Vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức mạnh ra sao?
Hiện chưa có bất cứ quy định hay hiệp ước quốc tế nào hạn chế hoặc cấm sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong khi Nga và Mỹ là hai quốc gia có số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn nhất.
Pháo bắn đạn hạt nhân của Mỹ bắn thử nghiệm vào năm 1953.
Trong khi học thuyết quân sự Nga luôn đặt các tên lửa tầm xa và máy bay ném bom trong tình trạng báo động cao để đối phó với một đợt tấn công phủ đầu của đối phương, vũ khí hạt nhân chiến thuật được cất giữ ở nhiều khu vực tuyệt mật trên khắp nước Nga và cần thời gian để đưa tới các bệ phóng, theo SCMP.
"Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga cần được đưa ra khỏi cơ sở lưu trữ và vận chuyển tới nơi khác. Điều này mất nhiều ngày và rất dễ để các vệ tinh quân sự phát hiện", Pavel Podvig, chuyên gia an ninh hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, nói.
Cho đến nay, giới chức Mỹ và châu Âu chưa nhận thấy Nga có dấu hiệu chuẩn bị như vậy. Mỹ và phương Tây bày tỏ quan ngại sau khi Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Moscow sẽ sử dụng mọi vũ khí hiện có để bảo vệ các vùng lãnh thổ Nga, bao gồm cả vùng lãnh thổ sáp nhập.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gần đây cho biết: "Tôi nghĩ rằng khó có khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân". Ông Wallace nói Anh đưa ra đánh giá dựa trên các cuộc tiếp xúc với các quan chức Ấn Độ và Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều có cuộc trò chuyện với ông Putin vào tháng trước.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật hay còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến trường hoặc vũ khí hạt nhân phi chiến lược, được thiết kế để sử dụng trong môi trường giao tranh thực tế. Ví dụ như đối phó với đợt tiến công lớn của đối phương bằng bộ binh và xe bọc thép, theo tờ The Conversation.
Theo CNN, vũ khí hạt nhân ngày nay được coi là vũ khí chiến thuật nếu sức công phá giới hạn ở mức từ 10 -100 kiloton (1 kiloton bằng 1.000 tấn thuốc nổ TNT).
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Dù không có khả năng hủy diệt cả một thành phố, vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn có thể gây thiệt hại tương đối lớn. Mỹ từng ném hai quả bom nguyên tử có sức công phá lần lượt là 15 và 21 kiloton xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản.
Alex Wellerstein, chuyên gia tại Viện Công nghệ Stevens ở New Jersey, Mỹ, nói sự khác biệt thực sự của vũ khí hạt nhân không nằm ở sức công phá mà là mục tiêu.
"Dù có sức công phá chỉ 15 kiloton, quả bom Mỹ ném xuống Nhật Bản vẫn được coi là vũ khí chiến lược vì mục tiêu tấn công nhằm gây hoang mang để buộc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện", chuyên gia Wellerstein nói.
Quân đội Mỹ hiện sở hữu khoảng vài trăm vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong đó 150 quả bom hạt nhân B61 đang được triển khai ở châu Âu.
Anh và Pháp đã loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật trong kho vũ khí hạt nhân. Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Israel cũng có một số vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Do học thuyết quân sự khác biệt, Nga hiện duy trì số vũ khí hạt nhân chiến thuật lớn nhất với số lượng khoảng 1.900.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được khai hỏa từ tàu chiến, máy bay hoặc các bệ phóng trên mặt đất, chủ yếu dưới dạng tên lửa không đối đất, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và bom.
Vũ khí hạt nhân chiến lược bị kiểm soát bằng các hiệp ước vũ khí ký giữa Nga và Mỹ, bao gồm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Trong khi đó, hiện chưa có bất cứ quy định hay hiệp ước quốc tế nào kiểm soát hoặc cấm sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Điều gây lo ngại trong trường hợp một cường quốc hạt nhân sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là nó có thể khiến căng thẳng vượt khỏi tầm kiểm soát.
"Một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng, kể cả trong trường hợp hạn chế, không có gì đảm bảo rằng các bên có thể kiểm soát và ngăn xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân toàn diện", Daryl Kimball, người đứng đầu một hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở ở Mỹ nói, theo SCMP.
Một số báo đưa tin tàu ngầm hạt nhân hàng đầu của Nga đã biến mất khỏi cảng ở Bắc cực, cùng với “vũ khí ngày tận thế”.
Nguồn: [Link nguồn]