Vụ nổ chấn động Ấn Độ: "Mưa" vàng và kết cục thương tâm của 1.300 người

Sự kiện: Tin tức Ấn Độ

Áp lực cực lớn từ các vụ nổ khiến một tàu 4.000 tấn bị hất văng lên bờ. Tất cả người ở gần vụ nổ đều thiệt mạng.

Video hiếm về vụ nổ chấn động ở Bombay, Ấn Độ, năm 1944. Nguồn: Historic Films

Đại dịch Covid-19 đang rất tàn khốc ở Ấn Độ với làn sóng lây lan thứ 2 được ví như "sóng thần Covid-19". Số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tăng đến mức đáng sợ. Điều này gợi nhắc rằng, quốc gia Nam Á này cũng từng trải qua một số sự kiện bi thảm khác, có số người thương vong lớn. Loạt bài này sẽ điểm lại một số sự kiện như vậy ở Ấn Độ, từng gây chấn động thế giới. 

Vào một buổi chiều, thành phố Bombay (nay là Mumbai) chấn động bởi 2 vụ nổ lớn xảy ra trên tàu chở hàng Fort Stikine của Anh, đang neo đậu tại đây.

Theo History, các vụ nổ trên tàu Stikine khiến 1.300 người thiệt mạng và khoảng 3.000 người khác bị thương. Tàu hàng Anh chở theo rất nhiều loại hàng hóa dễ cháy nổ và có giá trị, bao gồm 1.395 tấn chất nổ, ngư lôi, mìn, đạn pháo và các kiện hàng bông, thùng dầu và gỗ quý. 

Đặc biệt, tàu Stikine còn chở theo 31 thùng vàng thỏi trị giá 890.000 bảng Anh (gần 30 tỷ đồng). Vì vậy, trang Scroll đã dùng cụm từ "cơn mưa vàng chết chóc" để mô tả một phần hậu quả của vụ nổ. 

Vì vụ việc xảy ra trong thời điểm Thế chiến II, một số người cho rằng vụ nổ kinh hoàng là do phát xít Nhật phá hoại, nhưng thực tế, đây là một sự cố thương tâm. 

Năm 1944, một vụ nổ chấn động đã xảy ra tại thành phố Bombay, Ấn Độ, khiến hàng nghìn người thương vong. Ảnh minh họa: Rawoolarts

Năm 1944, một vụ nổ chấn động đã xảy ra tại thành phố Bombay, Ấn Độ, khiến hàng nghìn người thương vong. Ảnh minh họa: Rawoolarts

2 vụ nổ chấn động 

Những tháng đầu năm 1944, khi Thế chiến II diễn ra khắp châu Á, tàu chở hàng Fort Stikine của Anh đang chở hàng tấn thuốc nổ, chiến đấu cơ, ngư lôi, đạn pháo và vàng từ Birkenhead, Anh, tới thành phố Bombay, Ấn Độ. 

Trên đường đi, Fort Stikine còn tải thêm hàng trăm kiện bông từ thành phố Karachi. Số bông này được để bên dưới số thuốc nổ, bất chấp nguy cơ cháy nổ rất cao. 

Theo trang National Archives, vào khoảng 12h45 ngày 14/4/1944, khi tàu chở hàng Anh đang neo đậu tại bến cảng Victoria ở Bombay, một số người phát hiện khói bốc ra từ cánh quạt thông gió của buồng số 2 trên tàu chở hàng Anh, nhưng cho rằng do một nhóm thủy thủ hút thuốc nên không báo động.

Góc nhìn từ xa của một con tàu bị phá hủy trong vụ nổ. Ảnh: US Army

Góc nhìn từ xa của một con tàu bị phá hủy trong vụ nổ. Ảnh: US Army

Lúc 13h30, một sĩ quan cảnh sát phát hiện khói nhưng cho rằng thủy thủ trên tàu có thể kiểm soát nên không cảnh báo. Tới 13h45, Mohamed Taqi, quản đốc một đội bốc xếp, nhìn thấy khói bốc lên ở buồng số 2, mới báo động cho thủy thủ trên tàu và các vòi nước được hướng đến khu vực khói bốc lên. Tiêu chuẩn an toàn ở các bến tàu khi đó là có một máy bơm với thủy thủ đoàn túc trực khi tàu đang dỡ hàng. 

Thấy người trên tàu nhốn nháo, đội trưởng phụ trách bến tàu lệnh cho đội phó liên lạc với Đội cứu hỏa và gửi cho họ tin nhắn số 2 - thể hiện rằng có cháy ở tàu chở chất nổ. 

Không may, đội phó lúc đó không thể gọi điện cho kiểm soát viên nên đã phá vỡ kính của chuông báo cháy, cảnh báo lực lượng cứu hỏa về đám cháy nhưng không truyền được thông tin có chất nổ trên tàu. Vì vậy, chỉ 2 xe cứu hỏa được điều động tới hiện trường. Khói đen dày đặc gây khó khăn cho thủy thủ và nhân viên cứu hỏa trong việc xác định nguồn lửa để dập triệt để. 

Tới 14h25, thiếu tá Oberst, thuộc Cục Quân nhu của quân đội Ấn Độ, lên tàu và chỉ ra mối nguy hiểm cao độ với bến tàu và đề nghị đánh đắm tàu, dùng nước biển để dập tắt lửa. Tuy nhiên, thực tế mực nước lúc đó làm kế hoạch này phá sản. 

Khi đó, những người có thể đưa ra quyết định lại mâu thuẫn với nhau: người  muốn cứu tàu, người muốn đưa tàu cập bến để cứu hàng, người thì muốn tập trung dập lửa. 

15h, nỗ lực cắt một lỗ trên thân tàu để dập lửa không thành công, làm chậm trễ thêm công tác kiểm soát đám cháy. 15 phút sau, các kiện bông bắt đầu bốc cháy, trong khi số thuốc nổ ở phía trên chưa được chuyển đi. Khói đen vẫn bốc lên dày đặc. 15h50, ngọn lửa lớn bốc lên khiến nhiều nhân viên cứu hỏa phải bỏ tàu. 

16h06, vụ nổ đầu tiên xảy ra. Fort Stikine bị bẻ làm đôi. Nồi hơi của nó còn nguyên vẹn, được tìm thấy cách hiện trường vụ nổ khoảng 800 mét. Một đợt sóng khổng lồ được tạo ra quét qua bến tàu, phá hủy các tàu đang neo đậu tại bến cảng. 16h33, vụ nổ thứ hai xảy ra, phá hủy một số tàu khác ở bến cảng Victoria. 

Không chỉ tàn phá bến cảng, 2 vụ nổ lớn còn làm rung chuyển thành phố Bombay và các khu vực lân cận, gây ra một trong những sự kiện chết chóc nhất lịch sử thành phố. 

Vụ nổ chấn động Ấn Độ: "Mưa" vàng và kết cục thương tâm của 1.300 người - 3

Nhà kho tại bến cảng tan tành sau vụ nổ. Ảnh: Dailyo

Nhà kho tại bến cảng tan tành sau vụ nổ. Ảnh: Dailyo

Thiệt hại thảm khốc

Theo Indian Express, các vụ nổ khiến 12 tàu neo đậu gần tàu hàng Anh bị phá hủy. Áp lực cực lớn từ các vụ nổ khiến một tàu 4.000 tấn bị hất văng lên bờ. 

Tất cả những người ở gần vụ nổ đều thiệt mạng. Con số thương vong là hơn 4.300 người, bao gồm công nhân cảng, quân đội, lính hải quân, thủy thủ, cảnh sát, nhân viên cứu hỏa và người dân. 

Tờ Indian Express ngày 17/4/1944 đưa tin, vụ nổ thứ 2 gây thiệt hại lớn hơn so với vụ đầu tiên. "Sau vụ nổ đầu tiên, đám đông người đã tò mò chạy tới nơi có các cột khói đen bốc lên nghi ngút ở bến cảng và trở thành nạn nhân của vụ nổ thứ hai xảy ra không lâu sau đó. Những người tới xem và phương tiện của họ bị hất văng. Khói đen dày đặc bao phủ cả một khu vực. 

"Tính bất ngờ của sự việc và sự ám ảnh mà nó gây ra thể hiện qua việc không kẻ trộm nào dám ra nhặt số hàng hóa vương vãi gần nơi xảy ra vụ nổ", theo bài viết trên Indian Express năm 1944.

Các đội phá dỡ đã làm việc cật lực suốt 2 ngày để dọn dẹp khu vực bị ảnh hưởng sau khi các vụ nổ phá hủy các tòa nhà. 

Theo trang Scroll, vụ nổ tại cảng ở Bombay là vụ nổ mạnh nhất tại chiến trường phía đông cho tới khi Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản. 

Thảm kịch này sẽ còn tồn tại trong ký ức của cư dân Bombay trong nhiều thập kỷ và ngày 14/4 hàng năm được chọn là Ngày của Đội cứu hỏa thành phố nhằm vinh danh những người đã hy sinh trong sự cố. Từ đó tới nay, các hoạt động nạo vét ở cảng Bombay (Mumbai) đôi khi vẫn tìm thấy vỏ đạn và vàng thỏi. 

---------------------

Bhopal được biết đến ở Ấn Độ với nhiều kỷ lục lịch sử, nhưng thành phố này còn từng gây ám ảnh toàn cầu với một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới, khiến gần 14.000 người thiệt mạng và hàng vạn người chết vì biến chứng sau một thời gian. Bài kỳ sau đăng trên mục Thế giới vào sáng 23/5 sẽ tìm hiểu về thảm họa này!

Nguồn: [Link nguồn]

Hãi hùng vụ 500 triệu lít nước ập xuống nơi 375 người đang làm việc dưới lòng đất Ấn Độ

Lực lượng cứu hộ mất gần một tháng mới bơm cạn hơn 500 triệu lít nước đổ ập xuống hầm mỏ và đưa thi thể đầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN