổ chức lại lễ Giáng sinh. Charles II cũng thành lập Hội Hoàng gia London nhằm nghiên cứu khoa học (hội này vẫn còn tồn tại đến ngày nay).

Theo History, Charles II là người được cho là có thể phục hưng nền quân chủ Anh, nếu triều đại của ông không phải đối mặt với 2 đại thảm họa nổi tiếng lịch sử thế giới.

1. Đại dịch hạch London

Tranh vẽ về đại dịch hạch ở London (tranh: Englishmonarchs)

Tranh vẽ về đại dịch hạch ở London (tranh: Englishmonarchs)

Mùa hè năm 1665, một đợt dịch hạch lớn bùng phát giữa cái nóng bất thường ở London. Căn bệnh này được cho là do vi khuẩn Yersinia Pestis gây ra và lây sang người thông qua bọ chét sống ký sinh trên chuột. Nếu không được chữa trị kịp thời, người mắc dịch hạch toàn thân sẽ nổi lên những nhọt màu đen, rỉ ra máu và mủ. Dịch hạch còn được biết đến với tên gọi Cái chết đen.

Theo Washington Post, trong khi dịch bệnh lây lan khắp London, tháng 7/1665, vua Charles II cùng hoàng tộc trốn chạy khỏi kinh thành. Đến tháng 9 cùng năm, mỗi tuần, chính quyền London ghi nhận khoảng 7.000 người chết do dịch hạch. Tháng 2/1666, Charles II trở lại London sau khi nhận được tin báo rằng tình hình dịch bệnh tạm thời được kiểm soát.

Từ tháng 7/1665 đến khi dịch hạch chấm dứt vào cuối năm 1666, London ghi nhận hơn 68.500 người chết vì căn bệnh này. Tuy nhiên, con số thực tế có thể đã vượt quá 100.000 người, theo History. Lịch sử gọi sự kiện kinh hoàng này là đại dịch hạch London.

2. Đại hỏa hoạn London

Đại hỏa hoạn London là một trong những vụ cháy lớn nhất lịch sử nhân loại (tranh: History)

Đại hỏa hoạn London là một trong những vụ cháy lớn nhất lịch sử nhân loại (tranh: History)

Trong khi giới chức y tế London gần như bất lực khi cố gắng kiểm soát dịch bệnh, nhiều người cho rằng, chính trận hỏa hoạn lớn xảy ra vào tháng 9/1666 đã xua đuổi lũ chuột và “giải cứu” thành phố, theo Biography.

Rạng sáng ngày 2/9/1666, ngọn lửa bùng lên ở tiệm bánh của Thomas Farrinor – thợ làm bánh cho vua Charles II. Từ tiệm bánh trên đường Pudding Lane, gần cầu London, lửa nhanh chóng bắt sang phố Thames, nơi đặt các nhà kho chứa củi của thành phố. London biến thành hỏa ngục.

Trận đại hỏa hoạn London là một thảm họa có thể được cảnh báo trước, theo Biography. London vào năm 1666 là thành phố với nhiều ngôi nhà làm bằng gỗ. Để tránh nhà bị ngấm nước mưa, nhiều gia đình nghèo trong thành phố đã phết nhựa đường lên các tấm gỗ. Điều này khiến những ngôi nhà trở nên dễ cháy hơn. Đường phố chật hẹp, nhà cửa san sát nhau ở London càng khiến nỗ lực dập lửa trở nên vô vọng.

Ngày 3/9, tỉnh dậy khi đám cháy đang dần nuốt chửng thành phố, vua Charles II sai em trai là James, công tước xứ York (sau này là vua Anh James II) chỉ huy việc cứu hỏa. Đội cứu hỏa hoàng gia do công tước James chỉ huy phá sập các tòa nhà, nhằm tạo những khoảng trống, ngăn ngọn lửa lan rộng hơn. Vua Charles II đã đích thân giám sát hoạt động chữa cháy trong thành phố, theo Britannica.

Ngày 6/9, trận hỏa hoạn ở London được dập tắt, nhưng phần lớn diện tích thành phố bị hủy hoại. Tổng số người chết được ghi nhận là 16, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, rất nhiều người nghèo ở London đã thiệt mạng trong trận hỏa hoạn. Thi thể của họ bị đốt ra tro và không được chính quyền ghi nhận.

