Vũ khí giúp ngồi nhà bắn một phát chết tên khủng bố cách 3.200 km
Công nghệ hiện đại giúp người lính không phải ra chiến trường nhưng vẫn có thể đạt hiệu quả tối đa khi tấn công.
Binh sĩ Anh đang tinh chỉnh máy bay không người lái ở chiến trường Iraq.
Trên chiến trường, bên cạnh người lính và chỉ huy tài tình thì vũ khí hiện đại đóng vai trò rất quan trọng cho chiến thắng. Hiện nay, xu thế phát triển vũ khí đang đi theo nhiều hướng khác nhau, ưu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Loạt bài sau đây giới thiệu những loại vũ khí thông minh, ưu việt và sẽ sớm trở thành nền tảng cho chiến tranh tương lai. |
Cú bắn "thiện xạ" của người đứng ngoài 3.000 km
Trên tầng 2 của một căn nhà ọp ẹp tại thị trấn Abu Kamal, miền đông Syria, tay súng bắn tỉa IS chăm chú nhìn qua ống ngắm. Hắn vuốt nhẹ mồ hôi trên trán, căng não theo dõi mọi động tĩnh bên dưới. Từ chiếc xe bán tải, hai người đàn ông Syria bị còng tay, bịt mắt bước xuống. Theo sau họ là một số tên khủng bố IS khác chuẩn bị cuộc xử tử công khai.
Người dân vây kín xung quanh khu vực pháp trường. Họ không hề muốn tới đây để chứng kiến đồng bào của mình bị giết hại dã man, tuy nhiên họ chẳng còn cách nào khác. Nếu họ không tới, khủng bố IS sẽ mò tới tận nhà và giết hại họ.
Tay súng bắn tỉa vẫn chờ đợi. Hắn hy vọng cuộc hành hình diễn ra thật nhanh để không phải chứng kiến nạn nhân từ lúc bước đi bình thường tới khi ngã quỵ xuống đất. Mong ước của tay súng bắn tỉa đã được hiện thực hóa theo cách không ngờ tới.
Video máy bay không người lái của Anh diệt gọn khủng bố IS
Đám đông bên dưới nhốn nháo, chạy tán loạn. Những kẻ khủng bố IS cũng bất ngờ, chúng giương súng dáo dác tìm quanh nhưng không thấy bất kì chiếc máy bay nào khả nghi. Chúng bỏ hiện trường, leo lên xe phi hết tốc lực. Sau khi vụ việc diễn ra vài ngày, khủng bố IS mới biết rằng, người bấm nút khai hỏa giết chết đồng bọn của chúng ở cách hiện trường tới hơn 3.200 km.
Công nghệ tối tân
Sĩ quan điều khiển hỏa lực Johnny Stringer, người ấn nút khai hỏa từ xa tên lửa Hellfire từ máy bay không người lái của quân đội Anh, nói: “Chúng tôi phải tiêu diệt xạ thủ IS vì nếu nhắm vào đám đông, số người thương vong sẽ rất lớn”.
Chiếc máy bay không người lái mang tên Reaper được điều khiển từ căn cứ không quân phức hợp al-Udeid tại Qatar. Khoảng cách từ trung tâm này tới địa điểm IS tử hình nạn nhân lên tới 3.200 km. Những điều tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng đã được thực hiện ngay ở năm 2017.
Lần đầu tiên quân đội Hoàng gia Anh sử dụng máy bay không người lái và tiêu diệt thành công mục tiêu IS là năm 2015. Johnny nói: “Chúng tôi có thể do thám và tìm được bất kì kẻ khủng bố nào. Công nghệ vệ tinh hiện đại giúp chúng tôi theo dõi, quan sát khủng bố theo thời gian thực dù đang ở cách xa chúng hàng ngàn kilomet”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết cú bắn thiện xạ này sẽ mang về cho Johnny một tấm huân chương danh dự. Thành tích của Johnny có được, một phần nhờ công nghệ hiện đại ngày nay.
Ông Fallon nói: “Sự thay đổi về hình thức chiến tranh tạo ra nhiều cơ hội diệt mục tiêu mà không cần phải có mặt ở hiện trường. Dù vậy, chúng tôi hiểu được những thách thức xảy ra trong quá trình thao tác. Chỉ cần một sai sót, số người thiệt mạng là không đếm xuể”.
Vũ khí chiến đấu không tưởng
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper là thiết bị tự điều khiển, được phát triển bởi không quân Mỹ. Hiện nay, máy bay Reaper đang được sử dụng rộng rãi ở Anh, đặc biệt trong các chiến dịch truy quét khủng bố IS tại Syria và Iraq.
Nguyên Tổng tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng Michale Moseley nói: “Chúng tôi chuyển từ máy bay do thám, trinh sát sang thiết bị tìm-diệt cực kì hiệu quả với Reaper”. So với người tiền nhiệm MQ-1 Predator, Reaper có thể điều khiển từ mặt đất, mang được số vũ khí nhiều hơn 15 lần và bay xa hơn gấp 3 lần.
Reaper có thể bay với vận tốc 410 km/giờ, chở theo 340 kg vũ khí và bay ở độ cao trên 15.000 mét. Thiết bị này có thể bay liên tục 30 giờ không nghỉ và chỉ cần 2 người là có thể điều khiển được.
Máy bay Reaper có thể chở được tối đa 4 quả tên lửa Hellfire (lửa địa ngục). Đây là tên lửa đa nhiệm vụ, phát triển từ năm 1974 với tốc độ tấn công là 1.200 km/giờ. Hellfire sử dụng hiệu quả trong phạm vi 8 km và có thể diệt tăng hoặc xe bọc thép của đối phương.
Để điều khiển máy bay Reaper, tổ lái cần hai người ngồi trên mặt đất: phi công và kĩ thuật viên điều khiển cảm biến. Nhiệm vụ của phi công là điều khiển máy bay và người còn lại là kiểm soát mọi hệ thống cảm biến trên Reaper (chẳng hạn như hệ thống nhìn đêm hay camera hồng ngoại).
Thông thường, một phi đội Reaper sẽ gồm 4 chiếc được điều khiển bởi một tổ đội độc lập dưới mặt đất. Những người điều khiển có thể ở một căn cứ quân sự nào đó, ví dụ như Balad tại Iraq hay trong trường hợp diệt IS là từ căn cứ Qatar.
Khung cảnh xung quanh máy bay Reaper như màu sắc, cảnh quan sẽ được gửi trực tiếp từ vệ tinh ngoài không gian. Phi công có thể điều khiển Reaper nhờ camera gắn trên máy bay, giúp hình ảnh bên dưới trực quan và sống động hơn nhiều. Đây là camera giúp phi công có thể thực hiện tấn công đối phương bên dưới để đảm bảo độ chính xác cao nhất.
_____________
Loại vũ khí uy lực khủng khiếp, tạo ra vùng cháy hơn 400 mét và đốt sạch không khí của mọi sinh vật sống, sẽ được đề cập trong bài xuất bản ngày 26.10.
Loại vũ khí mới có thể vượt qua mọi hệ thống phòng không tối tân nhất trên thế giới.