Nhìn lại vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai quốc gia có duyên nợ trong lịch sử. Hai nước thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, nhưng cũng có những mâu thuẫn, căng thẳng từng khiến quan hệ "rơi xuống vực thẳm" như vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiến đấu cơ Nga.
Mối quan hệ căng thẳng Nga - Thổ chỉ chấm dứt sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan công khai lên tiếng xin lỗi Nga.
Trong lịch sử, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có không ít lần đụng độ. Nhưng cũng có những giai đoạn hai nước thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung. Kể từ năm 2000, một giai đoạn hợp tác chặt chẽ mới định hình quan hệ chiến lược Nga – Thổ hình thành. Vài năm gần đây, quan hệ Nga và Thổ Nhĩ kỳ từng có lúc rơi xuống mức thấp nhất, nhưng vì những lợi ích chiến lược mà cuối cùng hai quốc gia lại chấp nhận bắt tay. Loạt bài này sẽ điểm lại những dấu mốc đáng chú ý nhất trong mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trong thời đại ngày nay. |
Ngày 24/11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố một chiến đấu cơ Su-24 xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 17 giây trước khi bị chiến đấu cơ F-16 bắn rơi. Nga tuyên bố máy bay không vượt qua đường biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi NATO bày tỏ lập trường ủng hộ Ankara.
Theo phía Thổ Nhĩ Kỳ, chiến đấu cơ Nga đã được cảnh báo nhiều lần trong 5 phút, trong khi Moscow khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ phóng tên lửa mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào.
Hai phi công Nga nhảy dù thành công nhưng chỉ một người được đặc nhiệm nga giải cứu. Người còn lại bị trúng đạn từ một nhóm phiến quân người Turkmen hoạt động ở vùng biên giới và tử vong.
Sau sự cố, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức liên hệ với NATO để nhờ hỗ trợ vì Ankara là nước thành viên NATO. Động thái này đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin tức giận, gọi đây là "cú đâm sau lưng".
Quân đội Nga cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị sẵn cho khả năng bắn rơi máy bay Nga và vụ việc giống như một cuộc phục kích.
Quan hệ "rơi xuống vực thẳm"
Chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi năm 2015.
Ban đầu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói mình lấy làm tiếc về vụ việc nhưng đây là nguyên tắc của Thổ Nhĩ Kỳ khi xảy ra đụng độ và hi vọng khủng hoảng có thể sớm được giải quyết.
Nhưng Nga không chấp nhận lời giải thích này. Moscow áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế tác động đến các lĩnh vực thương mại, xây dựng và du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Vụ việc khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia có nhiều duyên nợ trong lịch sử, được mô tả là "rơi xuống vực thẳm".
Về khía cạnh quân sự, Nga đưa tên lửa phòng không tối tân S-400 đến Syria trực chiến và liên tiếp giáng đòn không kích vào các nhóm phiến quân người Turkmen do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Syria.
Trong nhiều tháng, không quân Nga đã đánh bại các lữ đoàn chiến đấu người Turkmen, khiến các vùng kiểm soát của phiến quân ôn hòa thân Thổ Nhĩ kỳ bị thu hẹp ở miền bắc Syria.
Nhưng Nga không có bất cứ động thái nào trong việc giảm nguồn cung khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như không tận dụng việc là nhà cung cấp 55% lượng khí đốt hàng năm cho Thổ Nhĩ Kỳ để gây sức ép.
Thay vào đó, Nga yêu cầu Thổ Nhĩ kỳ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24, phải xin lỗi và có bồi thường thỏa đáng.
Tính đến thời điểm năm 2016, tổn thất về kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ gánh chịu vì các lệnh trừng phạt của Nga lên tới 8 tỉ USD.
Mặc dù nổi tiếng là nhà lãnh đạo cứng rắn, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan không có bất cứ biện pháp nào đáp trả Nga.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ liên tục nói rằng sự việc xảy ra là đáng tiếc và hi vọng quan hệ hai nước có thể được khôi phục.
Để tránh Nga đáp trả quân sự, các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ kể từ đó luôn tránh biên giới Syria, trong khi các máy bay Nga vẫn phớt lờ cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chiến đấu cơ Su-24 của Nga cất cánh từ căn cứ quân sự Latakia ở Syria.
Ông Erdogan sau nhiều lần tìm cách đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin thất bại, tỏ ra tức giận với việc các máy bay Nga vẫn thách thức ở khu vực biên giới. "Nếu Nga tiếp tục vi phạm chủ quyền Thổ Nhĩ Kỳ thì sẽ phải hứng chịu hậu quả", ông Erdogan nói.
Trên thực tế, sự kiện xảy ra vào tháng 11/2015 đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ gần như mất hoàn toàn ảnh hưởng ở Syria, khiến các nhóm dân quân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, trỗi dậy mạnh mẽ.
Quan trọng hơn, mối quan hệ Nga-Thổ vốn được xây dựng kể từ năm 2000, bị tổn hại sâu sắc. Cho đến ngày hôm nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không được Nga xem xét kết nạp vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), theo nhận định của Soli Özel, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has ở Istanbul.
Đến lúc này, Ankara mới nhận ra rằng, nước này chỉ còn có thể trông cậy vào NATO trong vấn đề đảm bảo an ninh, nhưng các đồng minh NATO như Mỹ lại có quan điểm khác biệt trong vấn đề người Kurd ở Syria.
Sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ
Một trong những mâu thuẫn lớn nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là vấn đề Syria. Theo giáo sư Soli Özel, Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu có mục đích lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ nội chiến Syria vào năm 2011.
Tình hình thay đổi kể từ năm 2014, khi Mỹ công khai hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd YPG trong cuộc chiến chống khủng bố IS. Nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, người Kurd đã có vị thế vững chắc và xây dựng chính quyền ở đông bắc Syria, khiến Thổ Nhĩ Kỳ coi là "cái gai trong mắt", theo giáo sư Soli Özel.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến đấu cơ Nga đã bay qua điểm cuối của lãnh thổ nước này, trong khi Nga kiên quyết bác bỏ.
Kể từ đó, chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi. Ankara vừa muốn đối phó chính phủ Syria, vừa muốn truy quét người Kurd.
Để đạt mục tiêu, Thổ Nhĩ Kỳ tích cực hợp tác với Ả Rập Saudi và tham gia bơm tiền, vũ khí cho các nhóm phiến quân người Turkmen.
Khi Nga can thiệp vào Syria năm 2015, Moscow không chỉ nhắm tới mục tiêu chống khủng bố, mà còn nhằm làm suy yếu các nhóm phiến quân chống chính phủ do Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi hậu thuẫn.
Nga can thiệp vào Syria được coi là cản trở lớn nhất trong chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Một tháng trước vụ bắn rơi chiến đấu cơ, có nhiều sự kiện leo thang căng thẳng giữa lực lượng quân sự hai bên.
Ngày 3/10/2015, một chiến đấu cơ Nga xâm phạm không phận và bị chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ xua đuổi. Ngày hôm sau, một chiếc MiG-29 lại áp sát biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và được cho là khóa mục tiêu máy bay Thổ.
Các sự kiện như vậy lặp đi lặp lại trong tháng 10, được coi là dấu hiệu cho thấy Nga muốn cản trở chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phiến quân người Turkmen trong khi Nga hậu thuẫn quân đội chính phủ ở Syria.
Theo giáo sư Soli Özel, sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga có thể được xem như là "một khoảnh khắc cả giận mất khôn", hủy hoại 15 năm xây dựng quan hệ gần gũi giữa hai nước.
Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng NATO sẽ can thiệp sâu hơn vào Syria sau sự kiện này. Nhưng tất cả đều là sự thất vọng vì NATO và Mỹ một mặt ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ bắn rơi chiến đấu cơ Nga, mặt khác coi sự việc tách biệt với khủng hoảng ở Syria.
Giáo sư Soli Özel nhận định, sự thờ ơ của đồng minh NATO trong khi nền kinh tế bị tổn hại do lệnh trừng phạt của Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ "thiệt đơn thiệt kép".
Với việc bắn rơi chiến đấu cơ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã phá bỏ nguyên tắc kể từ thời Ottoman. Đó là không gây hấn với Nga trừ khi có đồng minh cam kết hỗ trợ.
Sự kiện đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016, được cho là do Mỹ đứng sau, có thể là "giọt nước tràn ly" khiến ông Erdogan quyết định cần phải khôi phục hoàn toàn mối quan hệ gần gũi với Nga.
____________________
Xích lại gần Nga trong giai đoạn xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp Moscow hay đây là toan tính cá nhân riêng của Tổng thống Erdogan? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản lúc 19h ngày 21/8 trên mục Thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Nước Nga trong lịch sử nổi lên từ thế kỷ thứ 9, từng giao tranh với nhiều thế lực hùng mạnh như đế quốc Đông La Mã, đế quốc Mông Cổ, vương quốc Thụy Điển, Đại công...