87 nhà thờ và khoảng 13.000 nhà dân bị thiêu rụi trong đại hỏa hoạn London. Sau trận hỏa hoạn, số ca nhiễm dịch hạch ở London giảm đáng kể và dịch bệnh chấm dứt vào cuối năm 1666.

Tuy nhiên, hỏa hoạn không hề giúp chấm dứt dịch hạch ở London như một số người lầm tưởng, theo Worldhistory. Trên thực tế, số người mắc dịch hạch trong thành phố đã có xu hướng giảm dần vào mùa hè năm 1666. Ngoài ra, ngọn lửa ở London cũng không thể giết hết đám chuột mang mầm bệnh.

Đến nay, các nhà sử học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng khiến dịch hạch kết thúc ở London.

Sau trận hỏa hoạn kinh hoàng, vua Charles II quyết tâm quy hoạch lại London một cách hợp lý hơn. Nhà xây bằng gạch được ưu tiên hơn nhà gỗ. Gạch cũng khiến chuột khó chui vào hơn. Thay vì xây dựng các nhà thờ với quy mô lớn, vua Anh chỉ đạo xây dựng các nhà thờ nhỏ trên khắp London với trung tâm là nhà thờ St.Paul.

Một vấn đề khác là cần tìm ra thủ phạm cho vụ cháy ở London. Trong cuộc săn lùng của đám đông, một người Pháp có dấu hiệu của bệnh tâm thần tên Robert Hubert nói rằng ông ta đã phóng hỏa tiệm bánh Farriner. Robert Hubert bị treo cổ ngay sau đó.

Cái chết của vua Anh Charles II (tranh: Alamy)

Cái chết của vua Anh Charles II (tranh: Alamy)

Hai đại họa liên tiếp xảy ra ở London khiến nguồn lực của nước Anh suy giảm nghiêm trọng, vị thế của Charles II cũng bị lung lay. Để có tiền phục vụ hoàng tộc Anh và tránh “đụng chạm” quốc khố, năm 1670, Charles II ký một hiệp ước bí mật với vua Pháp Louis XIV.

Theo đó, Charles II đồng ý sẽ cải sang đạo Công giáo (tôn giáo chính ở Pháp thời bấy giờ) vào một thời điểm thích hợp. Ông cũng cam kết ủng hộ sự phát triển của Công giáo ở Anh và hỗ trợ Paris trong chiến tranh Pháp – Hà Lan. Đổi lại, Charles II nhận được các khoản viện trợ béo bở từ hoàng gia Pháp. Sự ủng hộ của Pháp giúp Charles II “dễ thở” hơn khi bớt phải tranh cãi với nghị viện về vấn đề chi tiêu của hoàng gia.

Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Charles II và Pháp nhanh chóng bị các nghị sĩ Anh (hầu hết theo đạo Tin lành) phát giác. Nghị viện Anh buộc Charles II phải thu hồi những gì đã hứa với Pháp nhưng nhà vua từ chối. Mối quan hệ giữa Charles II và nghị viện trở nên căng thẳng và ngày càng có nhiều tin đồn về việc vua Anh có thể bị ám sát, theo History.

Bực tức vì không được làm theo ý mình, Charles II giải tán nghị viện Anh vào năm 1679 và tự nắm quyền cho tới cuối đời. Ông qua đời vào ngày 6/2/1685 ở cung điện Whitehall (London). Trên giường bệnh, Charles II tuyên bố ông là người theo đạo Công giáo.

_____________

Ít người biết rằng vị vua sáng lập ra hoàng gia Anh lại không phải người Anh. Ông nổi tiếng với thói háu ăn, sự tàn bạo và không mấy được người dân Anh yêu mến. Thi thể của ông sau khi chết còn xảy ra hiện tượng khiến nhiều người hãi hùng. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài kỳ tới, xuất bản vào sáng sớm 15/11/2022 trên mục Thế giới.

Vua Anh đầu tiên gây ra nội chiến, lãnh cái kết bi thảm

Trong lịch sử Vương quốc Anh, chưa có vị vua nào gây ra mâu thuẫn nghiêm trọng với nghị viện và phải chịu hậu quả đau đớn như Charles I.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN