Vụ tàu ngầm đặc nhiệm Triều Tiên đổ bộ HQ gây chấn động

26 đặc nhiệm tinh nhuệ và thủy thủ tàu ngầm Triều Tiên nhận nhiệm vụ đổ bộ, do thám căn cứ quân sự Hàn Quốc đã gặp phải sự cố, dẫn đến nhiều sự kiện đẫm máu trên đất Hàn.

Vụ tàu ngầm đặc nhiệm Triều Tiên đổ bộ HQ gây chấn động - 1

Đặc nhiệm Triều Tiên. Ảnh minh họa.

Kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, Mỹ thường điều tàu chiến và máy bay đến do thám, trinh sát Liên Xô. Nhiều sự cố xảy ra như tàu ngầm Mỹ đâm vào tàu ngầm Liên Xô, bị Triều Tiên tịch thu tàu trinh sát, máy bay U-2 bị bắn rơi hay chiếc P-3 đâm vào chiến đấu cơ Trung Quốc.

Tháng 9.1996 là thời điểm mà biên đội tàu ngầm do thám Triều Tiên phải trải qua kịch bản này, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh bởi quan hệ Hàn-Triều vốn luôn rơi vào căng thẳng.

Theo National Interest, sáng sớm ngày 14.9.1996, tàu ngầm lớp Sang-O của Triều Tiên do thuyền trưởng Chong Yong-ku chỉ huy mang theo đội đặc nhiệm thuộc Cục Trinh sát  tinh nhuệ cùng Đại tá Kim Dong-won, giám đốc cơ quan tình báo hải quân, lên đường thực hiện nhiệm vụ do thám Hàn Quốc.

Nhưng binh sĩ đặc nhiệm Triều Tiên không hề biết rằng, sự kiện này lại dẫn đến những sự kiện đẫm máu kéo dài sau đó.

Trước khi khởi hành, binh sĩ lái tàu ngầm đã thề không trở về nếu không hoàn thành nhiệm vụ do thám căn cứ quân sự Hàn Quốc ở khu vực Gangneung. Căn cứ này cách khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền khoảng 14km về phía nam.

Ở thời điểm đó, hoạt động do thám của Triều Tiên diễn ra khá phổ biến. Trong giai đoạn 1960-1970, hàng nghìn điệp viên Triều Tiên đã xâm nhập vào Hàn Quốc, nhiều người thiệt mạng trước khi có thể ám sát lãnh đạo Hàn Quốc.

Vụ tàu ngầm đặc nhiệm Triều Tiên đổ bộ HQ gây chấn động - 2

Binh sĩ Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh.

Tàu ngầm Sang-O dừng cách bờ biển Gangeung vài trăm mét một ngày sau khi khởi hành. Tới 21 giờ, dưới sự hỗ trợ của hai thợ lặn, đội đặc nhiệm đổ bộ vào bờ để chụp ảnh căn cứ quân sự Hàn Quốc. Theo kế hoạch, tàu ngầm Sang-O sẽ quay lại đón toán đặc nhiệm Triều Tiên vào đêm 16.9, nhưng không thấy họ xuất hiện trên bờ biển nên nó quay lại đón vào tối ngày hôm sau.

Lần này, tàu ngầm nặng 325 tấn mắc cạn vào đá ngầm lúc 9 giờ tối. Chân vịt tàu vướng đầy rong biển trong khi nỗ lực cứu tàu, cách bờ biển chỉ 20 mét bất thành. Thuyền trưởng Chong ra lệnh bỏ tàu lúc gần nửa đêm, đồng thời phá hủy mọi thứ bên trong

Thật không may cho nhóm thủy thủ Triều Tiên, vào lúc 1 giờ 30 phút sáng, một lái xe taxi Hàn Quốc nhìn thấy bóng tàu ngầm mắc cạn và gần 20 người trên bãi biển. Người này thông báo cho quân đội Hàn Quốc, ngay sau đó cảnh sát và binh sĩ đã được cử đến bờ biển để kiểm tra.

Đến 5 giờ sáng, căn cứ quân đội Hàn Quốc ở tỉnh Kangwon được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. 42.000 binh sĩ thuộc Quân đoàn 8 và Sư đoàn bộ binh số 36 tham gia truy lùng thủy thủ tàu ngầm. Hải quân Hàn Quốc cũng phong tỏa bờ biển đề phòng các tàu ngầm Triều Tiên khác.

Chiều hôm đó, một nông dân thông báo với quân đội về việc có người lạ mặt đi trên ruộng của mình. Lính Hàn Quốc lập tức đến và bắt được Lee Kwang-soo, người lái tàu ngầm. Lee khai rằng, tàu ngầm bị hỏng động cơ khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, khiến nó dạt vào lãnh thổ Hàn Quốc. Lee không hề nhắc đến sự hiện diện của nhóm đặc nhiệm Triều Tiên trên đất Hàn Quốc.

Quân đội Hàn Quốc sau đó phát hiện ra cảnh tượng hãi hùng trên ngọn núi gần đó. Đó là thi thể 10 người mặc quần áo thông thường, bao gồm thuyền trưởng Chong và xác Đại tá Kim Dong-won. Tất cả nạn nhân đều bị bắn vào đầu ở cự ly gần. Chính phủ Hàn Quốc sau đó ra lệnh giới nghiêm toàn bộ đường bờ biển.

Vụ tàu ngầm đặc nhiệm Triều Tiên đổ bộ HQ gây chấn động - 3

Tàu ngầm Sang-o mắc cạn ở Hàn Quốc trong nhiệm vụ chở theo 26 thủy thủ đoàn và lực lượng đặc nhiệm.

Trong quá trình thẩm vấn, Lee Kwang-soo thừa nhận chiếc tàu ngầm đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp với tổng cộng 26 người, đồng nghĩa với việc còn 14 đặc nhiệm Triều Tiên đang lẩn trốn.

Lee nói thủy thủ tàu ngầm đã nhận lệnh “tự sát để tránh bị bắt giữ”. Có khả năng các thủy thủ đã bị chỉ huy bắn chết như một hình thức trừng phạt vì khiến cho tàu ngầm mắc cạn, hoặc họ không có đủ khả năng để tìm đường trở về Triều Tiên.

10 giờ sáng ngày hôm sau, quân đội Hàn Quốc lùng sục quanh vùng núi Gangdon-myeon và đọ súng với toán đặc nhiệm lẩn trốn. 3 cuộc đụng độ khiến 7 binh sĩ Triều Tiên thiệt mạng và hai lính Hàn Quốc bị thương. Cuộc đụng độ những ngày sau đó khiến 4 đặc nhiệm Triều Tiên thiệt mạng, trong khi một người nữa bị cảnh sát bắn hạ ở Gangbori.

3 đặc nhiệm tinh nhuệ còn lại của Triều Tiên vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát. Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Young-sam ra tuyên bố vào ngày 20.9, đe dọa sẽ trả đũa nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích.

Bình Nhưỡng trả lời rằng tàu ngầm của nước này “gặp trục trặc động cơ và trôi vào vùng biển Hàn Quốc. Các binh sĩ buộc phải đặt chân lên bờ và đụng độ vũ trang xảy ra là tất yếu”. Triều Tiên cũng đe dọa trả đũa trước cái chết của các binh sĩ đặc nhiệm.

Ngày 1.10, một thành viên đại sứ quán Hàn Quốc bị đầu độc ở Vladivostok, Nga. Triều Tiên bị nghi đứng sau vụ việc để trả đũa cho cái chết của các thành viên tàu ngầm.

Chiến dịch săn lùng điệp viên Triều Tiên tiếp tục diễn ra suốt 49 ngày, khi ba đặc nhiệm còn lại tìm cách vượt qua khu vực DMZ. Trong quá trình này, cảnh sát Hàn Quốc phát hiện ba thường dân và một binh sĩ nghỉ phép bị sát hại gần biên giới, nghi do bị đặc nhiệm Triều Tiên sát hại.

Vụ tàu ngầm đặc nhiệm Triều Tiên đổ bộ HQ gây chấn động - 4

Tàu ngầm Triều Tiên do thám Hàn Quốc hiện vẫn còn được trưng bày.

Ngày 4.11, nhận được tin báo của người dân, lính Hàn Quốc bao vây hai đặc nhiệm Triều Tiên trên núi Hyangro, cách biên giới 19km.

Các đặc nhiệm Triều Tiên dùng súng trường M16 và hơn 20 quả lựu đạn đáp trả, làm ba lính Hàn Quốc thiệt mạng trước khi bị bắn hạ. Cuốn nhật ký của một đặc nhiệm ghi chép lại việc họ đã sát hại thường dân, cùng hành trình chạy trốn gần 130km trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Cho đến khi kết thục cuộc truy bắt, Hàn Quốc ước tính thiệt hại kinh tế lên đến 187 triệu USD. Các đặc nhiệm Triều Tiên sát hại 4 công dân Hàn Quốc, 8 binh sĩ, một cảnh sát. Ngược lại, trong số 26 người trên tàu ngầm, chỉ có 2 người sống sót. Một người bị bắt giữ ngay từ đầu và đặc nhiệm Triều Tiên cuối cùng có thể đã tẩu thoát thành công.

Ngày 29.12, chính phủ Triều Tiên bất ngờ ra thông báo hiếm hoi, tỏ ý lấy làm tiếc về sự cố này. Đổi lại, Hàn Quốc đồng ý trao trả tro cốt của 24 điệp viên Triều Tiên vào hôm sau.

Việc không thể phát hiện được tàu ngầm do thám đổ bộ bờ biển đã gây chấn động quân đội Hàn Quốc. Vụ việc này khiến 20 sỹ quan bị kỷ luật và hai tướng lĩnh bị sa thải. Năm 2011, quân đội Hàn Quốc đã tổ chức tập trận với kịch bản tái hiện sự cố này nhằm nâng cao khả năng ứng phó.

Đáng chú ý rằng, người lái tàu ngầm Lee Kwang-soo sau khi bị bắt đã lựa chọn ở lại Hàn Quốc, trở thành giáo viên hải quân.

Chiếc tàu ngầm lớp Sang-O được Hàn Quốc trục vớt và cho đến nay vẫn được trưng bày tại Công viên Thống nhất Tongil ở Gangneung.

>>>Bấm xem thêm: Cành bạch dương khiến Triều Tiên-HQ suýt đại chiến lần 2

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN