Vụ vỡ đập thủy điện ở Kherson: Nga và Ukraine đều gặp bất lợi?
Vụ vỡ đập thủy điện trên sông Dnipro ở tiền tuyến khiến cuộc xung đột ở Ukraine càng trở nên khó lường và tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa môi trường.
Ảnh vệ tinh cho thấy đập thủy điện Nova Kakhovkatrước và sau khi gặp sự cố.
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine, Moscow và Kiev đã đổ lỗi lẫn nhau. Ở vùng hạ lưu, hàng chục ngôi làng, khu vực ven bờ sông do Nga và Ukraine kiểm soát bị ngập lụt, dẫn đến việc sơ tán người dân.
Sự cố vỡ đập xảy ra đúng vào lúc Ukraine đang gia tăng các hoạt động quân sự ở tiền tuyến và điều này có thể khiến nỗ lực tấn công của Ukraine gặp khó khăn, các nhà phân tích cho biết, theo Reuters.
"Cần lưu ý rằng Nga đang ở thế phòng thủ chiến lược còn Ukraine đang chịu sức ép phải tấn công. Trong ngắn hạn, Nga đang hưởng lợi từ sự cố này", Ben Barry, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), nhận định. "Nước dâng ở vùng hạ lưu khiến con sông Dnipro được mở rộng, khiến cho bất kỳ nỗ lực vượt sông nào của Ukraine càng trở nên khó khăn hơn".
Một người dân địa phương đứng ở khu vực ngập lụt thuộc thành phố Kherson, vùng hạ lưu sông Dnipro.
Maciej Matysiak, chuyên gia an ninh tại tổ chức Stratpoints Foundation và là cựu phó giám đốc cơ quan phản gián thuộc quân đội Ba Lan, nói nước dâng ở hai bên bờ sông Dnipro sẽ ngăn cản quân đội Nga và Ukraine sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng trong ít nhất một tháng.
"Nó tạo ra một vị trí phòng thủ rất tốt cho Nga, vì họ đang chờ đợi cuộc phản công của Ukraine", Matysiak nói.
Trong khi đó, đối với Ukraine, sự cố vỡ đập có thể giúp đánh lạc hướng quân đội Nga trong lúc đẩy mạnh tấn công ở các khu vực khác. Thực tế là trước khi Ukraine đẩy mạnh tiến công từ đầu tháng này, giới quan sát cũng chưa từng nhận định về khả năng Ukraine chuẩn bị mũi tiến công vượt sông Dnipro, hướng tới phần còn lại của vùng Kherson và bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.
Hôm 6/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng, sự cố vỡ đập giúp Ukraine rút bớt lực lượng ở bờ tây sông Dnipro để bổ sung binh lực cho các mũi tiến công khác ở tiền tuyến.
Giống như Ukraine, trận địa phòng thủ của Nga ở bờ đông sông Dnipro cũng bị tổn hại do nước lũ dâng cao. Lực lượng Nga tại các phòng tuyến ven bờ sông đã phải từ bỏ trận địa để rút đến nơi cao hơn và có thể đã phải bỏ lại một số khí tài hạng nặng.
Khu vực ngập lụt (màu xanh) nằm ở cả hai bên bờ sông Dnipro, trong đó bờ đông (màu đỏ) do Nga kiểm soát và bờ tây do Ukraine kiểm soát.
Về mặt lâu dài, sự cố vỡ đập cũng có thể tạo ra hệ quả tiêu cực với nguồn cung cấp nước cho bán đảo Crimea và nguồn nước làm mát cho nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia.
Hiện tại, lượng nước làm mát nhà máy điện hạt nhân vẫn đang ở mức ổn định. Nga cũng có những kênh cấp nước khác để đảm bảo làm mát cho các lò phản ứng hạt nhân của nhà máy trong nhiều tháng, Reutersdẫn nguồn từ các tổ chức giám sát của Liên Hợp Quốc.
Giới chức Nga cảnh báo rằng con kênh chính kết nối với đập thủy điện Kakhovka, cung cấp nước cho bán đảo Crimea, hiện đang nhận được ít nước hơn.
Cuối cùng, sự cố vỡ đập có tác động về lâu dài đến môi trường và nông nghiệp ở Ukraine, một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Hôm 7/6, giá lúa mì thế giới đã tăng 3%.
"Nova Kakhovka là một con đập rất lớn, một trong những hồ chứa lớn nhất thế giới", Mohammad Heidarzadeh, kỹ sư xây dựng tại Đại học Bath ở Anh, nói. "Dựa trên kinh nghiệm về các sự cố tương tự, một khu vực rất lớn sẽ bị ảnh hưởng. Những vật liệu nguy hiểm phân tán khắp khu vực có thể ảnh hưởng đến năng suất ngành nông nghiệp về lâu dài".
Heidarzadeh nói lũ lụt sẽ gây ra nhiều gián đoạn cho chuỗi cung ứng nông nghiệp trong khi có thể phải mất nhiều năm mới dọn sạch được lượng bùn do nước lũ để lại tại vùng hạ lưu Kherson.
Nhìn chung, theo giới quan sát, về lâu dài, sự cố vỡ đập thủy điện ở Kherson không hề có lợi cho cả Nga và Ukraine, theo Reuters.
Đập Kakhovka ở Vùng Kherson đã bị hư hại vài ngày trước vụ vỡ đập hôm 6/6, hãng tin CNN phân tích dựa trên hình ảnh vệ tinh.
Nguồn: [Link nguồn]