Vụ mất tích máy bay MH370: Mãi mãi là bí ẩn

Hơn ba năm rưỡi kể từ ngày chiếc máy bay chở khách của Hãng Hàng không Quốc gia Malaysia mang số hiệu MH370 mất tích (8-3-2014), lực lượng tìm kiếm của nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa thể xác định được vị trí chiếc máy bay có thể rơi, và những gì đã thật sự xảy ra với chiếc máy bay vẫn là một bí ẩn không thể lý giải.

Ngày 3-10-2017, Cục An toàn giao thông Australia (ATSB), cơ quan điều phối công tác tìm kiếm, đã công bố báo cáo cuối cùng về vụ mất tích của MH370.

Cuộc tìm kiếm quy mô chưa từng có

ATSB bắt đầu cuộc tìm kiếm chiếc MH370 dưới biển Ấn Độ Dương vào đầu tháng 10-2014, gần 6 tháng sau khi các cuộc tìm kiếm trên không và trên mặt biển kết luận không thành công. Diện tích khu vực tìm kiếm ban đầu dự kiến là 60.000 km vuông. Để thực hiện việc tìm kiếm dưới mặt nước, trong lòng đại dương bao la, ATSB đã huy động tất cả các phương tiện dò tìm tối tân nhất hiện có, kể cả tàu ngầm robot tự hành để dò đáy đại dương.

Đến tháng 4-2015, với hơn 40% diện tích khu vực tìm kiếm chưa được lục soát, 3 nước liên quan trong cuộc tìm kiếm (Australia, Malaysia, Trung Quốc) đã quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm 60.000 km vuông, nâng tổng diện tích phu vực tìm kiếm lên 120.000 km vuông. Khu vực tìm kiếm đã được khu biệt về Nam Ấn Độ Dương, dọc theo “Cung số 7” nằm ngoài khơi Tây Nam Australia, cách bờ biển 2.500 km, kéo dài xuống đến khu vực giữa vĩ tuyến 33 và 36 độ Nam.

Vụ mất tích máy bay MH370: Mãi mãi là bí ẩn - 1

Vụ mất tích máy bay MH370 của Malaysia Airlines là bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không thế giới đầu thế kỷ XXI.

IG tham gia cuộc tìm kiếm chiếc MH370 từ rất sớm, ngay trong giai đoạn đầu tìm kiếm. Tháng 9-2014, trước khi ATSB bắt đầu cuộc tìm kiếm, nhóm này đã đưa ra đề xuất nên thu hẹp chiều rộng khu vực tìm kiếm, nhưng mở rộng chiều dài theo hướng bắc.

Còn ATSB thì dựa theo lý thuyết “thả trôi”; có nghĩa là với sự điều khiển của phi công, chiếc máy bay có thể lướt trôi trên không thêm 100 hải lý sau khi hết nhiên liệu. Nhưng lập luận này lại mâu thuẫn với dữ liệu vệ tinh Inmarsat đưa ra giả thuyết rằng vào thời điểm rơi, chiếc máy bay đâm đầu xuống với tốc độ 4.570 mét/phút.

Rốt cuộc, những nỗ lực tìm kiếm trong phạm vi 120.000 km vuông ở “Cung số 7” đã không mang lại dấu vết gì về MH370 cả. trong khi đó, cùng thời điểm ATSB tăng cường hoạt động tìm kiếm thì những mẫu vật nghi là xác MH370 đã được phát hiện trôi dạt vào đảo Reunion và bờ biển Đông Phi. Điều này khiến dư luận đặt nghi vấn về tính đúng đắn của việc xác định khu vực tìm kiếm.

Nhưng các mẫu vật vớt được không nhiều, do đó không thể thuyết phục các quốc gia liên quan thay đổi quan điểm về khu vực tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm đã gây tốn kém chi phí 180 triệu đôla Australia, trong đó chủ yếu là sự đóng góp của Australia và Malaysia, Trung Quốc góp 20 triệu đôla Australia.

Sau khi những mẫu vật liên tục được tìm thấy ở đảo Reunion và bờ biển Đông Phi vào tháng 6 và 7-2015, lãnh đạo 3 nước tìm kiếm đã rất lạc quan về khả năng tìm thấy xác chiếc MH370 trong khu vực Nam Ấn Độ Dương. Đến tháng 3-2016, nhân kỷ niệm 2 năm ngày chiếc MH370 mất tích, các nhà điều tra vẫn rất lạc quan.

Martin Dolan, người đứng đầu ATSB thậm chí còn bảo đảm rằng chiếc máy bay sẽ được tìm thấy trong phạm vi 120.000 km vuông. Tuy nhiên, vài tháng sau, tháng 7-2016, tình hình đã thay đổi hẳn. Lãnh đạo 3 nước tham gia tìm kiếm đã thừa nhận “không còn khả năng tìm thấy chiếc máy bay mất tích”.

Đến tháng 12-2016, ATSB thông báo “tin rằng xác chiếc máy bay sẽ không tìm thấy ở Cung số 7”, do đó cơ quan này đề xuất dời khu vực tìm kiếm xuống vĩ tuyến 33-36 độ Nam. Diện tích khu vực tìm kiếm cũng được thu hẹp lại còn 25.000 km vuông.

Vụ mất tích máy bay MH370: Mãi mãi là bí ẩn - 2

Nhân viên ATSB kiểm tra một mẫu vật tìm thấy ngoài khơi bờ biển Tanzania tháng 6-2016.

Chuyện gì đã thật sự xảy ra?

Vụ mất tích chiếc máy bay MH370 được giới phân tích hàng không thế giới đánh giá là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Cho đến bây giờ, các chuyên gia vẫn chưa thể thống nhất với nhau về nguyên nhân gây ra tai nạn cho chiếc MH370, điều gì đã thật sự xảy ra trên chuyến bay định mệnh ấy.

Các dữ liệu ra đa và vệ tinh cho thấy lần cuối cùng ra đa ghi nhận tín hiệu phát ra từ chiếc MH370 là vào 2 giờ 22 phút sáng 8-3-2014, không lâu sau khi cất cánh chuyến bay từ Kuala Lumpur, Malaysia, đi Bắc Kinh, Trung Quốc.

Có nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhằm giải mã bí ẩn xung quanh vụ mất tích này. Một giải thuyết từng được báo chí đăng tải vào cuối năm 2014, vài tháng sau khi MH370 mất tích, cho rằng một ngư dân trên biển đã nhìn thấy một chiếc máy bay dân dụng bay qua khu vực theo hướng từ Malaysia về phía quần đảo Nicobar của Ấn Độ. Tuy nhiên, giả thuyết này sau đó bị bác bỏ vì không phù hợp với dữ liệu ra đa cũng như vệ tinh Imarsat. Sang năm 2015, liên tục những mẫu vật nghi là xác máy bay MH370 trôi dạt vào bờ biển Madagascar và đảo Reunion ở châu Phi được ngư dân địa phương vớt lên.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia Pháp và Malaysia khẳng định là một phần cánh và nội thất của chiếc MH370. Qua đó, một giả thuyết nữa lại được đưa ra để giải thích “chuyện gì đã xảy ra” trên chuyến bay: khả năng một vụ hỏa hoạn xảy ra, phi công chết ngạt, và chiếc máy bay thả trôi tự do cho đến khi hết nhiên liệu.

Còn một giả thuyết táo bạo nữa được đưa ra vào tháng 7-2015 rằng chiếc MH370 đã chuyển hướng bay theo hướng tây và bị tàu chiến Mỹ ở Vùng Vịnh bắn hạ. Tuy nhiên, thông tin này ngay sau đó đã bị giới chức quân sự Mỹ bác bỏ.

Việc còn lại là tìm kiếm xác chiếc máy bay xấu số. Nhưng Ấn Độ Dương bao la, lại chưa xác định được chiếc máy bay đã bay theo hướng nào thì làm sao tìm kiếm? Chính vì thế, những nỗ lực tìm kiếm ban đầu - trên không và trên mặt nước nhằm xác định các vật thể trôi nổi trên mặt biển trong giai đoạn đầu sau tai nạn - đã không thể khoanh vùng khu vực tìm kiếm.

Hàng trăm mẫu vật đã được vớt lên từ mặt biển Ấn Độ Dương và đưa đi kiểm tra, xét nghiệm để xác định có phải là xuất phát từ chiếc MH370 hay không. Có những mẫu vật nghi là của hành khách trên chuyến bay nhưng thiếu những cứ liệu liên quan để khẳng định. Vì thế, sự mong mỏi của thân nhân các nạn nhân trên chuyến bay MH370 tiếp tục dài thêm ra, ngày càng trở nên vô vọng.

Vậy là phải thay đổi cách tìm kiếm. Australia, Malaysia, Trung Quốc và các quốc gia liên quan đã thống nhất quyết định triển khai cuộc tìm kiếm dưới mặt nước, trong lòng đại dương. Nhưng phải xác định cho được khu vực chiếc máy bay gặp tai nạn thì tìm kiếm mới hy vọng mang lại hiệu quả. Vấn đề mấu chốt của mọi bài toán nhằm xác định vị trí “yên nghỉ” của chiếc MH370 nằm ở “thời điểm chuyển hướng bay” và “cự ly bay cho đến khi hết nhiên liệu”.

Trong cuộc tìm kiếm chiếc MH370 này, cùng phối hợp tìm kiếm còn có một nhóm có tên gọi là Independent Group (IG - Nhóm độc lập), một mạng lưới khoảng 20 người là phi công, nhà khoa học, kỹ sư và các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau, như Anh, Mỹ, Đức, Thụy Điển, Pháp, Singapore, Canada, New Zealand và Hong Kong. Họ tập hợp lại với nhau bằng mối quan tâm chung là giải mã bí ẩn MH370. Họ phối hợp, liên lạc với nhau qua email và phân tích các thông tin được đăng tải trên truyền thông.

Trong hơn 2 năm rưỡi tìm kiếm, IG đã vài lần phối hợp với ATSB trong công tác tìm kiếm, bằng cách đặt ra những câu hỏi và phản biện giải pháp với hy vọng có thể giúp ATSB phát hiện ra dấu vết mới về MH370.

IG và ATSB bất đồng quan điểm trong đánh giá thời điểm chiếc MH370 ngoặt về phương nam. Dữ liệu ra đa của quân đội Malaysia cho thấy chiếc máy bay đã đi theo hướng Tây-Bắc dọc theo eo biển Malacca. Thông tin này được củng cố bởi dữ liệu từ vệ tinh Inmarsat vào thời điểm 2 giờ 25 phút.

Nhưng vừa sau 2 giờ 22 phút thì chiếc máy bay đã đột ngột biến mất khỏi màn hình ra đa, và đến 3 giờ 41 phút dữ liệu vệ tinh cho thấy nó đã chuyển hướng bay về phương Nam một cách khó hiểu. Cho đến nay, vị trí “yên nghỉ” của chiếc MH370 vẫn còn tùy thuộc vào thời điểm nó chuyển hướng bay, và cự ly nó bay bao xa về phương Nam trước khi hết nhiên liệu và rơi.

Vụ mất tích máy bay MH370: Mãi mãi là bí ẩn - 3

Blaine Alain Gibson, nhà tìm kiếm độc lập người Mỹ.

Trung tâm điều hành bay của hãng Malaysia Airlines thông báo rằng chiếc máy bay đã “bặt tín hiệu” trên ra đa và cũng không phản hồi sóng vô tuyến. Trung tâm đã tìm cách liên lạc bằng điện thoại vệ tinh 2 lần, vào lúc 2 giờ 39 và 2 giờ 40 phút, nhưng cũng không có tín hiệu phản hồi.

ATSB tin rằng chiếc MH370 đã chuyển hướng về phương Nam vào thời điểm cuộc gọi đầu tiên của trung tâm Malaysia Airlines, nhưng cũng có thể diễn ra chậm hơn nhiều, và điều này làm thay đổi rất lớn đến khả năng bay xa về phương Nam.

Vì sao cuộc tìm kiếm thất bại?

Để trả lời câu hỏi này không phải là chuyện dễ, bởi phạm vi tìm kiếm có giới hạn trong môi trường không gian rộng bao la. Tuy nhiên, trong các hoạt động tìm kiếm có những thiếu sót không thể tính trước. Không thể khẳng định một cách chắc chắn “nguyên nhân dẫn đến thất bại” của cuộc tìm kiếm, vì khả năng tìm thấy xác chiếc máy bay là rất mong manh. Nhưng trong chừng mực nào đó, người ta vẫn có thể cho rằng cơ quan tìm kiếm ATSB và nước chủ quản của chiếc máy bay - Malaysia - có những thiếu sót.

Bộ trưởng Giao thông Australia Darren Chester cho rằng nỗ lực của con người là có giới hạn trong một cuộc tìm kiếm được cho là thử thách giới hạn năng lực, trình độ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, trong tình hình dữ liệu hạn chế trong những tháng đầu sau khi chiếc máy bay mất tích, cơ quan điều phối tìm kiếm ATSB đã mắc một số sai lầm trong việc xác định hướng tìm kiếm. Việc xác định khu vực tìm kiếm chưa đúng làm mất thời gian và đánh mất các cơ hội tìm thấy các mẫu vật, các dữ liệu có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong hợp tác cũng như thái độ khư khư giữ bí mật dữ liệu liên quan đến chiếc MH370 trong giai đoạn đầu tìm kiếm của Chính phủ Malaysia cũng bị các chuyên gia cho là đã góp phần làm cho cuộc tìm kiếm không mang lại hiệu quả.

Blaine Gibson, một nhà tìm kiếm độc lập người Mỹ, đã đích thân mang một mẫu vật tìm thấy đến giao cho ATSB vào tháng 9-2016 và bày tỏ sự bất bình vì ông đã liên hệ nhiều tháng rồi mà Chính phủ Malaysia không phản hồi tiếp nhận hay không. Trước đó, trong giai đoạn đầu cuộc tìm kiếm, Chính phủ Malaysia đã không công bố dữ liệu ra đa của quân đội về hành trình chiếc MH370 khi nó bay dọc theo eo biển Malacca trước khi chuyển hướng bay.

Sự im lặng và bức tường bí mật của Kuala Lumpur đã gây khó khăn rất nhiều cho các nhà điều tra trong giai đoạn đầu truy tìm tung tích chiếc MH370. Các chuyên gia cho rằng, có thể chính sự chậm trễ đó dẫn đến việc tuột mất cơ hội xác định chính xác khu vực tìm kiếm và vị trí của xác chiếc máy bay xấu số.

Như vậy là các nỗ lực tìm kiếm chiếc MH370 đã chấm dứt. Nhưng ATSB không quyết định việc dừng hay tiếp tục cuộc tìm kiếm, mà quyết định là do 3 nước Australia, Malaysia và Trung Quốc thống nhất đưa ra. Tháng 7-2016, đại diện chính phủ 3 nước đã họp và thống nhất quyết định không kéo dài thời gian tìm kiếm MH370 nữa, trừ phi có “thông tin mới đáng tin cậy” có thể dẫn đến việc xác định vị trí cụ thể của chiếc máy bay.

Tháng 1-2017, ATSB chính thức thông báo dừng cuộc tìm kiếm MH370, chấm dứt một cuộc tìm kiếm khổng lồ trong lịch sử đương đại của thế giới. Ngày 3-10-2017, bản báo cáo cuối cùng về kết quả cuộc tìm kiếm đã được ATSB công bố, trong đó kết luận vị trí của chiếc MH370 là một bí ẩn “hầu như không thể giải thích được”.

Úc: Vị trí của MH370 là bí ẩn “không thể tưởng tượng được”

Việc không thể tìm thấy MH370 là hoàn toàn không thể chấp nhận được trong thế giới hiện đại, theo Cục An toàn Giao thông...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Tôn - Tổng hợp (An ninh thế giới)
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN