Vụ nổ như bom nguyên tử khiến 500 người Mỹ thiệt mạng, 2 máy bay bị thổi bạt xuống đất
Giới chức Liban cho rằng vụ nổ kinh hoàng khiến hàng nghìn người thương vong tại thủ đô Beirut có liên quan tới hơn 2.700 tấn amoni nitrat. Amoni nitrat cũng là chất gây ra thảm họa công nghiệp nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ.
Video: Vụ nổ hóa chất thảm khốc năm 1947 ở thành phố Texas City, Mỹ. Nguồn: Vimeo
Theo CNN, thảm họa công nghiệp nghiêm trọng nhất lịch sử nước Mỹ xảy ra năm 1947 tại bến cảng của thành phố Texas City, bang Texas, Mỹ.
Hơn 3.000 tấn amoni nitrat và sulfur được để trên tàu chở hàng thay vì được lưu trữ trong kho như vụ nổ ở Beirut.
Trong Thế chiến II (1939-1945), amoni nitrat được kết hợp với thuốc nổ để làm chất phá bom. Hai năm sau khi Thế chiến II kết thúc, hợp chất này được sử dụng để sản xuất phân bón. Tới ngày 14/4/1947, 8 vạn tấn phân bón đã được chuyển qua thành phố Texas City mà không có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Ngày 16/4/1947, tàu chở hàng của Pháp S.S. Grandcamp cập cảng ở thành phố Texas City để tiếp nhận 2.300 tấn phân bón (thành phần chủ yếu là amoni nitrat) đưa về châu Âu. S.S. Grandcamp neo đậu cạnh High Flyer, một tàu chở 800 tấn amoni nitrat và sulfur.
Mọi chuyện bắt đầu khi người dân phát hiện khói ở khu vực tàu S.S. Grandcamp neo đậu. Ảnh: AP
Theo ABC13, mọi chuyện bắt đầu lúc 8h khi những người ở bờ biển phát hiện khói ở khu vực tàu S.S. Grandcamp. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì trên S.S. Grandcamp còn có nhiều dầu và đạn dược. Các công nhân bến cảng dùng nước dập lửa nhưng không hiệu quả.
Khoảng 30 phút sau khi phát hiện đám khói, Sở cứu hỏa tình nguyện Texas City có mặt tại hiện trường. Trong gần nửa tiếng đó, đám cháy lan nhanh khiến con tàu ngày càng nóng và ngột ngạt hơn. Theo tài liệu của Thư viện Texas City, thuyền trưởng con tàu Pháp cố dập lửa bằng cách phun hơi nước vào kho chứa hàng, nhưng không thay đổi được tình hình.
Đám cháy lan rộng khiến các cột khói đen khổng lồ bốc ngùn ngụt khắp thành phố. Một đám đông tập trung tại bến cảng để xem lực lượng cứu hỏa đối phó với "hỏa thần".
Ảnh: AP
Khói đen bốc lên ngùn ngụt trong đám cháy ở nhà máy hóa chất Monsanto, gần tâm vụ nổ. Ảnh: AP
Hơn một tiếng sau khi phát hiện đám khói, thảm họa ập đến. Khoảng 9h12', vụ nổ kinh hoàng xảy ra khi lửa bốc vào hàng nghìn tấn amoni nitrat, tạo ra cầu lửa khổng lồ cao hàng trăm mét. Vụ nổ tạo ra một đợt sóng thần cao 4,5 mét ập xuống bến tàu và các khu vực xung quanh.
Cửa sổ nhiều tòa nhà ở thành phố Houston, cách Texas City hơn 60 km, cũng bị vỡ vụn. Dư chấn từ vụ nổ được ghi nhận trên một máy đo địa chấn ở thành phố Denver, bang Colorado - cách khá xa thành phố Texas City. Theo trang Fire History, các chuyên gia ước tính sức ép của vụ nổ thậm chí còn mạnh hơn các quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vì vụ nổ xảy ra ở mặt đất khác nhiều so với xảy ra trên không.
Một sà lan đang neo đậu tại bến cảng cũng bị thổi bay khỏi mặt biển, văng xa chỗ neo đậu hơn 30 mét. Chiếc mỏ neo nặng 2 tấn của S.S. Grandcamp bị hất xa 2,5 km. Hai máy bay chở khách ngắm cảnh cũng bị thổi văng lúc đang bay trên không rồi rơi xuống đất. Con số thương vong không được xác định.
Ít nhất 400 người đứng gần, bao gồm hầu hết thành viên Sở cứu hỏa tình nguyện Texas City, đều tử vong tại chỗ. Các tòa nhà gần tâm vụ nổ bị san phẳng và nhà máy hóa chất Monsanto gần đó cũng bị thiệt hại nặng.
Ảnh: AP
Toàn bộ phương tiện vận tải được huy động để đưa người bị thương tới bệnh viện. Ảnh: AP
Các mảnh vỡ cháy văng tứ tung và gây hỏa hoạn tại một số nhà máy hóa chất và lọc dầu gần đó.
Những lời kêu gọi giúp đỡ được đưa ra trên khắp nước Mỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều nhân viên cứu hộ từ khắp nơi đã đổ về Texas City để hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ nổ.
Lửa tiếp tục cháy tới tận ngày hôm sau. Vào khoảng 1h10 sáng 17/4, High Flyer, tàu chở 800 tấn amoni nitrat và sulfur, phát nổ. Vụ nổ này khiến 2 người tử vong và phá hủy một con tàu cạnh nó.
Theo thư viện Texas City, phòng tập thể dục của trường trung học và gara của một công ty ô tô địa phương được chuyển đổi thành nhà xác tạm thời.
Con số thương vong trong vụ nổ không thể xác định chính xác vì tình trạng không nguyên vẹn của nhiều thi thể và thực tế lúc đó có nhiều thủy thủ, người lao động tò mò chạy tới xem. Theo ước tính, 500-600 người đã thiệt mạng và hơn 3.500 người khác bị thương.
Thiệt hại của ngành công nghiệp, doanh nghiệp và người dân trong vụ nổ ước tính là hơn 50 triệu USD ở thời điểm năm 1947.
Vụ nổ khủng khiếp tàn phá thủ đô Beirut của Liban được cho là có liên quan tới một kho chứa hàng nghìn tấn amoni nitrat...
Nguồn: [Link nguồn]