Vụ nổ tàu lặn Titan: Ai sẽ chịu gánh nặng chi phí cứu các tỷ phú bất thành?
Lực lượng tuần duyên Mỹ từ chối công bố chi phí tìm kiếm và cứu hộ trong vụ tàu lặn Titan gặp nạn khi khám phá xác tàu đắm Titanic ở đáy biển Đại Tây Dương.
Tàu lặn Titan bị ép mạnh dẫn đến "nổ thảm khốc" khiến 5 người trên khoang thiệt mạng.
Theo tờ Marca của Tây Ban Nha, cuộc tìm kiếm và cứu hộ tàu lặn Titan đã kết thúc hôm 22/6 khi con tàu được xác định phát nổ dưới đáy biển, khiến toàn bộ 5 người trên khoang thiệt mạng, bao gồm 2 tỷ phú. Ưu tiên của nhà chức trách Mỹ hiện nay là trục vớt mảnh vỡ để xác định nguyên nhân khiến tàu lặn gặp sự cố.
Nhưng câu hỏi được dư luận trên thế giới quan tâm hiện nay là ai sẽ chi trả chi phí tìm kiếm tốn kém trong nỗ lực thất bại nhằm giải cứu các tỷ phú giàu có.
"5 người trên tàu lặn Titan vừa mới thiệt mạng, nói về các chi phí tìm kiếm và cứu hộ có vẻ như không phù hợp, nhưng cuối cùng vẫn có các khoản tiền cần chi trả", Arun Upneja, trưởng khoa công tác tại Trường Quản trị Khách sạn của Đại học Boston, Mỹ, cho biết. Ông Upneja là nhà nghiên cứu có tiếng trong lĩnh vực du lịch.
"Có những câu hỏi đặt ra, rằng tại sao nhà chức trách phải chi tiền cho nỗ lực giải cứu nếu các nạn nhân giàu có đến mức dư dả để tham gia vào những cuộc khám phá rủi ro như vậy", ông Upneja nói.
Lực lượng tuần duyên Mỹ từ chối công bố số tiền ước tính để chi trả cho nỗ lực xác định vị trí tàu lặn Titan nhưng chi phí ước tính lên tới hàng triệu USD. Tàu lặn Titan phát nổ với các mảnh vỡ nằm cách không xa xác tàu Titanic.
“Chúng tôi không thể quy giá trị tiền tệ cho các trường hợp tìm kiếm và cứu nạn, vì chúng tôi không so sánh chi phí với việc cứu mạng sống", lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết.
Stephen Koerting, một luật sư Mỹ ở bang Maine, nói luật liên bang thường ngăn lực lượng tuần duyên thu tiền bồi hoàn liên quan đến hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, kể cả trong trường hợp chi phí lên tới hàng triệu USD hay các nạn nhân là người giàu có. Điều đó có nghĩa là chi phí tìm kiếm sẽ được trích từ ngân sách liên bang mà người nộp thuế ở Mỹ đóng góp tiền vào ngân sách.
Nhưng điều đó không có nghĩa là công ty OceanGate hay gia đình các nạn nhân không phải chịu trách nhiệm trước công chúng và chính phủ về chuyến khám phá đáy biển rủi ro như vậy.
"Đây là một trong những câu hỏi khó có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng", Pete Sepp, chủ tịch hiệp hội đại diện cho người đóng thuế ở Mỹ, nói. "Đây lẽ ra không bao giờ là khoản chi mà chính phủ phải mặc định chi trả, chưa kể đến việc các nguồn lực cứu hộ bị hạn chế do đã được huy động để tìm kiếm tàu lặn".
"Để chi trả cho các nhiệm vụ như hoạt động bay, quân đội sử dụng các quỹ phù hợp đã được trích lập ngân sách", tướng Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói về việc quân đội Mỹ huy động thiết bị cùng các máy bay, tàu thuyền tham gia tìm kiếm tàu lặn Titan. "Các khoản chi đó đã được thanh toán".
Theo Washington Post, 3 máy bay vận tải quân sự C-17 mà quân đội Mỹ huy động cho sứ mệnh tìm kiếm tàu lặn Titan tiêu tốn 491.000 USD để đem thiết bị từ Mỹ tới Canada và ngược lại. Máy bay tìm kiếm và cứu hộ HC-130 do lực lượng tuần duyên Mỹ huy động cho sứ mệnh tìm kiếm ước tính tiêu tốn khoảng 399.000 USD chi phí vận hành. Ngoài ra, còn nhiều khoản chi phí khác chưa được thống kê một cách đầy đủ, theo báo Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]
Các chuyên gia cho biết tàu lặn Titan là một phương tiện thử nghiệm làm bằng "những vật liệu mà người khác tránh xa"; trong khi một hành khách từ chối lên tàu vào phút...