Vũ khí kỳ quặc nhất Đức Quốc xã từng chế tạo, cả thế giới hiện chỉ còn một chiếc
Chiến tranh thường thúc đẩy những đổi mới phi thường, đặc biệt là về vũ khí. Xe tăng hình cầu do Đức Quốc xã chế tạo trong Thế chiến II – là một trong những ví dụ cho điều này.
Xe tăng Kugelpanzer do Đức Quốc xã chế tạo (ảnh: Historicmysteries)
Năm 1945, Hồng quân Liên Xô lấy làm bất ngờ khi họ thu giữ được một chiếc xe tăng hình cầu sau khi đánh bại quân đội Nhật ở Mãn Châu. Mẫu xe tăng này có tên Kugelpanzer, do Đức chế tạo và hiện chỉ còn một nguyên mẫu duy nhất trên toàn thế giới. Nó được trưng bày trong Bảo tàng Xe tăng Kubinka (Moscow) như một minh chứng cho những ý tưởng kỳ quặc về vũ khí trong chiến tranh, theo Historicmysteries.
Suốt nhiều năm, không ít các chuyên gia vũ khí đã tổ chức các buổi thảo luận công khai về Kugelpanzer. Câu hỏi nhiều nhất được đưa ra là: Tại sao Đức Quốc xã lại chế tạo loại vũ khí lạ lùng như vậy?
Kugelpanzer là một cỗ xe tăng hạng nhẹ với lớp giáp tương đối mỏng. Nó được bọc trong 5mm thép và di chuyển nhờ một con lăn có đường kính 1,5 mét. Cỗ xe tăng này được chế tạo với kích thước chỉ đủ cho một người duy nhất điều khiển. Nó có vẻ ngoài khá giống với những chiếc ô tô mini thông minh mà ngày nay chúng ta thường thấy trên những bộ phim viễn tưởng. Trong xe tăng, binh sĩ có thể nhìn ra ngoài thông qua một khe nhỏ và bắn súng máy, theo Grunge.
Với lớp giáp mỏng và hỏa lực yếu, Kugelpanzer dường như khá phù hợp với tiêu chuẩn của loại vũ khí dành cho các nhiệm vụ ám sát, trinh sát, hơn là vũ khí có thể thay đổi cục diện chiến trường.
Nguyên mẫu xe tăng Kugelpanzer (ảnh: Historicmysteries)
Kugelpanzer được trang bị động cơ 25 mã lực. Về bản chất, động cơ của nó có nhiều điểm tương đồng với động cơ của những chiếc xe máy thời điểm bấy giờ. Theo tạp chí Russian Popular Mechanics, Kugelpanzer sẽ không thể chiến thắng trong một cuộc đua xe tăng bởi nó chỉ có thể đạt vận tốc tối đa khoảng 8km/giờ. Nếu bị đối phương phát hiện, Kugelpanzer khó có cơ hội thoát khỏi vũ khí chống tăng. Điểm cộng duy nhất của Kugelpanzer là kích thước nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ. Theo lý thuyết, loại xe tăng này có thể di chuyển dễ dàng trên nền đất yếu, đầm lầy và khó bị phát hiện.
Một số chuyên gia của Bảo tàng Xe tăng Kubinka nhận xét, Kugelpanzer được thiết kế để trở thành phương tiện do thám. Bộ giáp mỏng với một khẩu súng máy đồng nghĩa với việc Kugelpanzer không thể gây ảnh hưởng lớn đến cục diện Thế chiến II – nơi thi thố của những vũ khí có khả năng gây sát thương diện rộng.
Cũng có ý kiến cho rằng, chiếc xe tăng này có thể được thiết kế để làm vũ khí tự sát. Nó có thể đâm thẳng vào đội hình xe tăng đối phương.
Quan điểm Kugelpanzer là vũ khí tự sát không có gì là lạ khi trong Thế chiến II, quân đội Nhật Bản cũng chế tạo ra nhiều vũ khí tự sát như ngư lôi có người lái, bom bay… Tuy nhiên, ý tưởng này có vẻ không phù hợp với học quyết quân sự của Đức.
Trong quá khứ, trùm phát xít Adolf Hitler từng nhiều lần từ chối chiến lược tấn công liều chết. Ông ta cho rằng, những nhiệm vụ cảm tử không phải phong cách chiến đấu quyết liệt và khôn ngoan của binh sĩ Đức. Thay vào đó, các phương tiện quân sự không người lái được Đức ưa chuộng hơn, ví dụ như bom bay V1.
Theo Historicmysteries, dù được thiết kế để sử dụng cho bất cứ nhiệm vụ nào, Kugelpanzer cũng dễ dàng bị tiêu diệt nếu đụng độ với xe tăng thứ thiệt. Ngoài ra, Kugelpanzer không đáp ứng được phong cách chiến tranh với lối tấn công mạnh, chớp nhoáng, mang tính hủy diệt mà Đức áp dụng trong Thế chiến II. Như đã phân tích ở trên, Kugelpanzer quá “mỏng manh” và có hỏa lực yếu.
Đây được cho là 2 nguyên nhân lớn khiến Kugelpanzer bị Đức chuyển giao cho Nhật Bản. Có thể nói, trong Thế chiến II, xe tăng Kugelpanzer bị cho là vô dụng với quân đội Đức.
Xe tăng Sa hoàng khổng lồ của Nga (ảnh: History)
Đức Quốc xã không phải đội quân duy nhất nghĩ đến xe tăng hình cầu, Mỹ và Nga cũng được cho là có thiết kế tương tự. Năm 1936, Mỹ từng cho ra mắt nguyên mẫu xe tăng Texas Tumbleweed với thiết kế hình cầu và nhiều súng máy xung quanh. Loại xe tăng này không được sản xuất hàng loạt vì bộc lộ nhiều điểm yếu tương tự Kugelpanzer mà công nghệ thời bấy giờ chưa thể khắc phục, theo Hisrtory.
Nga cũng từng chế tạo một chiếc xe tăng khổng lồ có bánh hình tròn vào năm 1915. Với tham vọng tạo ra một vũ khí lớn, có thể khiến đối thủ phải khiếp sợ, kỹ sư người Nga Nikolai Lebedenko đã chế tạo chiếc xe tăng cao bằng tòa nhà 3 tầng, dài 18 mét, rộng 12 mét và nặng tới 60 tấn. Nó được đặt tên là xe tăng Sa hoàng.
Ưu điểm của xe tăng này là nó khá bắt mắt, còn nhược điểm là không thể di chuyển dù được trang bị động cơ lên đến 250 mã lực. Xe tăng Sa hoàng cuối cùng không thoát khỏi số phận trở thành đống sắt vụn.
Mặc dù không phát huy hiệu quả trong Thế chiến II, nhưng xe tăng Kugelpanzer được cho là đã truyền cảm hứng cho các chuyên gia vũ khí hiện đại. Sở hữu một đội quân xe tăng nhỏ gọn, di chuyển nhanh, tự động và có thể làm rối loạn đội hình đối phương là mơ ước của các cường quốc quân sự sự như Mỹ, Nga. Rất có thể trong tương lai, xe tăng hình cầu sẽ thực sự xuất hiện.
Trong suốt một năm, Hồng quân Liên Xô đã chiến đấu để mở đường tiến về Berlin với quyết tâm "kết liễu" Đức quốc xã.
Nguồn: [Link nguồn]