"Vũ khí vô hình" của Thành Cát Tư Hãn khiến địch sống trong khiếp sợ

Sự kiện: Thành Cát Tư Hãn

Thành Cát Tư Hãn là một vị tướng, nhà chinh phục vĩ đại trong lịch sử. Ông không chỉ có tài bậc thầy về điều binh khiển tướng mà còn rất giỏi sử dụng chiến thuật đánh vào tâm lý kẻ thù.

"Vũ khí vô hình" của Thành Cát Tư Hãn khiến địch sống trong khiếp sợ - 1

Cảnh trong phim "Đế chế Mông Cổ: Sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn"

Trong cuốn “Genghis Khan and the Marking of The Mordern World” (Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại), Giáo sư người Mỹ Jack Weatherford đã tổng hợp được rất nhiều chiến thuật độc đáo mà thủ lĩnh Thiết Mộc Chân, người sau này lên ngôi Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ với đế hiệu Thành Cát Tư Hãn. Trong đó, ông đánh giá: "Tuyên truyền và điều khiển dư luận là vũ khí ưa thích của Thiết Mộc Chân".

Điển hình như từ trước khi lên ngôi Hãn, khi chuẩn bị tấn công bộ tộc Nãi Man, quân của Thiết Mộc Chân đã tung nhiều tin đồn bôi xấu đối phương, đồng thời củng cố sự tự tin của mình. Người Mông Cổ đã truyền tin rằng Tayang Khan, thủ lĩnh của người Nãi Man, đã biến thành một người yếu ớt, trẻ con, bị vợ và con làm nhục nơi công cộng. Họ còn kể rằng con trai của Tayang Khan gọi ông ta một cách đầy mỉa mai là Bà gia Tayang, và ông chỉ đi khỏi "ger" (lều trại) một khoảng cách xa bằng một người phụ nữ có thai cần đi vệ sinh.

Để khiến người Mông Cổ căm giận người Nãi Man, các thủ lĩnh Mông Cổ tung tin rằng hoàng hậu Nãi Man khinh bỉ người Mông Cổ, coi họ là những kẻ mọi rợ hôi hám bẩn thỉu.

Khi đánh bộ tộc Nữ Chân, Thành Cát Tư Hãn đã liên tục tung tin nhằm làm quân đối phương lo lắng và sợ hãi. Có một câu chuyện đáng ngờ được kể lại rằng quân Mông Cổ hứa sẽ rút quân vây thành nếu lính giữ thành Nữ Chân cống nạp một số lượng lớn mèo và chim. Những người dân chết đói vội vã thu thập những con vật này và tặng cho quân Mông Cổ. Khi nhận được, quân Mông Cổ gắn đuốc và dải băng cháy vào đuôi của chúng và thả cho chúng chạy. Những con thú sợ hãi lao về phía thành và đốt trụi cả thành phố. Câu chuyện, dù chưa chắc đã đúng như nó đã xảy ra, đã gây khiếp đảm đối với các đối thủ của ông ta.

Bộ máy tuyên truyền của Thành Cát Tư Hãn đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh ông ta là người có thiên mệnh, và ông ta là một chiến binh thảo nguyên thực thụ, giống với tổ tiên của những người Nữ Chân trước đây, chứ không giống vị Hoàng Hãn bất lực và sa đọa đã bỏ mặc họ cho số phận khi quân Mông Cổ kéo tới. Kết quả là toàn bộ binh lính, bao gồm cả các tướng lĩnh với đầy đủ vũ khí, đã bỏ sang hàng ngũ quân Mông Cổ.

Trước khi tấn công một thành phố, quân Mông Cổ tấn công các làng mạc xung quanh, bắt những người dân địa phương khỏe mạnh làm lao dịch phục vụ họ, đồng thời đuổi những người dân còn lại vào thành phố. Những người tị nạn này gây áp lực khiến thành phố nhanh chóng hao hụt lương thực, gây ra nạn dịch, đồng thời gieo rắc tâm lý hoang mang cho người dân trong thành.

"Vũ khí vô hình" của Thành Cát Tư Hãn khiến địch sống trong khiếp sợ - 2

Cảnh tướng địch đầu hàng Thành Cát Tư Hãn được tái hiện qua một bức tranh

Những tin đồn về sự thiện chiến, tàn bạo của quân xâm lược làm nản lòng binh lính phòng thủ và gây nỗi sợ hãi với nhân dân. Với áp lực như vậy kéo dài, cùng với những đợt tấn công được tổ chức rất bài bản, các thành phố nối nhau thất thủ, rồi chịu cảnh tàn sát, nếu không chịu đầu hàng.

Trong cuộc chinh phục vùng Trung Á, Thành Cát Tư Hãn đã tổ chức một bộ máy tuyên truyền ảo, liên tục thổi phồng số người chết trong chiến trận ở các thành phố họ đã đi qua và gây ra nỗi khiếp sợ đối với mọi nơi mà tin tức được lan tới. Sau khi chiếm được một tòa thành, quân Mông Cổ lại gửi các đoàn sứ giả tới các thành phố khác để báo cho họ những điều kinh khủng chưa từng thấy mà chiến binh Mông Cổ gây ra với các khả năng gần như phi phàm của họ.

Các câu chuyện về sự tàn bạo của đội quân Mông Cổ đã làm lây lan những tin đồn gây kinh hoàng cho kẻ địch của ông. Như những câu chuyện kể về vụ thảm sát ở thành phố Nishapur, nơi đã nổi dậy sau khi bị quân Mông Cổ chinh phục và giết chết Tokuchar, con rể của Thành Cát Tư Hãn, là một ví dụ. Tin đồn rằng con gái của Thành Cát Tư Hãn, để trả thù cho chồng, đã giết chết hết tất cả người trong thành, chất đầu của họ thành ba tháp riêng biệt: đàn ông, đàn bà và trẻ em. Thậm chí, tin đồn còn nói rằng cô ta đã ra lệnh giết hết cả chó mèo và các sinh vật sống trong thành phố.

Mặc dù vậy, đây có vẻ không phải là tin đồn vô lý, vì theo các nhà chép sử người Ba Tư, trong cuộc tàn sát ở Nishapur, quân Mông Cổ đã giết tới 1,74 triệu người. Tuy nhiên, các nhà khoa học sau này cho rằng, để giết được bấy nhiêu người, cũng phải mất rất nhiều công sức và thời gian.

Theo Jack Weatherford, Thành Cát Tư Hãn không quan tâm tới việc ghi lại các chiến tích hay thơ ca tán tụng tài năng của mình; thay vào đó, ông cho phép người dân tự do lan truyền các câu chuyện tệ hại và phi lý nhất về ông và quân Mông Cổ.

Tác giả Weatherford nhận định: "Thành Cát Tư Hãn đã nhận ra rằng nỗi sợ hãi được gieo rắc dễ dàng nhất không phải nhờ vào các chiến binh, mà bằng ngòi bút của các học giả và người ghi chép".

Và với những câu chuyện càng tệ hại và phi lý, thì nỗi khiếp sợ của đối phương càng lên cao, khiến con đường chinh phục càng dễ dàng và cuối cùng, vó ngựa Mông Cổ đã kéo dài từ Thái Bình Dương phía Trung Hoa đến tận vùng đất của các Sultan tại Biển Đen ở phía Tây lụa địa Á - Âu, trở thành đế quốc có lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử.

____________

Quân đội của Thành Cát Tư Hãn chỉ có khoảng 1 triệu người, nhưng được tổ chức một cách tài tình để chinh phục khắp cả vùng lục địa châu Á và châu Âu. Mời độc giả đón đọc kỳ sau, đăng sáng 24/3/2019 về một khía cạnh trong tài dụng binh của nhân vật kiệt xuất này.

Thành Cát Tư Hãn dùng cách gì chiếm mọi pháo đài, phá mọi tường thành?

Trong vòng 30 năm, các thành trì của người Ki-tô giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo lần lượt gục ngã dưới vó ngựa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tiên Long ([Tên nguồn])
Thành Cát Tư Hãn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN