Vụ máy bay va trực thăng quân sự Mỹ: Vì sao không tránh nhau?
Một cựu phi công quân đội Anh đã giải thích cách kiểm soát không phận để tránh tai nạn.
Video đồ họa vụ máy bay chở khách va trực thăng quân sự Mỹ. Nguồn: Telegraph
Theo cựu phi công quân đội Anh Dominic Nicholls, để đảm bảo an toàn bay, không phận được phân thành nhiều khu vực, từ những vùng kiểm soát nghiêm ngặt quanh sân bay đến các khu vực kiểm soát nới lỏng hơn.
Những khu vực được kiểm soát nghiêm ngặt nhất thuộc không phận loại A, ví dụ như khu vực xung quanh Sân bay Quốc gia Ronald Reagan ở bang Washington.
Phi công phải được Kiểm soát Không lưu (ATC) cấp phép để vào khu vực trên. Trừ trường hợp khẩn cấp, phi công phải tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của ATC – bao gồm hướng bay, độ cao hoặc việc hạ cánh.
Nếu các bản mô phỏng lại tình huống va chạm ở Washington vào tối 29/1 (giờ địa phương) và hướng dẫn của ATC là chính xác, có vẻ như máy bay chở khách đã được phép tiếp cận và hạ cánh xuống đường băng 33.
Minh họa vụ máy bay chở khách va trực thăng quân sự Mỹ. Ảnh: USA Today
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social ngay trong đêm xảy ra va chạm: "Chiếc máy bay chở khách đang trên một đường tiếp cận hoàn hảo và thông thường xuống sân bay. Chiếc trực thăng quân sự đã bay thẳng về phía máy bay trong một khoảng thời gian dài. Trời đêm quang đãng, đèn trên máy bay chiếu sáng rực rỡ, tại sao trực thăng không bay lên hoặc xuống, hoặc đổi hướng?".
Theo cựu phi công Dominic, trong các chuyến bay thông thường ngoài không phận kiểm soát, khi 2 máy bay tiếp cận nhau, máy bay ở bên phải có quyền ưu tiên.
Đây là lý do một cánh máy bay có đèn đỏ và cánh kia có đèn xanh - để phi công có thể nhận biết và chủ động tránh, dựa vào màu đèn mà họ nhìn thấy.
Tuy nhiên, một khi đã được ATC cấp phép hạ cánh, máy bay không cần thay đổi hướng bay, ngay cả khi – như trong vụ việc này – một máy bay khác (trực thăng quân sự Black Hawk) đang tiếp cận từ bên phải.
Vì vậy, cựu phi công Dominic cho rằng trực thăng đáng lẽ phải nhường đường cho máy bay chở khách. Phi hành đoàn của trực thăng quân sự Black Hawk cũng cần xin phép ATC để "băng qua đường băng đang hoạt động", tức là bay qua đường băng đang được sử dụng và vùng bay mở rộng của đường băng.
Đây được cho là một cơ chế an toàn khác nhằm giữ cho máy bay hạ cánh và các máy bay khác không cản trở nhau. Trong các bản ghi ATC được công bố đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy trực thăng đã được cấp phép như vậy.
Video: Máy bay chở khách đâm trực thăng quân sự Blackhawk. Nguồn: Telegraph
LiveATC, một nguồn tin công khai đáng tin cậy về các bản ghi âm radio ATC, đã ghi lại liên lạc cuối cùng từ kiểm soát viên không lưu với trực thăng Black Hawk, sử dụng mã hiệu PAT25.
“PAT25, có nhìn thấy chiếc CRJ [máy bay chở khách] không? PAT25, hãy bay vòng phía sau CRJ,” một kiểm soát viên không lưu nói lúc 20h47 ngày 29/1 theo giờ địa phương.
Các thao tác “bay phía sau” như vậy được thực hiện thường xuyên trên toàn thế giới, mặc dù các lệnh bay như vậy thường được phát vào ban ngày hơn là ban đêm.
Chỉ vài giây sau thông điệp từ ATC, vụ va chạm xảy ra, với âm thanh nền trong bản ghi cho thấy một số nhân viên trong tháp kiểm soát đã nhìn thấy quả cầu lửa khi tai nạn diễn ra.
Thông điệp trên cho thấy phi công trực thăng đã được chỉ thị phải xác định trực quan máy bay CRJ và đảm bảo bay phía sau nó khi băng qua đường tiếp cận đường băng 33.
Thông thường, phi công sẽ xác nhận lệnh ATC bằng cách nói “đã thấy mục tiêu” hoặc “không thấy mục tiêu”.
Nhưng trong vụ việc này, không có phản hồi nào.
Có vấn đề tại tháp kiểm soát không lưu của sân bay quốc gia Ronald Reagan (Mỹ) trước khi xảy ra vụ tai nạn giữa hai máy bay khiến 67 người thiệt mạng...
Nguồn: [Link nguồn]
-01/02/2025 04:51 AM (GMT+7)