Vua Anh đầu tiên gây ra nội chiến, lãnh cái kết bi thảm

Trong lịch sử Vương quốc Anh, chưa có vị vua nào gây ra mâu thuẫn nghiêm trọng với nghị viện và phải chịu hậu quả đau đớn như Charles I.

Thành lập từ năm 1066 và tồn tại đến ngày nay, hoàng tộc Anh đã cai trị nước Anh qua 42 đời vua và nữ hoàng. Ngày nay, hoàng gia Anh được nhiều người yêu mến và kính trọng. Nhưng trong lịch sử, không ít vị quân chủ Anh đã gặp phải tai ương.

Charles I – vua Anh đầu tiên bị xử tử (tranh: Britannica)

Charles I – vua Anh đầu tiên bị xử tử (tranh: Britannica)

Tháng 11/1600, Charles I ra đời. Ông là con trai thứ của vua Anh James I và hoàng hậu Anne xứ Đan Mạch. Thời niên thiếu, Charles I thường xuyên đau ốm và được người anh trai Henry (cũng là vị vua kế nhiệm được chỉ định) chăm sóc. Tình cảm giữa Charles I và Henry rất gắn bó.

Theo History, cuộc nội chiến đầu tiên ở Anh có lẽ đã không xảy ra nếu như hoàng tử Henry không qua đời đột ngột vì bệnh thương hàn ở tuổi 18. Lịch sử Anh đánh giá Henry là người tài giỏi, mạnh mẽ và được lòng cả nghị viện cũng như thần dân.

Cái chết của Henry khiến Charles, khi đó mới 12 tuổi, nghiễm nhiên thừa hưởng tước hiệu thân vương xứ Wales và trở thành vua kế nhiệm.

Đầu năm 1624, sức khỏe của vua James I ngày càng sa sút. Ông giao hầu hết việc triều chính cho hoàng tử Charles xử lý. Tháng 3/1625, James I qua đời, Charles I chính thức trị vì nước Anh.

Charles I và cuộc hôn nhân gây tranh cãi với công chúa Henrietta Maria của Pháp (tranh: History)

Charles I và cuộc hôn nhân gây tranh cãi với công chúa Henrietta Maria của Pháp (tranh: History)

Là vị vua mới của nước Anh, việc đầu tiên Charles I chú ý là tìm cho mình một người vợ. Sau thất bại trong việc liên hôn với hoàng tộc Tây Ban Nha, Charles I tìm cách kết hôn với công chúa Henrietta Maria của Pháp. Cuộc hôn nhân của Charles I bị các nghị sĩ từ nghị viện Anh (bao gồm cả Thượng viện và Hạ viện) phản đối gay gắt, nguyên nhân là công chúa Pháp theo đạo Công giáo, còn hầu hết giới quý tộc Anh thời bấy giờ theo đạo Tin lành, theo The Conversation.

Charles I tuyên bố ông có quyền tối cao của một vị vua và quyết tâm kết hôn với công chúa Henrietta Maria. Tuy nhiên, nhà vua mới của Anh cũng khẳng định, một số quy định hạn chế về địa vị xã hội đối với người theo đạo Tin lành vẫn được giữ nguyên. Charles I và Henrietta Maria sinh ra 9 người con, trong đó có vua Charles II sau này.

Mâu thuẫn giữa Charles I và nghị viện Anh đã có từ trước khi ông lên ngôi, theo Historic UK.

Năm 1620, Anh và Tây Ban Nha xảy ra chiến tranh nhằm tranh giành những vùng đất mới trên lục địa châu Âu. Trước sức mạnh từ các hạm đội Tây Ban Nha, vua Anh vua James I muốn giảng hòa, trong khi nghị viện Anh muốn tiếp tục chiến tranh và đánh cướp các tàu chở vàng của đối phương. Tháng 1/1622, James I giải tán nghị viện Anh vì cho rằng các nghị sĩ thể hiện thái độ bất tuân, theo History.

Giống như cha mình, Charles I (khi đó đang là thái tử) cho rằng nghị viện đã “xấc láo và phạm thượng” khi can thiệp vào quyết định của nhà vua. Charles sau đó lên đường tới Tây Ban Nha, xin kết hôn với công chúa Maria Anna. Tuy nhiên, ông bị phía Tây Ban Nha từ chối và phải trở về nước trong xấu hổ.

Charles I liên tục giải tán nghị viện để khẳng định uy quyền (tranh: Historic UK)

Charles I liên tục giải tán nghị viện để khẳng định uy quyền (tranh: Historic UK)

Để tiếp tục chiến tranh với Tây Ban Nha, James I buộc phải triệu tập lại nghị viện. Nhằm “trả đũa” nhà vua, nghị viện Anh chỉ chấp nhận thông qua một khoản chiến phí rất hạn hẹp. Điều này khiến hải quân Anh túng thiếu và bị Tây Ban Nha đánh bại nhiều trận. Nhân cơ hội này, nghị viện Anh kêu gọi luận tội một số tướng lĩnh trung thành với James I.

Chưa dừng lại ở đó, nghị viện Anh còn giới hạn nguồn thu của vua Anh từ các loại thuế hải quan. Charles rất căm ghét nghị viện vì cho rằng cha mình (James I) bị bức ép. Theo Historic UK, cả Charles I và James I đều tin rằng, các vị vua là người được Chúa lựa chọn để cai trị và chỉ có Chúa mới có thể hạn chế quyền lực của họ.

Theo History, nghị viện thời bấy giờ có quyền lực to lớn ở Anh. Năm 1295, vua Anh Edward I đã thông qua đạo luật về “nghị viện kiểu mẫu” (Model Parliament). Theo đó, quyền lực của hoàng gia Anh bị hạn chế bởi nghị viện (bao gồm tầng lớp giàu có và hiệp sĩ). Sẽ không có luật mới, không có thuế mới được đặt ra nếu không có sự đồng thuận giữa nghị viện và vua Anh. Nghị viện cũng là cơ quan quyết định các khoản chi ngân sách quốc gia.

Quy định trên được nhiều vua Anh tôn trọng, nhưng cũng có một số người tỏ ra khó chịu và tìm cách giải tán nghị viện để nắm quyền tối cao như James I và Charles I.

Sau khi lên ngôi, vì để có tiền phục vụ chiến tranh, Charles I đã đặt thêm nhiều khoản thuế và gây mất lòng dân. Trước sự phản đối của các nghị sĩ, vua Charles I ra lệnh giải tán nghị viện. Điều này khiến người dân càng phản đối quyết định tăng thuế của nhà vua, theo Historic UK.

Năm 1628, Charles I triệu tập nghị viện, thuyết phục các nghị sĩ thông qua các loại thuế mới. Đáp lại, nghị viện đưa ra “Bản kiến nghị quyền lực”, kêu gọi nhà vua công khai thừa nhận rằng, ông không được phép đánh thuế nếu nghị viện chưa đồng ý. Charles I nổi giận và ra lệnh giải tán nghị viện một lần nữa.

Charles I trên chiến trường (tranh: Historic UK)

Charles I trên chiến trường (tranh: Historic UK)

Năm 1629, sau những thất bại liên tiếp của hải quân Anh trước Tây Ban Nha, Charles I triệu tập nghị viện và thuyết phục họ chấp nhận các khoản thuế mới với lời lẽ ôn hòa hơn. Bất mãn vì một lần nữa bị cự tuyệt, vua Charles I ra lệnh bắt giam 9 lãnh đạo nghị viện Anh.

Năm 1630, Charles I ký hòa ước chấm dứt chiến tranh với Tây Ban Nha. Từ đây, ông tự mình nắm quyền nước Anh trong 11 năm mà không cần đến nghị viện. Lịch sử Anh gọi đây là thời kỳ “11 năm chuyên chế” của vua Anh. Xã hội nước Anh trong thời kỳ này bị chia rẽ nghiêm trọng với một bên là phe bảo hoàng, một bên là những người ủng hộ khôi phục nghị viện.

Năm 1641, những người theo đạo Công giáo ở xứ Ireland (thuộc Anh) nổi dậy nhằm chấm dứt việc bị phân biệt đối xử so với người theo đạo Tin lành (vốn được trọng vọng hơn ở Anh thời bấy giờ). Loay hoay tìm cách trấn áp vụ nổi loạn, Charles I một lần nữa triệu tập các nghị sĩ. 

Nghị viện Anh không phản đối việc Charles I tập hợp quân đội để trấn áp Ireland. Nhưng một số nghị sĩ Anh nghi ngờ rằng, sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn, họ sẽ tiếp tục bị nhà vua đối xử tệ bạc.

Năm 1642, Charles I yêu cầu nghị viện Anh trục xuất 5 thành viên với cáo buộc “ủng hộ Ireland”. Khi nghị viện tỏ ra bất tuân, vua Anh đã trực tiếp dẫn quân đội tới bắt người. Giận dữ vì 5 nghị sĩ “phản quốc” đã bỏ trốn từ lâu, Charles I cách chức William Lenthall – Chủ tịch Hạ viện Anh.

“Để làm vui lòng Thánh thượng, hạ thần có thể móc mắt hoặc cắt lưỡi mình. Nhưng hạ thần phải bảo vệ những nghị sĩ ở đây. Đây là nơi hạ thần lãnh đạo”, William Lenthall đáp trả Charles I khi nhà vua yêu cầu giao người.

Theo Historic UK, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Anh, một nghị sĩ tuyên bố trung thành với nghị viện hơn là với nhà vua.

Charles I bị chém đầu (tranh: History)

Charles I bị chém đầu (tranh: History)

Vụ bắt giữ bất thành trở thành tai họa đối với Charles I. Trước đó, chưa từng có vua Anh nào đem quân đội xông vào nghị viện. Hành động bốc đồng của Charles I khiến các nghị sĩ Anh quyết tâm lật đổ ông. Oliver Cromwell – viên tướng thống lĩnh đội quân “Mặt nạ sắt” tinh nhuệ – là người được nghị viện Anh giao trách nhiệm này.

Nắm được âm mưu làm phản của Oliver Cromwell và nghị viện, Charles I cũng gấp rút gây dựng lực lượng cho riêng mình. Cuộc nội chiến đầu tiên trong lịch sử Anh bùng nổ.

Ngày 23/10/1642, lực lượng hoàng gia Anh và phe nghị viện lần đầu tiên đụng độ ở Edgehill (nay thuộc hạt Warwickshire, Anh). Gần 30.000 binh sĩ 2 bên đã lao vào cuộc chiến đẫm máu và cùng rút lui vì tổn thất nghiêm trọng.

Tháng 6/1645, trận đánh then chốt ở Naseby (nay thuộc hạt Northamptonshire, Anh) nổ ra. Trong khi chiến sự rơi vào thế giằng co, Charles I thúc ngựa lên phía trước đội hình như một cách để cổ vũ sĩ khí. Tuy nhiên, một vài cận thần vì lo lắng đã kéo ông quay lại. Hành động của Charles I bị binh sĩ hiểu nhầm là lệnh rút quân, dẫn đến hàng ngũ quân bảo hoàng rối loạn, theo Britannica.

Sau thảm bại ở Naseby, lực lượng của Charles I tổn thất nghiêm trọng và liên tiếp thất bại trong những trận đánh sau. Charles I phải bỏ trốn, theo History.

Tháng 6/1646, Charles I bị bắt giữ vào nộp cho quân nghị viện Anh. Nội chiến Anh kết thúc. Charles I cố gắng vượt ngục nhưng bất thành. Ông sống những ngày cuối đời ở lâu đài Carisbrooke trên đảo Wight.

Tướng Oliver Cromwell ngắm xác vua Anh (tranh: Owlcation)

Tướng Oliver Cromwell ngắm xác vua Anh (tranh: Owlcation)

Theo Britannica, Charles I đã từ chối khi nhiều nghị sĩ khuyên ông khuất phục nghị viện và chấp nhận thể chế cộng hòa do Oliver Cromwell nắm quyền. Năm 1648, Charles I bị đưa ra xét xử với cáo buộc phản quốc và nhận án tử hình. Tại toà án, vua Anh tuyên bố không tòa nào đủ thẩm quyền xét xử một vị quân vương.

Trên đường đi tới đoạn đầu đài, Charles I đã xin thêm một chiếc áo. Theo History, ông không muốn bị run vì lạnh và để thần dân của mình nghĩ rằng nhà vua đang sợ hãi.

Sau cái chết của Charles I, chế độ quân chủ ở Anh tạm thời bị bãi bỏ (cho đến khi được vua Charles II khôi phục), Oliver Cromwell nắm quyền lực lớn nhất và cai trị nước Anh với danh hiệu Bảo hộ công.

_____________

Sau khi Oliver Cromwell lật đổ chế độ quân chủ Anh, liệu hoàng gia Anh còn có thể tồn tại? Số phận con trai của vua Charles I sẽ ra sao khi vua cha bị sát hại? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài kỳ tới, xuất bản vào sáng sớm 14/11/2022 trên mục Thế giới

Điều ít biết về áo quan của Nữ hoàng Elizabeth

Áo quan của Nữ hoàng Elizabeth II được làm từ hơn 30 năm trước, tại cùng công ty đã đóng áo quan cho Hoàng tế Philip - phu quân của bà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN