Vụ tấn công khủng bố lớn nhất trong thời bình ở Bỉ, hơn 300 người thương vong

Khi cảnh sát Bỉ đang tận hưởng chiến tích bắt được tên khủng bố sống sót duy nhất trong vụ tấn công liên hoàn ở Paris năm 2015, những kẻ khủng bố đã âm thầm chuẩn bị một kho bom tự chế, phục vụ tội ác kinh hoàng chúng sắp gây ra.

Lực lượng cảnh sát Bỉ. Ảnh: Getty

Lực lượng cảnh sát Bỉ. Ảnh: Getty

Đấu súng cam go, phát hiện bất ngờ

Ngày 15/3/2016, một tuần trước vụ tấn công khủng bố ở Bỉ, 2 sĩ quan có vũ trang tiếp cận ngôi nhà số 60, đường Rue du Dries, quận Forest, Bỉ, nơi có 3 người đang ở. Họ bấm chuông cửa. Bất ngờ, đạn bắn ra liên tục từ trong nhà.

Hai tên khủng bố - một cầm súng trường tự động, một cầm súng lục cải tiến – nã đạn điên cuồng vào 2 cảnh sát nhưng không ai bị thương. Họ chạy về phía các đồng đội đang bắn trả và gọi tiếp viện.

Cuộc đấu súng cam go kết thúc sau 3 tiếng khi một tay súng bắn tỉa của cảnh sát hạ gục một tên trong nhà bằng phát bắn qua cửa sổ. Hai tên còn lại bỏ trốn qua mái nhà.

Khi vào bên trong nhà, cảnh sát Bỉ nhận ra họ tình cờ phát hiện một phần quan trọng trong mạng lưới khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở châu Âu. Gần xác của kẻ bị bắn chết, cảnh sát tìm thấy một lá cờ đen trắng của IS, một cuốn sách về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan Salafi và đạn dược vương khắp nhà. Cảnh sát cũng tìm thấy nhiều ngòi nổ.

Salah Abdeslam. Ảnh: Belga

Salah Abdeslam. Ảnh: Belga

Vài giờ sau, cảnh sát còn phát hiện ra dấu vân tay của Salah Abdeslam - kẻ bị truy nã gắt gao nhất châu Âu thời điểm đó vì tham gia vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris vào tháng 11/2015 khiến ít nhất 130 người thiệt mạng.

Không rõ do thông tin tình báo thu thập được từ ngôi nhà số 60 hay từ sự bất thường trong đám tang bị kéo dài tới 2 ngày của Brahim (anh trai của Abdeslam và là một trong những kẻ đánh bom liều chết trong vụ khủng bố ở Paris 2015), cảnh sát Bỉ đã tóm được Abdeslam vào ngày 18/3/2016. Tên này bị bắt ở khu Molenbeek, bị bắn vào chân khi ở cách nhà vài trăm mét.

Tin tức kẻ khủng bố nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất châu Âu bị bắt khiến người Bỉ phần nào an tâm, nhưng cơn ác mộng khủng bố vẫn ập đến vài ngày sau đó.

Theo Financial Times, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ thời điểm đó là ông Jan Jambon đăng tải một bức ảnh chụp ông và cảnh sát Bỉ lên Twitter (nay là mạng xã hội X) với dòng ghi chú: "Các bạn đã tóm được hắn rồi! Rất tự hào về các bạn". Nhưng trong lúc người Bỉ đang vui mừng vì chiến tích đó, một nhóm phần tử khủng bố ở cách thủ đô Brussels 4km đang chuẩn bị khâu cuối cho một vụ thảm sát.

Ít nhất 3 tên khủng bố đang tập hợp một kho bom tự chế. Căn hộ của những kẻ này có 15kg chất nổ TATP (một loại chất nổ tự chế từ hóa chất gia dụng), 150 lít acetone (loại chất lỏng dễ cháy) cùng nhiều ngòi nổ, đinh và ốc vít. Tất cả được chuẩn bị để phục vụ cho vụ đánh bom tại hai địa điểm tập trung đông người là sân bay quốc tế Brussels và một ga tàu điện ngầm ở thủ đô của Bỉ.

Nhóm khủng bố trên được cho là đẩy nhanh kế hoạch tấn công sau khi Abdeslam bị cảnh sát Bỉ bắt giữ. Một nguồn tin thân cận với các nhà điều tra cho biết, ban đầu, nhóm khủng bố chọn ngày hành động là 24/3/2016 (thứ Năm) - thời điểm sân bay quốc tế Brussels bận rộn nhất khi người dân du lịch trong dịp lễ Phục sinh (27/3/2016). Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch được đẩy sớm 2 ngày.

Những kẻ đeo găng tay đen một bên

Hình ảnh từ camera an ninh ở sân bay quốc tế Brussels cho thấy 3 nghi phạm trong buổi sáng 22/3/2016. Hai kẻ đeo găng tay đen một bên và kẻ còn lại là "người mặc đồ trắng". Ảnh: Getty

Hình ảnh từ camera an ninh ở sân bay quốc tế Brussels cho thấy 3 nghi phạm trong buổi sáng 22/3/2016. Hai kẻ đeo găng tay đen một bên và kẻ còn lại là "người mặc đồ trắng". Ảnh: Getty

Sáng 22/3/2016, ba kẻ khủng bố gọi taxi để tới sân bay quốc tế Brussels, ở khu Zaventem, gần thủ đô Brussels. Hai kẻ đánh bom liều chết đeo một chiếc găng đen ở tay trái, dường như để giấu ngòi nổ. 

Ibrahim El Bakraoui, quốc tịch Bỉ, là một trong số này. Tên còn lại là Najim Laachraoui (khi đó 24 tuổi), từng là thành viên của IS ở Syria. Dấu vết ADN của Laachraoui được tìm thấy trên đai tự sát được sử dụng trong vụ tấn công liên hoàn vào tháng 11/2015 ở Paris. Kẻ thứ ba đội mũ, mặc áo khoác trắng, không rõ danh tính. Tên này chỉ được nhắc đến với biệt danh "người mặc đồ trắng".

Theo truyền thông Bỉ, thay vì chiếc xe cỡ lớn như nhóm này đã gọi, hãng taxi lại điều nhầm một chiếc sedan nhỏ tới. Sự nhầm lẫn đó được cho là đã cứu nhiều mạng sống, khi những kẻ khủng bố phải bỏ lại một số hành lý được cho là chứa bom tự chế.

Khalid El Bakraoui, kẻ từng thuê nhà ở Bỉ cho nhóm khủng bố IS ẩn náu trước khi thực hiện vụ tấn công ở Paris năm 2015, cũng đang chuẩn bị cho vụ tấn công khủng bố ở ga tàu điện ngầm tại Brussels. Khalid cũng mang theo bom tự chế và có thể có một đồng phạm chưa rõ danh tính.

May rủi và cơn ác mộng

Sáng 22/3/2016, Simon O’Connor, trợ lý cấp cao của một quan chức kinh tế EU khi đó, chuẩn bị lên đường ra sân bay. Nhưng khi chuẩn bị ra khỏi tòa nhà trên đại lộ Louise, ông Simon nhận ra đã để quên cuốn sách muốn đọc khi ngồi trên máy bay. Vị trợ lý này mất khoảng 3-4 phút để quay lại lấy sách. Simon cho rằng khoảng thời gian đó đã cứu mạng ông.

Adelma Tapia Ruiz, công dân Peru 30 tuổi, không được may mắn như vậy. Người phụ nữ 30 tuổi tới sân bay cùng chồng và 2 con song sinh để tiễn họ hàng nhà chồng lên máy bay. Trong lúc Adelma ngồi chờ gần quầy làm thủ tục tại sảnh khởi hành của sân bay quốc tế Brussels, 2 con gái của cô cảm thấy buồn chán và chạy tới khu vực gần đó để chơi đùa. Chồng của Adelma đi theo để trông con.

Trong bãi đỗ xe đối diện sảnh làm thủ tục ở sân bay, ông Simon nghe thấy một tiếng nổ lớn. Giây phút đó, ông nghĩ thật khó tin khi có một vụ nổ ở sân bay và cho rằng đó là âm thanh ở khu vực xây dựng xung quanh.

Trái với suy nghĩ của ông Simon, tiếng nổ lớn vừa rồi là do quả bom đầu tiên phát nổ ở sảnh khởi hành. Vụ nổ xé toang quầy làm thủ tục, khiến Adelma thiệt mạng, còn chồng của cô bị thương. Hai con của Adelma ở ngoài phạm vi ảnh hưởng của quả bom. Vài giây sau, quả bom thứ hai phát nổ gần bảng thông tin chuyến bay.

Hiện trường ở sân bay quốc tế Brussels. Ảnh: Telegraph

Hiện trường ở sân bay quốc tế Brussels. Ảnh: Telegraph

Khi vụ nổ thứ 2 xảy ra, ông Simon biết đó không phải tiếng từ công trường xây dựng. Ngay sau đó, mọi người "túa ra" từ sảnh khởi hành. Tất cả đều hoảng loạn. Một số người quần áo dính đẫm máu. Hai vụ nổ khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Trong số những người thiệt mạng có 2 tên khủng bố Ibrahim El Bakraoui và Najim Laachraoui. Giữa làn khói và cảnh hỗn loạn, "người mặc đồ trắng" được cho là đã bỏ trốn. Quả bom của tên này không phát nổ. 

Khi thấy cảnh sát và lực lượng cấp cứu đổ dồn tới hiện trường vụ đánh bom khủng bố ở sân bay, Brian Carroll, một doanh nhân Mỹ ở Brussels, cho rằng, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng như tàu điện ngầm không phải là ý tưởng hay. Tuy nhiên, ông Carroll vẫn "tặc lưỡi" chấp nhận mạo hiểm.

Khi chuyến tàu điện ngầm chở tên khủng bố Khalid El Bakraoui và một đồng phạm vào ga Maalbeek ở trung tâm Brussels, 2 tên này đã kích nổ bom. Trong không gian hẹp, vụ nổ khiến ít nhất 20 người thiệt mạng.

Doanh nhân Mỹ Carroll phải đối mặt với cảnh kinh hoàng ngập tràn khói. Khi cố gắng mở cửa, ông nhận thấy chuyến tàu điện ngầm đã vào ga Maalbeek. Vị doanh nhân loạng choạng bước ra khỏi tàu điện ngầm, tìm đường đi lên mặt đất. Nhiều người khác không có được may mắn đó.

Bức tường trong một bãi đậu xe bị hư hại sau vụ đánh bom ở ga tàu điện ngầm Maelbeek năm 2016. Ảnh: ABC News

Bức tường trong một bãi đậu xe bị hư hại sau vụ đánh bom ở ga tàu điện ngầm Maelbeek năm 2016. Ảnh: ABC News

Vụ đánh bom ở sân bay Brussels và ga tàu điện ngầm ngày 22/3/2016 khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố lớn nhất trong thời bình ở Bỉ.

IS lên tiếng nhận trách nhiệm sau vụ khủng bố. Cảnh sát Bỉ sau đó truy lùng và bắt giữ 8 nghi phạm, trong đó có Mohamed Abrini - kẻ được xác định là "người mặc đồ trắng" liên quan tới vụ đánh bom sân bay quốc tế Brussels. Ngày 15/9/2023, tòa án ở Bỉ ra phán quyết với 8 nghi phạm, mức án từ 10 năm tù giam cho đến chung thân.

Sau vụ tấn công khủng bố ở Brussels, một quan chức chống khủng bố của Mỹ lên tiếng: "Người Bỉ đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ".

Theo CNN, các quan chức tình báo Mỹ cho biết, họ không quá bất ngờ khi Brussels bị tấn công, vì các mối lo ngại về khủng bố đã được dấy lên trước đó, sau các vụ cảnh sát Bỉ đột kích và bắt giữ nhóm nghi phạm liên quan đến vụ khủng bố liên hoàn ở Paris năm 2015.

Bỉ trở thành tâm điểm của hoạt động chống khủng bố trong nhiều năm vì nước này có số công dân gia nhập IS cũng như một số tổ chức khủng bố khác ở Syria, Iraq nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào thuộc EU. Nhiều trong số các công dân Bỉ này khi đó đã về nước.

---------------------

Phần lớn các vụ tấn công khủng bố của IS gây thương vong lớn do đánh bom hoặc xả súng. Tuy nhiên, có một vụ tấn công khủng bố năm 2016 của IS nhằm vào một nước châu Âu khiến hơn 500 người thương vong mà không dùng 2 loại vũ khí kể trên. Mời độc giả đón đọc chi tiết trong bài kỳ tới, đăng lúc 10h ngày 6/4/2024.

Nguồn: [Link nguồn]

Khi người dân và du khách đổ xô ra đường ở thành phố Nice xinh đẹp để tận hưởng lễ kỷ niệm quốc khánh Pháp, một kẻ máu lạnh tàn ác đã chuẩn bị sẵn một phương tiện khủng bố kinh khủng, gây ra thảm kịch đẫm máu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN