Vụ tên lửa 'bay lạc' sang Ba Lan làm nổi bật lỗ hổng phòng không của NATO
Vụ một tên lửa “bay lạc” sang Ba Lan, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đặt ra yêu cầu cho NATO trong việc củng cố hệ thống phòng không.
Ba Lan từ lâu đã tăng cường khả năng phòng không nhưng vụ một tên lửa “bay lạc” vào lãnh thổ nước này hôm 15-11 đã đặt ra yêu cầu về một lá chắn vững chắc cho vùng trời khu vực biên giới với Ukraine và cũng là biên giới phía đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo hãng tin Reuters.
Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg cho biết tên lửa rơi xuống Ba Lan có thể là do Ukraine phóng để tự vệ trước Nga, chứ không phải hành động cố ý.
Reuters nhận định mặc dù đây là một “lỗi kỹ thuật” có thể xảy ra trong bất kỳ cuộc xung đột nào, nhưng vụ việc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với NATO trong việc bịt các lỗ hổng về phòng không bởi vì ngay cả những sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm.
Một chuyên gia phòng không NATO (giấu tên) nói với Reuters: “Tai nạn kiểu này xảy ra chỉ là vấn đề thời gian”.
Ông cho biết thêm rằng trong khi các tên lửa phòng không hiện đại của phương Tây có thể tự hủy nếu chúng bắn trượt mục tiêu, thì các tên lửa kiểu cũ của Liên Xô lại không có cơ chế này.
“Nếu bắn trượt mục tiêu, những tên lửa kiểu cũ sẽ bay tiếp cho đến khi hết nhiên liệu” - ông nói và lưu ý rằng các tên lửa cũ cũng có tỉ lệ bị lỗi cao hơn.
Cảnh sát làm việc tại hiện trường sau vụ tên lửa “bay lạc” vào làng Przewodow, miền đông Ba Lan, gần biên giới với Ukraine khiến 2 người thiệt mạng. Ảnh: REUTERS
Cũng theo chuyên gia, hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không, tương tự hệ thống Patriot của hãng Raytheon có thể đánh chặn các tên lửa đang bay tới. Tuy nhiên, từ sau Chiến tranh Lạnh, nhiều đồng minh NATO đã giảm số lượng đơn vị phòng không kiểu này vì cho rằng mối đe dọa không còn lớn như trước.
Đức từng có 36 hệ thống Patriot trong Chiến tranh Lạnh nhưng giờ đây chỉ còn 12 và 2 trong số đó đã được triển khai tới Slovakia.
“Hệ thống phòng không từng là một vành đai thực sự để bảo vệ sườn phía đông của NATO. Nhưng giờ đây chúng ta còn cách xa viễn cảnh đó” - vị chuyên gia cho biết.
Nhận thấy sự cần thiết phải trong việc củng cố hệ thống phòng không, vào tháng 10, nhiều thành viên NATO đã khởi động sáng kiến mua sắm chung các hệ thống phòng không, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3, hệ thống Patriot của Israel, hệ thống phòng không IRIS-T của Đức cùng nhiều hệ thống khác.
Sáng kiến được đưa ra trong bối cảnh Ukraine kêu gọi sự hỗ trợ hệ thống phòng không từ các nước NATO trước các đợt không kích của Nga. Việc chuyển giao vũ khí cho Kiev cũng góp phần làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt hiện có của NATO.
Ba Lan, cùng Estonia, Latvia và Litva đang xây dựng biên giới phía đông mới của NATO bằng việc tăng cường năng lực phòng không mà trước đây vẫn dựa vào các hệ thống thời Liên Xô.
Ông Marek Swierczynski - một nhà phân tích quốc phòng thuộc tổ chức tư vấn Polityka Insight của Ba Lan cho biết: “Trong thập niên tới, chúng ta sẽ chứng kiến Ba Lan sở hữu một hệ thống phòng không cực kỳ to lớn và hiện đại”.
Tuy nhiên, việc triển khai các hệ thống này còn chậm và chúng vẫn có thể mất nhiều năm để đi vào hoạt động đầy đủ, ông nói thêm.
Ông Swierczynski cũng cho biết rằng trong vài tháng gần đây, Warsaw đã nhận được sự hỗ từ Washington, nhưng các hệ thống này không đủ linh hoạt và tầm hoạt động không đủ xa để theo dõi từng lỗ hổng phòng không ở sườn phía đông.
Theo nhà phân tích, thậm chí có nhiều hệ thống phòng không hơn nữa cũng không thể đảm bảo rằng một tên lửa “đi lạc” tương tự như tên lửa ngày 15-11 sẽ bị đánh chặn.
“Đây là một nghịch lý: Cho dù bạn chi bao nhiêu tiền cho một hệ thống phòng không đi nữa, bạn cũng sẽ không bao giờ chế tạo được thứ gì đó không thể xuyên thủng 100%” - ông Swierczynski kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Tên lửa S-300 là dòng tên lửa đất đối không do Liên Xô sáng chế, có nhiều phiên bản và được cả Nga, Ukraine sử dụng trong cuộc xung đột.