Vụ nổ khủng khiếp như bom nguyên tử khiến 20.000 người chết ở Trung Quốc

Những vụ tai nạn công nghiệp gây ra nổ lớn không phải là hiếm trên thế giới. Nhưng có vụ nổ khiến Bắc Kinh rung chuyển, ước tính lên tới 20.000 người chết từng gây chấn động trong lịch sử Trung Quốc.

Tranh vẽ vương phủ bị cháy do dư chấn vụ nổ Vương Cung Xưởng.

Tranh vẽ vương phủ bị cháy do dư chấn vụ nổ Vương Cung Xưởng.

Năm 1626, Vương Cung Xưởng - một trong những xưởng vũ khí lớn nhất thời bấy giờ, bất ngờ phát nổ, gây thiệt hại nặng nề đến một khu vực rộng lớn ở phía tây nam Bắc Kinh. Vụ nổ lớn đến mức những người có mặt ở Vạn lý Trường thành cách đó 150km vẫn nghe thấy, theo The World of Chinese.

Sử sách Trung Quốc thời nhà Minh chép rằng có một “cột khói hình nấm” xuất hiện ở nơi xảy ra vụ nổ. Ngày nay, các chuyên gia kết luận rằng không chỉ có vụ nổ hạt nhân mới tạo ra cột khói hình nấm, mà chỉ một vụ nổ thông thường nếu đủ lớn cũng tạo ra hiện tượng tương tự.

Vương Cung Xưởng là một trong những kho vũ khí lớn ở thời nhà Minh. Đây là nơi sản xuất mọi loại vũ khí, từ cung tên, kiếm, cho đến thuốc súng và súng thần công.

Vào đầu thế kỷ 17, nhà Minh dưới thời Minh Hy Tông bị kéo vào cuộc chạy đua vũ trang với người Mãn ở phía đông bắc. Nhiều loại súng mới được nhập về từ châu Âu, thông qua thương nhân Bồ Đào Nha.

Để tránh nguy cơ những vũ khí này rơi vào tay kẻ thù, chúng được sản xuất và cất giữ bên trong kinh thành Bắc Kinh, đằng sau lớp tường thành kiên cố.

Nhưng điều đó cũng làm tăng rủi ro vì kinh thành là nơi tập trung đông đảo người dân sinh sống.

Vào 9 giờ sáng ngày 30.5.1626, cột khói bốc lên từ Vương Cung Xưởng, kéo theo tiếng nổ lớn. Gần như toàn bộ mọi công trình xây dựng trong phạm vi 2km đều bị san phẳng.

Tàn tích vụ nổ Vương Cung Xưởng ở Bắc Kinh năm 1626.

Tàn tích vụ nổ Vương Cung Xưởng ở Bắc Kinh năm 1626.

Một khu vực rộng lớn tính từ cổng thành phía nam cho đến phía bắc ở Bắc Kinh đều ghi nhận thiệt hại. Binh lính đóng quân ở cách xa 40km vẫn nghe thấy tiếng nổ và cảm nhận dư chấn. Những tiền đồn khác nghĩ rằng có động đất xảy ra ở Bắc Kinh.

Các thống kê sau này cho thấy sức công phá của vụ nổ lên tới gần 20.000 tấn TNT, nghĩa là tương đương quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.

Ước tính 20.000 người đã bỏ mạng trong vụ nổ, bao gồm con trai duy nhất của hoàng đế Minh Hy Tông là Thái tử Chu Từ Quế, theo nội dung trong cuốn sách "Late Imperial China" xuất bản tháng 6.2020.

Các nhân chứng kể rằng họ nhìn thấy gạch đá trên trời rơi xuống như mưa. Mọi người co cụm trong nhà, không dám ló mặt ra ngoài. Sóng xung kích và dư chấn từ vụ nổ cảm nhận được ở cách xa tới 150km.

Theo ghi chép thời bấy giờ, vụ nổ có thể do tia lửa bén vào thùng chứa thuốc súng hoặc bình chứa chất dễ cháy. Có thể khẳng định rằng, Vương Cung Xưởng là xưởng chế tạo vũ khí, nên chắc chắn lưu giữ một lượng lớn vật liệu nổ.

Quy mô của vụ nổ lớn đến mức tạo thành cột khói hình nấm, là điều mà các nhà khoa học cho đến nay đau đầu, chưa thể giải thích được nguyên nhân. Có luồng ý kiến cho rằng chỉ riêng kho vũ khí thì không thể tạo ra vụ nổ lớn đến vậy.

Người Trung Hoa lúc bấy giờ cho rằng vụ nổ là sự giận dữ của thiên nhiên vì hoàng đế Minh Hy Tông từ khi lên ngôi tỏ ra bạc nhược, bị thái giám Ngụy Trung Hiền và bè phái lũng đoạn quyền lực.

Bức tranh vẽ Minh Hy Tông, một trong những hoàng đế cuối cùng của nhà Minh ở Trung Hoa.

Bức tranh vẽ Minh Hy Tông, một trong những hoàng đế cuối cùng của nhà Minh ở Trung Hoa.

Hoàng đế chỉ biết suốt ngày chơi bời, không ham chính sự. Ngay từ nhỏ, Minh Hy Tông đã có thích thú với việc chạm khắc gỗ nên suốt ngày chỉ biết khắc chạm, vẽ lên gỗ, coi đây là thú vui.

Trong một hội nghị tổ chức ở Bắc Kinh năm 1986, các nhà khoa học Trung Quốc nhất trí rằng, động đất dẫn đến rò rỉ khí gas và ngọn lửa bùng lên khiến toàn bộ kho vũ khí ở Vương Cung Xưởng phát nổ.

Vụ nổ ở Vương Cung Xưởng được gọi là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Trung Hoa. Tổn thất ở Vương Cung Xưởng lớn đến mức nhà Minh không bao giờ có thể khôi phục sức mạnh quân sự như trước.

Chi phí khổng lồ để khắc phục thiệt hại và cứu trợ nhân đạo càng khiến ngân khố kiệt quệ. Bên cạnh đó, nhà Minh tiếp tục rơi vào cuộc cạnh tranh quyền lực đẫm máu khi thái tử Chu Từ Quế qua đời trong vụ nổ và hoàng đế Minh Hy Tông cũng băng hà sau đó một năm.

Chưa đầy 20 năm sau, người Mãn tràn xuống từ phương bắc lật đổ nhà Minh, lập nên nhà Thanh.

Nguồn: [Link nguồn]

Nổ lớn ở Liban: Thêm hàng chục ca tử vong, loạt ảnh trước và sau cho thấy hậu quả thảm khốc

Theo các quan chức Liban, ít nhất 135 người thiệt mạng, hơn 5.000 người khác bị thương do vụ nổ kinh hoàng ở thành phố...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - The World of Chinese ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN