Vụ tấn công táo tợn giải thoát trùm khủng bố thế giới ở Nigeria

Đầu tháng 7-2022, một vụ tấn công nhà tù ở Nigeria đã giải thoát 600 tù nhân, trong đó có Khalid al Barnawi - thủ lĩnh nhóm khủng bố Ansaru khét tiếng với các hành vi bắt cóc và giết người nước ngoài trong khu vực. Làm thế nào mà những kẻ khủng bố có thể tấn công một hệ thống an ninh và rút đi với số lượng lớn tù nhân như vậy?

Nhóm đối tượng đã tấn công nhà tù ở Thủ đô Nigeria, giải thoát cho hàng trăm tù nhân

Nhóm đối tượng đã tấn công nhà tù ở Thủ đô Nigeria, giải thoát cho hàng trăm tù nhân

Cuộc đột kích lúc nửa đêm

Nhóm khủng bố đã mở cuộc tấn công đêm 5-7 nhằm vào nhà tù an ninh hạng trung Kuje, ngay bên ngoài Thủ đô Abuja của Nigeria. Được trang bị bom, súng chống tăng và súng máy đa năng, nhóm khủng bố xuất hiện vào khoảng 22h theo giờ địa phương. Chúng tiếp cận phía sau nhà tù, sử dụng thuốc nổ để phá hủy cơ sở kiên cố này, giải thoát gần 700 trong tổng số 994 tù nhân tại đây. Bộ trưởng Quốc phòng Bashir Magashi cho biết, 64 người trong số đó là những kẻ thánh chiến. “Rất có thể, những kẻ tấn công là thành viên của nhóm khủng bố Boko Haram vì chúng tôi có số lượng lớn nghi phạm Boko Haram đang bị giam giữ và hiện tại không còn một ai. Tất cả đã trốn thoát” - Bộ trưởng Magashi nói với các phóng viên vào sáng 6-7.

Nhóm tự xưng là tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo (ISWAP) gần đây đã hợp tác chặt chẽ với Ansaru, sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công đồng thời còn công bố đoạn video cho thấy một phần nhà tù chìm trong biển lửa và nhiều tù nhân đang chạy trốn. Hồi tháng 3, thành viên của cả 2 nhóm đã cùng nhau thực hiện cuộc tấn công vào chuyến tàu từ Abuja đến Kaduna (miền bắc Nigeria) khiến 9 người thiệt mạng và hơn 65 người bị bắt cóc. Tiết lộ của các quan chức an ninh Nigeria cho biết, trong vụ phá ngục mới nhất, thủ lĩnh Ansaru Khalid al Barnawi cùng 6 tay chân thân cận đã trốn thoát. “al Barnawi đã ở đây vài năm. Những tay súng đến để giải thoát cho thủ lĩnh và tay chân của hắn” - một quản lý trại giam Kuje nói.

Hồi năm 2016, al Barnawi (tên thật là Mohammed Usman) đã bị lực lượng an ninh Nigeria bắt giữ. Người này bị buộc tội liên quan đến cái chết của kỹ sư Franco Lamolinara (người Italia) và vị đồng nghiệp tên là Chris McManus (người Anh). Hai người đàn ông này đã bị nhóm Ansaru bắt cóc ở thành phố Sokoto (Tây Bắc Nigeria) vào tháng 3-2012. Thủ lĩnh Ansaru cũng bị cáo buộc đứng sau vụ bắt cóc Francis Collomp (người Pháp) vào tháng 11-2013 và Edgar Raupach (người Đức, sau đó đã bị giết hồi tháng 5-2012). Năm 2013, al Barnawi và tay chân trong nhóm Ansaru đã bắt giữ 2 người Lebanon, 2 người Syria, 1 người Italia, 1 người Hy Lạp và 1 người Anh, từ một công trường xây dựng ở thành phố Bauchi ở phía Đông Bắc nước này. Các nạn nhân được chở đến từng Sambisa rộng lớn, sau đó bị sát hại và chôn ở đó.

Nhóm khủng bố toàn cầu

Tên tiếng Ảrập đầy đủ của nhóm khủng bố Ansaru là Jama’atu Ansarul Muslimina Fi Biladis Sudan (dịch là: Những người tiên phong bảo vệ người Hồi giáo ở châu Phi). Nhóm này tuyên bố tách khỏi Boko Haram vào tháng 1-2012, cho rằng Boko Haram là “vô nhân đạo” vì đã giết những người Hồi giáo vô tội cũng như nhắm vào những người đào tẩu. Không giống như Boko Haram nổi tiếng với những vụ xả súng và đánh bom bừa bãi, Ansaru cho biết họ tránh sát hại đồng bào Nigeria và dường như có cách tiếp cận tính toán hơn, đó là bắt cóc và giết người nước ngoài. Nhóm được thành lập bởi Abu Usmatul al Ansari, được cho là đã được al Qaeda ở Algeria huấn luyện. Nhưng phần lớn các cuộc tấn công của nhóm Ansaru nằm dưới quyền chỉ huy của al Barnawi (51 tuổi), cũng đã được al Qaeda huấn luyện. Nhóm thánh chiến này đã bị Chính phủ Mỹ gọi là “những kẻ khủng bố toàn cầu” vào năm 2012 đồng thời treo thưởng 5 triệu USD cho thông tin giúp đưa al Barnawi ra công lý.

Bản án cho thủ lĩnh của nhóm khủng bố đã được Thẩm phán John Tshoho của Tòa án Tối cao liên bang ở Abuja ban hành vào ngày 14-3-2017 với các tội danh: Âm mưu bắt giữ con tin, hỗ trợ khủng bố, là thành viên của một nhóm khủng bố, tàng trữ vũ khí trái phép và che giấu thông tin về khủng bố. Đồng phạm với al Barnawi còn có người vợ thứ hai của hắn tên là Halima Aliya. Cô này bị buộc tội che giấu thông tin về tổ chức Ansaru cũng như 5 kẻ thân cận có cùng tội danh với al Barnawi, gồm: Mohammed Bashir Saleh, Umar Bello, Mohammed Salisu, Yakubu Nuhu và Usman Abubakar.

Trang web tin tức địa phương có tên “Tổ chức báo chí điều tra” cho rằng, những kẻ tấn công có nhiều thời gian đến mức chúng đầu tiên đưa một bài giảng về kinh Coran dài 15 phút cho các tù nhân trước khi trả tự do cho bọn họ, thậm chí còn đủng đỉnh chia vé xe cho các chiến binh thánh chiến mà chúng đến giải cứu. Theo nhân chứng là giám thị trại giam, các đối tượng thậm chí còn cố gắng vào phòng giam của “siêu cảnh sát” Abba Kyari - người đã ở trong nhà tù Kuje từ tháng 3-2022 do tham gia vào một băng nhóm buôn lậu cocaine. Abba Kyari từng được ca ngợi là cảnh sát xuất sắc nhất Nigeria, được Tổng thống Muhammadu Buhari trao tặng Huân chương Dũng cảm năm 2016 sau khi đội của ông ta giải cứu 3 nữ sinh bị bắt cóc ở Lagos cũng như được khen thưởng liên tiếp trong 3 năm từ 2011 đến 2013 vì đã tiêu diệt thành công các băng nhóm tội phạm nổi tiếng và các nhóm bắt cóc. Nhưng cáo trạng của Cục Điều tra liên bang Mỹ chỉ ra rằng, ông ta cấu kết với Ramon Abbas (còn được gọi là Hushpuppi) - người đang chờ tòa án Mỹ tuyên án vì tham gia mạng lưới tội phạm và rửa tiền.

Vụ tấn công táo tợn giải thoát trùm khủng bố thế giới ở Nigeria - 2

Thách thức mới về an ninh

Vụ tấn công vào một cơ sở trại giam lớn ngay gần thủ đô của Nigeria một cách liều lĩnh và dễ dàng như vậy cho thấy hệ thống an ninh của Nigeria đang bị thách thức. Các nhà chức trách Nigeria hôm 13-7 đã thừa nhận những thiếu sót tại nhà tù. “Nhà tù Kuje là nơi kiên cố nhất trong cả nước. Chúng tôi có đủ người để bảo vệ, nhưng tiếc là họ không thể giữ vị trí phòng thủ một cách hiệu quả và đó là lý do dẫn đến vụ việc” - Bộ trưởng Nội vụ Nigeria Rauf Aregbesola nói sau khi đến thị sát nhà tù.

Cơ quan thực thi Luật Ma túy quốc gia Nigeria cho biết, họ đã bắt lại được một số tù nhân, nhưng vẫn còn ít nhất 400 tù nhân đang bỏ trốn, nhà chức trách đang mở rộng cuộc tìm kiếm sang các bang lân cận. Ngay cả Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cũng không thể đưa ra câu trả lời cho người dân về việc tại sao những kẻ khủng bố có thể áp đảo lực lượng an ninh làm nhiệm vụ và mức độ an toàn khi chúng nằm ngoài vòng pháp luật ở đất nước 206 triệu dân này. “Tôi thất vọng với hệ thống tình báo. Làm thế nào những kẻ khủng bố có thể có vũ khí để tổ chức tấn công một hệ thống an ninh và rút đi dễ dàng như vậy?” - Tổng thống Muhammadu Buhari nói.

Số vụ vượt ngục liên tục trên khắp Nigeria đã dẫn đến hơn 3.000 tù nhân được giải thoát kể từ đầu năm 2021, nhưng đây là lần đầu tiên khu vực Abuja bị nhắm mục tiêu khiến nhiều người sốc và lo ngại về sự an toàn của họ. Sau vụ việc, Cơ quan quản lý trại giam Nigeria đã bắt đầu xem xét lại để tìm ra thách thức ở đâu và cách khắc phục ngay từ đầu.

Đối với nhiều người Nigeria, Abuja từng là bình phong để họ tìm đến nơi an toàn khi các khu vực khác của Nigeria bị tấn công. Nhưng các sự cố an ninh gần đây khiến người dân lo ngại không có nơi an toàn nào để lánh nạn. Tại khu vực Kuje của Abuja, người dân nói với hãng tin AP rằng, sự hiện diện an ninh gia tăng trong thị trấn không khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Paschal Obi - chủ gia đình gồm 5 người đã sống ở thị trấn Kuje trong nhiều năm cho biết: “Cư dân ở Abuja sợ hãi, không chỉ ở Kuje. Một số những kẻ trốn thoát vẫn còn quanh quẩn ở Abuja… Tôi sợ tình hình khó có thể kiểm soát được”.

“Tôi thất vọng với hệ thống tình báo. Làm thế nào những kẻ khủng bố có thể có vũ khí để tổ chức tấn công một hệ thống an ninh và rút đi dễ dàng như vậy?”

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari

Nguồn: [Link nguồn]

Phần Lan nói về thỏa thuận dẫn độ ”khủng bố” cho Thổ Nhĩ Kỳ để được vào NATO

Phần Lan tuyên bố, nước này không thỏa thuận về việc dẫn độ bất kỳ cá nhân, tổ chức cụ thể nào cho Thổ Nhĩ Kỳ để đối lấy việc Ankara ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Ch ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN