Vũ khí tấn công hạt nhân của Mỹ "yếu xìu" so với Nga
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 của Nga phát triển vào giữa những năm 2000, có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân, tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào trên đất Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trên) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Trong cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ hồi đầu tuần, Donald Trump nói: “Nga đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân và sở hữu năng lực tấn công hạt nhân mạnh mẽ hơn so với Mỹ”.
Giáo sư Jeffrey Lewis, người sáng lập nhà xuất bản Arms Control Wonk không đồng tình tuyên bố này. Ông cho rằng, “mặc dù Nga đang cải tiến, phát triển tên lửa và đầu đạn hạt nhân của mình trong những năm gần đây, nhưng tuyên bố rằng năng lực hạt nhân Nga vượt Mỹ là điều không chính xác”.
Trên lý thuyết, Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân mới hơn, phức tạp và đáng sợ hơn Mỹ. Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-24 được Nga phát triển vào giữa những năm 2000, chúng có khả năng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào trên đất Mỹ.
Một số nguồn tin cho rằng, RS-24 có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân với hệ thống tự dẫn đường. 10 đầu đạn hạt nhân này bay vào bầu khí quyển Trái đất với vận tốc lên tới 8 km/giây.
So với Nga, mỹ chỉ có ICBM Minuteman III với khả năng tương đương nhưng chỉ mang theo một đầu đạn hạt nhân duy nhất và tên lửa đạn đạo này đã xuất hiện từ những năm 1970.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars RS-24 của Nga.
Nhưng việc so sánh năng lực hạt nhân Nga-Mỹ không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh. Trả lời trên Business Insider, ông Lewis nói kho vũ khí hạt nhân hiện tại là phù hợp với nhu cầu chiến lược của Mỹ.
Triết lý phát triển vũ khí hạt nhân khác biệt
Trong việc chế tạo tên lửa đạn đạo, Nga có những triết lý và thiết kế khác biệt so với Mỹ. “Nga tích cực tăng cường kho vũ khí hạt nhân bằng các loại tên lửa hoàn toàn mới. Những vũ khí này của Nga cần phải cải tiến trung bình 10 năm một lần”.
“Trong khi đó, vũ khí hạt nhân Mỹ như Ferrari: đẹp, tinh tế và thiết kế mang lại hiệu suất cao. Các thanh lõi plutonium có thể sử dụng tới 100 năm. Các tên lửa đạn đạo Minuteman III vẫn tồn tại bất chấp tuổi tác vì đây là những hệ thống hoàn hảo”, ông Lewis phân tích. “Nga không cần phải chế tạo những tên lửa đạn đạo đẹp tuyệt vời như Mỹ bởi họ sẽ luôn phải làm mới lại chúng mỗi 10 năm”.
Sự khác biệt về triết lý không dừng lại ở đây. Nga luôn chế tạo tên lửa lắp trên xe tải còn Mỹ lại muốn đặt chúng lên bệ phóng trên mặt đất, cho phép ngắm bắn mục tiêu chính xác hơn nhưng mất đi khả năng cơ động. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng thử gắn ICBM lên xe tải nhưng không đáp ứng độ tin cậy và bền bỉ cần thiết.
Tên lửa Minuteman-III Mỹ trên bệ phòng năm 1989.
“Mỹ không sản xuất các hệ thống như Nga, bởi vì Washington hầu như không lo về giá cả, chỉ muốn đạt chất lượng cao nhất. Trong khi đó Nga thường sản xuất các loại tên lửa đặt lên xe di động và có khả năng đánh tan hệ thống phòng thủ đối phương với mức chi phí nhỏ nhất”, chuyên gia Mỹ phân tích.
Sự chuyên nghiệp trong quân đội đã tạo nên nước Mỹ là cường quốc khác biệt trên thế giới. Ưu tiên hàng đầu của Mỹ là độ chính xác so với khả năng hủy diệt. “Mỹ tạo ra vũ khí hạt nhân với một đầu đạn và nó sẽ bay qua cửa sổ, phát nổ tòa nhà. Trong khi đó, Nga muốn 10 đầu đạn hạt nhân lao thẳng vào tòa nhà và hủy diệt toàn bộ thành phố”, ông Lewis bình luận.
Bên cạnh đó, Nga còn phát triển ngư lôi Status-6 mang đầu đạn hạt nhân, đạt tốc độ tối đa lên tới 185 km/giờ và tầm di chuyển gần 10.000 km. Một khi kích nổ, ngư lôi này sẽ khiến cho toàn bộ khu vực ven bờ nhiễm phóng xạ tới hàng thập kỷ. Mỹ không chào đón loại vũ khí hủy diệt này.
Mỹ đủ khả năng đáp trả đòn tấn công hạt nhân của Nga
Bộ ba vũ khí tấn công hạt nhân của Mỹ.
Theo Giáo sư Lewis, Mỹ hiểu rằng không thể phòng thủ một khi tên lửa hạt nhân Nga đã bay vào quỹ đạo. Khi đó, các đầu đạn chia nhỏ và lao thẳng xuống mục tiêu ở tốc độ Mach 23 (28400 km/giờ).
Giải pháp là phá hủy các tên lửa này ngay khi chúng vừa mới được phóng lên, nghĩa là bắn hạ tên lửa ngay ở Nga. Mỹ cũng có thể đánh chặn tên lửa bằng vệ tinh trong không gian. Nhưng hiện tại, Washington chưa đủ kinh phí cho biện pháp này.
Thay vì tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và hàng chục năm trời nghiên cứu, chạy đua vũ trang, Mỹ dựa trên học thuyết Đảm bảo Hủy diệt Lẫn nhau (MAD). Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, chính quyền Mỹ chỉ chế tạo vũ khí hạt nhân đủ để phá hủy Liên Xô nếu cần thiết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng Nga có thể hủy diệt nước Mỹ sau “nửa giờ” bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân. Nhưng thực tế là các tên lửa Minutemen III cũng có thể “thổi bay” Điện Kremlin chỉ vài giây sau đó.
Ngoài ra, Mỹ sở hữu bộ ba vũ khí hạt nhân bao gồm tàu ngầm, bệ phóng trên mặt đất và máy bay ném bom chiến lược. Moscow không thể đồng thời vô hiệu hóa cả 3 lực lượng này, Giáo sư Lewis kết luận.