Vụ ngân hàng Mỹ phá sản 2023 khác với khủng hoảng 2008

Sau vụ sụp đổ liên tiếp của ba ngân hàng Mỹ trong tuần trước, các nhà đầu tư đang đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Đặc biệt, việc Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ - vốn là ngân hàng thuộc top 20 ngân hàng thương mại lớn nhất ở Mỹ - có thể dẫn tới nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như hồi năm 2008. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại cho rằng những gì xảy ra hiện nay có nhiều điểm khác biệt, theo đài CNN.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bắt nguồn từ thị trường bất động sản tại Mỹ. Các ngân hàng đưa ra các khoản vay thế chấp mạo hiểm để hỗ trợ người mua nhà đất, đặc biệt hướng tới nhóm khách hàng có thu nhập thấp, rủi ro cho vay rất cao. Khủng hoảng bắt đầu xuất hiện khi người đi vay không trả được nợ, các ngân hàng liên tiếp phá sản, khởi đầu là Ngân hàng Lehman Brothers. Điều này cũng cho thấy một nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng năm 2008 là từ tài sản khó xác định giá trị như khoản thế chấp nợ bất động sản. Định giá những tài sản này là một bài toán không hề dễ đối với các ngân hàng.

Vụ sụp đổ của các ngân hàng Mỹ mới đây bắt nguồn từ việc ngân hàng lấy tiền khách hàng (đa phần các công ty công nghệ) gửi vào đi mua trái phiếu kiếm lời, rồi không trở tay kịp khi các công ty này làm ăn khó khăn buộc phải rút tiền trang trải chi phí mà lại trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất khiến các ngân hàng phải chịu lỗ nặng. Làn sóng rút tiền trở thành “hiệu ứng domino” và các ngân hàng mất khả năng thanh khoản.

Khách hàng xếp hàng chờ bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Silicon Valley Bank ở TP Wellesley, bang Massachusetts (Mỹ) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Khách hàng xếp hàng chờ bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Silicon Valley Bank ở TP Wellesley, bang Massachusetts (Mỹ) ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Nếu ở khủng hoảng năm 2008 là tài sản khó xác định giá trị thì trong trường hợp hiện nay, những tài sản gây rắc rối cho các ngân hàng đều là những loại dễ định giá và cũng dễ bán, như trái phiếu kho bạc Mỹ và các trái phiếu khác.

Một điểm nữa, lần này chính quyền Mỹ vào cuộc sớm để đảm bảo toàn bộ tiền gửi tại các ngân hàng sụp đổ để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) bảo hiểm cho các tài khoản tiền gửi trị giá đến 250.000 USD và các ngân hàng lớn của Mỹ cũng có đủ năng lực tài chính để vượt qua biến động bởi các nơi này thường xuyên được Fed kiểm tra sức khỏe.

“So với năm 2008, hệ thống đã minh bạch hơn nhiều, với nền tảng vững vàng hơn. Chính quyền đã nhận diện được những vấn đề còn lại và triển khai nhanh các biện pháp để xử lý” - Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Công ty Commonwealth Financial Network (Mỹ) nhận định.

Ngoài ra, tác động từ sự sụp đổ của một số ngân hàng hiện nay hạn chế hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Về quy mô, Lehman Brothers là ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ vào thời điểm phá sản với giá trị hơn 600 tỉ USD. Trong khi đó, SVB với quy mô nhỏ hơn rất nhiều, chỉ gây ảnh hưởng đến lĩnh vực mạo hiểm và startup - vốn là một tệp khách hàng đặc thù.

“SVB chỉ là một ngân hàng nhỏ và nguồn tiền gửi tăng đột biến vào đây chỉ phản ánh sự quan tâm đến lĩnh vực công nghệ trong thời kỳ đại dịch của một bộ phận nhà đầu tư” - kinh tế gia Paul Krugman nhận định.

Chưa kể, những rắc rối của SVB đến từ nguyên nhân đầu tư sai lầm và các trái phiếu vẫn có thể được thanh toán với những hỗ trợ phù hợp từ giới chức trách.

Hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục nhận tin xấu

Tín nhiệm ngân hàng ở Mỹ bị hạ xuống mức “tiêu cực”, trong khi nhiều ý kiến lo ngại vụ sụp đổ liên tiếp các ngân hàng sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái trong năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHẠM KỲ ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN