Vũ khí hạt nhân ngoài không gian của Nga đe dọa Mỹ
Mỹ thông báo cho quốc hội và các đồng minh ở châu Âu rằng vũ khí hạt nhân tiên tiến mới của Nga trong không gian có thể đe dọa mạng lưới vệ tinh rộng lớn của Mỹ.
Tờ The New York Times dẫn lời các quan chức giấu tên cho hay loại vũ khí tiêu diệt vệ tinh như vậy, nếu được triển khai, có thể phá hủy các hoạt động liên lạc dân sự, giám sát từ không gian và các hoạt động chỉ huy cũng như kiểm soát quân sự của Mỹ và các đồng minh.
Nga được cho là đang phát triển một loại vũ khí mới nhằm tiêu diệt các mạng lưới trên không gian của đối thủ. Ảnh: Reuters
Một cựu quan chức cho biết hiện tại Mỹ không có khả năng chống lại loại vũ khí như vậy để bảo vệ các vệ tinh của mình.
Thông tin nói trên đặt ra câu hỏi liệu Nga có đang chuẩn bị từ bỏ Hiệp ước ngoài vũ trụ năm 1967, cấm triển khai tất cả các loại vũ khí hạt nhân trên quỹ đạo hay không.
Tuy nhiên, Nga dường như chưa chuẩn bị triển khai loại vũ khí này nên nó không được xem là mối đe dọa khẩn cấp. Thông tin tình báo nói trên được Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Michael Turner công bố một phần hôm 14-2.
Ông kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden giải mật thông tin mà không nói cụ thể đó là gì.
Tuyên bố của ông Turner và quyết định chia sẻ thông tin với những nghị sĩ khác trong quốc hội đã khiến Mỹ xôn xao về nội dung thông tin tình báo.
Tuyên bố này đã khiến các quan chức Nhà Trắng tức giận vì lo ngại sẽ mất đi những nguồn thông tin quan trọng về Nga. Mặc dù ông Turner là đồng minh của Nhà Trắng về viện trợ Ukraine nhưng những phát ngôn của ông đã trở thành tâm điểm mới nhất trong mối quan hệ căng thẳng giữa chính quyền ông Biden và các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ.
Thông tin tình báo được lan truyền trong những ngày gần đây, dù được xem là quan trọng nhưng các quan chức cho biết đây không phải là cảnh báo về bất kỳ mối đe dọa nào sắp xảy ra. Tuy nhiên, ông Turner vẫn thúc giục công bố chúng.
Các quan chức Mỹ nhận định ông Turner đưa ra nhiều thông tin tình báo mới hơn dự kiến, có lẽ nhằm tạo áp lực buộc Hạ viện chấp nhận yêu cầu tài trợ bổ sung cho Ukraine mà Thượng viện đã thông qua trong tuần này.
Ngay sau phát ngôn của ông Turner, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tiếp tục tài trợ cho quân đội Ukraine tại phòng họp báo của Nhà Trắng.
Dù vậy, ông Sullivan vẫn từ chối trả lời câu hỏi về nội dung quan trọng trong thông báo của ông Turner mà chỉ nói rằng ông dự kiến gặp ông Turner trong ngày 15-2 (giờ địa phương).
Nguồn: [Link nguồn]
Quốc gia nào gần đây đã trở thành “cường quốc hạt nhân”? Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi tên Belarus.