Vũ khí “sát thủ” rẻ tiền giúp Ukraine cản bước tiến của quân đội Nga

Ukraine hoàn toàn lép vế trước Nga về công nghệ quân sự. Các máy bay không người lái tinh vi nhất mà nước này sở hữu thoạt nhìn có vẻ không có gì nổi bật. Chúng bay chậm, tầm bay thấp và không có khả năng phòng vệ.

UAV Bayraktar TB2 của Ukraine đã gây thiệt hại đáng kể cho các lực lượng Nga.

UAV Bayraktar TB2 của Ukraine đã gây thiệt hại đáng kể cho các lực lượng Nga.

Khi cuộc xung đột nổ ra, nhiều chuyên gia dự đoán các máy bay không người lái của Ukraine sớm muộn sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nhưng sau 3 tuần giao tranh, những chiếc Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất vẫn hoạt động tốt, phóng tên lửa vào các mục tiêu quân sự Nga, bao gồm xe tăng và xe hậu cần, theo giới chức Lầu Năm Góc.

Các máy bay không người lái vẫn có thể chiến đấu là một dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của lực lượng Ukraine và đặt ra những vấn đề lớn hơn mà quân đội Nga gặp phải, theo New York Times.

“Năng lực chiến đấu của quân đội Nga ở Ukraine là một dấu hỏi”, David A. Deptula, cựu tướng không quân 3 sao Mỹ, từng tham chiến ở vùng Vịnh năm 1991 và Afghanistan năm 2001, nói. “Họ không làm chủ được bầu trời trong khi không quân Ukraine đã gây ra nhiều bất ngờ lớn”.

Trong những tuần qua, người Ukraine còn sáng tạo ra bài hát về máy bay không người lái Bayraktar. Quân đội Ukraine liên tục đăng video quay cảnh máy bay không người lái bắn cháy xe quân sự Nga. Một con vượn cáo mới chào đời ở vườn thú Kiev cũng được đặt tên là Bayraktar.

Quân đội Ukraine tung video phá hủy đoàn xe quân sự Nga.

Tuần trước, một quan chức Lầu Năm Góc xác nhận quân đội Ukraine đã thành công trong việc sử dụng máy bay không người lái Bayraktar để tấn công đoàn xe quân sự Nga ở ngoại ô Kiev.

Các máy bay Bayraktar cũng tham gia nhiệm vụ trinh sát, cung cấp tọa độ mục tiêu cho bộ binh và pháo binh Ukraine.

Những chiếc Bayraktar TB2 có sải cánh 12 mét, được chế tạo dựa vào phần lớn các thiết bị điện tử sản xuất ở Mỹ và Canada. Nhiều quốc gia Trung Đông, châu Phi và châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm đến mẫu UAV vũ trang này. Mỗi chiếc Bayraktar TB2 có giá khoảng 2 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với một chiến đấu cơ thực thụ.

Trong những năm qua, mẫu UAV này cũng rất thành công khi tham gia tấn công các mục tiêu ở Syria, Libya. 

Các chuyên gia quân sự đánh giá, những chiếc UAV TB2 không có khả năng phòng vệ, dễ dàng bị radar phát hiện và tốc độ hành trình thấp, chỉ đạt 130 km/giờ.

Trong khi đó, Nga sở hữu các tên lửa tầm xa và mạng lưới tên lửa phòng không nhiều lớp, dễ dàng có thể bắn rơi các mẫu máy bay không người lái như TB2.

“UAV TB2 có thành tích chiến đấu đáng kể, nhưng để đối đầu với toàn bộ các hệ thống phòng không Nga, nó hoàn toàn không có cơ hội”, Lauren Kahn, chuyên gia nghiên cứu các cuộc xung đột có sử dụng máy bay không người lái, tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở ở New York, nói.

Những chiếc UAV Bayraktar TB2 có giá thành sản xuất khoảng 2 triệu USD.

Những chiếc UAV Bayraktar TB2 có giá thành sản xuất khoảng 2 triệu USD.

Giới chức Lầu Năm Góc hiện chưa hiểu rõ tại sao Nga lại để cho các UAV TB2 của Ukraine tự do hoạt động trên bầu trời. Các hệ thống phòng không hay các chiến đấu cơ Nga dường như chưa hoạt động hiệu quả để hỗ trợ bộ binh đối phó với các mối đe dọa.

“Chúng tôi không nhận thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh và lực lượng không quân Nga”, John Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói. “Bộ binh Nga đôi khi hoạt động mà không có sự hỗ trợ từ trên không. Có điều gì đó khác thường ở đây”.

Ngược lại, Ukraine lại tỏ ra thành công trong việc ngăn chặn Nga sử dụng các máy bay không người lái do nước này sản xuất để truy lùng các nhóm binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ mai phục.

“Nga cũng sở hữu rất nhiều máy bay không người lái, hoàn toàn có thể tung vào chiến trường, nhưng điều đó chưa xảy ra”, Samuel Bendett, chuyên gia am hiểu về quân đội Nga tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, có trụ sở tại Washington, nói.

Theo ông Bendett, quân đội Nga sử dụng máy bay không người lái một cách hạn chế, có thể nhằm tránh khả năng bị bắn rơi và để lọt công nghệ vào tay phương Tây.

Ở thời điểm cuộc xung đột nổ ra, Ukraine có khoảng 20-50 chiếc Bayraktar TB2. Nga tuyên bố đã bắn rơi hàng chục chiếc. Nhưng đến nay, quân đội Ukraine vẫn đăng tải video quay cảnh mẫu UAV này bắn cháy xe quân sự Nga.

“Những gì được dự đoán trên lý thuyết không phải lúc nào cũng xảy ra đúng như trong thực tế. Cuộc xung đột này dường như diễn ra theo cách không giống như chiến lược quân sự mà Nga đề ra”, Michael Kofman, Giám đốc nghiên cứu về Nga tại C.N.A, một viện nghiên cứu quốc phòng ở Arlington, Mỹ, nói.

Video xe tăng Nga bị phá hủy ở thành phố Mariupol. Video do Sky News trích dẫn từ Vệ binh Quốc gia Ukraine.

Nhưng Nga không thể dễ dàng chiến thắng không có nghĩa là quân đội Ukraine thành công, ông Kofman nói. Cuộc xung đột càng kéo dài, Ukraine càng hứng chịu thiệt hại về quân sự, khi Nga bắt đầu thích ứng với môi trường chiến đấu kiểu mới.

Jack Watling, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia có trụ sở ở London, Anh, nói các máy bay không người lái của Ukraine đã rất thành công trong thời gian qua, khi Nga chưa thiết lập các hệ thống phòng không tối tân.

Ông Watling nói thêm rằng, khi các lực lượng Nga được tổ chức chặt chẽ hơn, tầm hoạt động tự do của những chiếc Bayraktar TB2 cũng vì vậy mà bị thu hẹp dần, theo Sky News.

“Những gì chúng ta thấy là việc quân đội Ukraine phải lựa chọn mục tiêu kỹ lưỡng trong mỗi lần đưa những chiếc Bayraktar TB2 còn lại cất cánh”, ông Watling nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace gần đây phát biểu trước Quốc hội, rằng “những chiếc TB2 đã chứng minh năng lực làm chậm hoặc ngăn chặn đà tiến công của quân Nga ở Ukraine”.

Các cảnh quay từ trên không về việc phá hủy các phương tiện quân sự Nga cũng trở thành một công cụ quan trọng phục vụ chiến tranh thông tin của Ukraine.

Việc quân đội Ukraine tung video phá hủy vũ khí Nga với tần suất cao, tạo ra cảm giác rằng Ukraine đang chiếm ưu thế. “Video cũng khiến người xem chú ý, vì chứng kiến một cuộc không kích cận cảnh với độ nét cao là điều không thường thấy trong các cuộc xung đột trước đây”, Aaron Stein, giám đốc nghiên cứu của Viện Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ, nói.

Ở thời điểm hiện tại, các UAV của Ukraine vẫn đang hoạt động, giới chức Quốc phòng Mỹ cho biết. Miễn là chúng vẫn có thể bay được và mang theo vũ khí, chúng vẫn sẽ có tác dụng răn đe quân đội Nga, ông Stein nói.

Loại vũ khí uy lực phương Tây ồ ạt chuyển đến Ukraine khiến Nga phải thay đổi chiến thuật?

Việc phương Tây cung cấp một loạt các tên lửa chống tăng cho Ukraine có khả năng làm thay đổi cục diện cuộc chiến, gây áp lực lên Nga trong việc huy động các binh sĩ tinh nhuệ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times, Sky News ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN