"Vũ khí giấu mặt" nhưng tác động cực lớn ở chiến trường Ukraine
Trên chiến trường Ukraine, một hành động nhỏ như bật nguồn điện thoại di động có thể khiến binh sĩ và đơn vị của họ nhận "cơn mưa" lửa đạn chết chóc từ lực lượng pháo binh và máy bay không người lái (UAV) của đối phương.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga. Ảnh: Telegraph
Theo hãng tin AP, đó là tác chiến điện tử (EW), một khía cạnh quan trọng nhưng phần lớn là vô hình trong xung đột Nga - Ukraine.
Công nghệ EW nhắm vào các hệ thống như thông tin liên lạc, định hướng hay dẫn đường để xác định vị trí, gây nhiễu, đánh lừa đối phương và trực tiếp tung ra những cú đòn chí mạng. Công nghệ này được sử dụng để chống lại pháo binh, chiến đấu cơ, tên lửa hành trình, UAV và nhiều vũ khí khác. Quân đội các nước cũng sử dụng EW để bảo vệ lực lượng của họ.
Theo Forbes, xung đột ở Ukraine chứng kiến quân đội 2 nước sử dụng tác chiến điện tử với cường độ cao hơn bất kỳ cuộc xung đột nào trong lịch sử thế giới. Tờ New York Times cuối tháng 7/2023 từng đánh giá, tác chiến điện tử là một "vũ khí giấu mặt" phần lớn trong xung đột và khả năng trong lĩnh vực này của Nga vượt trội so với Ukraine.
Sự vượt trội của Nga
Xung đột ở miền đông Ukraine (2014) và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria (2015) đã thúc đẩy Nga phát triển năng lực tác chiến điện tử, Eurasian Times đưa tin.
Theo tờ Atalayar, trong cuộc xung đột ở Ukraine, Đại tướng Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga kiêm phụ trách chỉ huy chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine - đã lệnh cho các tiểu đoàn và lữ đoàn tác chiến điện tử chuyên biệt hỗ trợ các đơn vị tham gia chiến đấu ở Ukraine. Nhiệm vụ của các tiểu đoàn và lữ đoàn này là gây nhiễu, vô hiệu hóa và ngăn chặn các đường truyền tín hiệu của đối phương.
Khả năng gây nhiễu của các đơn vị EW Nga trở nên hiệu quả đến mức Ukraine, Mỹ và NATO, không còn tự tin rằng các loại bom lượn dẫn đường và vũ khí thông minh khác sẽ nhắm trúng mục tiêu ở chiến trường Ukraine. Đó là kết luận của Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) được tờ Business Insider đăng tải vào đầu tháng 7.
Cùng thời điểm, Eurasian Times đưa tin, các nhà phân tích và chuyên gia quân sự theo dõi cuộc xung đột ở Ukraine cảnh báo rằng, vũ khí thông minh do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã mất đi độ nhạy bén và không còn tấn công chính xác mục tiêu. Tất cả là do tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu.
Điều này cũng được chính quân đội Ukraine thừa nhận. Trong một cuộc phỏng vấn của Financial Times vào cuối tháng 6, ông Oleksiy Reznikov - khi đó còn là Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine - thừa nhận, hệ thống tác chiến điện tử của Nga có thể ngăn chặn các loại đạn dẫn đường định vị toàn cầu (GPS) và "hỏa thần" HIMARS. Ông Reznikov nói rằng, các loại đạn này "rất chính xác" nhưng các hệ thống EW của Nga đã tìm ra cách để làm giảm điều đó.
Từ việc được xem là loại vũ khí "thay đổi cuộc chơi" ở chiến trường Ukraine, HIMARS bị cho là "mất thiêng" khi gặp tác chiến điện tử Nga. Ảnh minh họa: Abaca
Vào tháng 5, các phương tiện truyền thông đưa tin, Nga thường xuyên chặn các cuộc tấn công bằng HIMARS của Ukraine nhờ sử dụng thiết bị gây nhiễu điện tử để gây nhầm lẫn cho hệ thống dẫn đường GPS của HIMARS, khiến tên lửa bắn trượt mục tiêu.
HIMARS từng được cho là một trong những vũ khí có thể "thay đổi cuộc chơi" mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Thực tế, nó giúp Kiev có những lợi thế nhất định kể từ lần đầu được sử dụng vào tháng 9/2022. Nhưng tới hè năm nay, lợi thế đó không còn.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, sau thời gian đầu bị HIMARS làm cho bối rối, quân đội Nga đã điều chỉnh chiến thuật để thích nghi. 5 nguồn tin của Mỹ, Anh và Ukraine nói với phóng viên CNN vào tháng 7 rằng, việc Nga sử dụng EW đã khiến HIMARS ngày càng kém hiệu quả trong vài tháng gần đây.
Một quan chức Lầu Năm Góc cho rằng: "Đây giống như một trò chơi mèo vờn chuột khi 2 bên cố gắng chặn việc gây nhiễu của nhau. Không rõ trò chơi này sẽ kéo dài bao lâu".
Việc "hỏa thần" HIMARS bị gây nhiễu còn đáng quan ngại hơn vì quân đội Ukraine phụ thuộc nhiều vào vũ khí này để tấn công cơ sở hạ tầng quân sự và hậu cần của Nga. Thực tế, HIMARS là một trong trong những vũ khí mà Kiev sử dụng buộc Moscow phải rút các thiết bị quân sự và chuyển căn cứ ra ngoài tầm bắn của loại pháo này.
Ngoài nhắm vào HIMARS, hệ thống tác chiến điện tử của Nga còn gây nhiễu bom thông minh JDAM. “Việc gây nhiễu không khiến bom JDAM ngừng hoạt động nhưng gây ảnh hưởng lớn đến độ chính xác của loại bom này”, Thomas Withington, nhà nghiên cứu của Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho hay.Tác động lên JDAM đặc biệt đáng kể, vì đây được cho là loại bom thông minh đơn giản nhất.
Chuyên gia Withington nhắc đến R-330Zh Zhitel, hệ thống gây nhiễu di động gắn trên xe tải, được thiết kế đặc biệt để phá vỡ liên lạc vệ tinh và GPS ở băng tần 100 MHz - 2 GHz.
"Tín hiệu từ các vệ tinh GPS của Mỹ sử dụng cho JDAM được truyền trên dải tần từ 1,1164 GHz tới 1,1575 GHz. Dải băng tần này nằm trong vùng hoạt động của hệ thống gây nhiễu R-330Zh Zhitel", ông Worthington phân tích.
Bên cạnh tên lửa HIMARS và bom JDAM, thiết bị gây nhiễu điện tử của Nga cũng làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và ngăn chặn các cuộc tấn công ngày càng tăng của UAV Ukraine.
Theo một bài viết gần đây của RUSI về chiến thuật của Nga, quân đội nước này "đã triển khai một hệ thống EW lớn mỗi 10km dọc theo chiến tuyến, thường cách tiền tuyến khoảng 7km". Việc gây nhiễu của các hệ thống này khiến tỷ lệ UAV Ukraine bị thất lạc lên tới 10.000 chiếc/tháng, theo ước tính của RUSI.
Nhiều UAV của Ukraine bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu. Ảnh minh họa: France24
Bài viết của RUSI còn cho rằng, lực lượng tác chiến điện tử của Nga cũng có "khả năng" chặn và giải mã các liên lạc vô tuyến của Ukraine. Trong một lần, quân đội Nga đã chặn và giải mã một tin nhắn vô tuyến của quân đội Ukraine đang thực hiện nhiệm vụ khai hỏa. Điều đó cho phép các chỉ huy Nga "cảnh báo" tới các đơn vị.
Tuy nhiên, theo Business Insider, tác chiến điện tử của Nga dù vượt trội so với Ukraine nhưng vẫn có hạn chế.
Việc phát ra các chùm tia gây nhiễu sẽ tiết lộ vị trí của thiết bị gây nhiễu. Ukraine dường như sẽ tận dụng điều này để xác định vị trí và phá hủy các thiết bị gây nhiễu của Nga. Ngoài ra, việc "bóp nghẹt" sóng bằng các chùm gây nhiễu mạnh cũng có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến và tín hiệu định vị vệ tinh của chính Nga.
Ukraine khó lường
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, khả năng tác chiến điện tử của Ukraine được chú trọng kể từ năm 2014 - khi xung đột xảy ra miền đông nước này.
Trang tin quân sự IHS Janes từng phân tích về một số hệ thống tác chiến điện tử đáng chú ý của Ukraine như Bukovel-AD, Nota, và Mandat-B1E R-330UM vào tháng 3/2022.
Bukovel-AD được thiết kế để đối phó với các UAV Orlan-10 của Nga. Do công ty tư nhân Proximus của Ukraine phát triển, Bukovel-AD được cho là có thể phát hiện các UAV hoạt động ở khoảng cách lên tới 100km, với tầm phát hiện hiệu quả của hệ thống này là trong phạm vi 50km.
Khi phát hiện UAV đối phương, Bukovel-AD sử dụng các biện pháp đối phó tần số vô tuyến (RF) để can thiệp vào liên kết dữ liệu giữa UAV và trạm điều khiển mặt đất của chúng. Nó có thể gây nhiễu tín hiệu điều khiển, đồng thời điều hướng GPS của Mỹ và hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GLONASS của Nga (có chức năng tương tự GPS), với phạm vi triệt tiêu tín hiệu tối đa là 16km. Bukovel-AD đã được triển khai ở vùng Donbass trước khi xung đột nổ ra (tháng 2/2022) để đối phó UAV Orlan-10.
Việc phe ly khai ở Donbass thường xuyên sử dụng UAV là động lực để Ukraine phát triển hệ thống tác chiến điện tử Nota. Nó được thiết kế để phát hiện và gây nhiễu UAV ở phạm vi tối đa 20km. Hệ thống này còn có khả năng gây nhiễu liên lạc di động trong phạm vi 1km.
Ngoài vai trò đối phó UAV, Nota còn cung cấp khả năng tìm hướng để phát các tín hiệu tần số vô tuyến. Tại triển lãm Vũ khí & An ninh 2019, nhà sản xuất Tritel đã giới thiệu phiên bản di động của Nota, cho phép nhóm điều khiển nhanh chóng di chuyển hệ thống tới vị trí mới.
Trên chiến trường, cả Bukovel-AD và Nota đều được Ukraine sử dụng để ngăn chặn hoặc hạn chế hoạt động của UAV Lancet (Nga. Tuy nhiên, một số binh sĩ Ukraine thừa nhận, ngay cả khi sử dụng Nota, rất khó có thể bắn hạ UAV Lancet.
"Chúng khó bắn hạ vì hoạt động như một quả bom thông minh hơn là UAV. Nota sẽ cố gắng gây nhiễu các UAV được cho là gửi tọa độ tới UAV Lancet. Nhưng ngay cả khi làm vậy, vẫn rất khó để vô hiệu hóa các UAV này vì chúng tôi không biết cách thức hoạt động của chúng", New York Times dẫn lời Marabu, binh sĩ Ukraine điều khiển hệ thống Nota.
Tháng 5/2023, một video, xuất hiện trên một kênh Instagram chuyên đăng tư liệu về lực lượng Nga tham chiến tại Ukraine, quay cảnh tổ hợp tác chiến điện tử Bukovel-AD của Ukraine bị tập kích bởi UAV Lancet của Nga. Điều này phần nào cũng cho thấy mức độ hiệu quả của Bukovel-AD không phải lúc nào cũng là 100%.
Hệ thống tác chiến điện tử Bukovel-AD. Ảnh: Inform Napalm
Tổ hợp gây nhiễu liên lạc vô tuyến Mandat-B1E R-330UM là một hệ thống được cải tiến. Nó được thiết kế để thu thập dữ liệu về các nguồn phát ra khí thải và sau đó phát tín hiệu gây nhiễu có mục tiêu hoặc gây nhiễu có chọn lọc ở một khu vực.
Ngoài các hệ thống kể trên, Ukraine còn nhận được các hệ thống EW khác từ các đồng minh phương Tây, trong đó có các hệ thống dựa trên công nghệ SDR (thiết bị vô tuyến cấu trúc mềm). Kiev được cho là đã sử dụng hệ thống chống UAV sử dụng bộ thu phát SDR của Mỹ cung cấp để gây nhiễu tín hiệu định vị vệ tinh của hàng trăm UAV Nga.
Từ đầu xung đột, Mỹ và Anh liên tục cung cấp các thiết bị gây nhiễu cho Ukraine cùng với một lượng thông tin tình báo khổng lồ giúp Kiev định vị các thiết bị gây nhiễu của Nga.
Theo trang web của tổ chức phi lợi nhuận AFCEA (trụ sở tại Mỹ), quân đội Ukraine cũng tận dụng các hệ thống gây nhiễu mà Washington cung cấp để can thiệp vào các hệ thống liên lạc vô tuyến chiến thuật của Nga.
Ngoài ra, Kiev còn khai thác điểm yếu từ các hệ thống tác chiến điện tử lớn của Moscow (kích thước lớn và hệ thống truyền tải công suất cao). Nhờ sử dụng thiết bị hỗ trợ điện tử của Mỹ, quân đội Ukraine đã ngăn chặn và phát hiện tín hiệu từ các hệ thống tác chiến điện tử Leer-3 hay Krasukha-4, tạp chí công nghệ quốc phòng Global Defence Technology đưa tin. Ukraine cũng đã chỉ đạo các cuộc phản công bằng UAV, pháo và tên lửa nhằm vào các hệ thống EW được gắn trên xe tải của Nga.
Gần đây, Ukraine còn chuyển hướng sang các xuồng không người lái (USV) trên mặt nước như các vụ tấn công vào cầu Crimea trong tháng 7 và tháng 9, và xuồng dưới mặt nước (UUV). Các loại xuồng này được cho là nằm ngoài tầm phủ sóng của hệ thống EW của Nga.
Nhìn chung, dù bị đánh giá là yếu hơn so với Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử, nhưng quân đội Ukraine dần cải thiện hiệu quả năng lực EW nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ Mỹ và phương Tây.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù quân đội Ukraine đã tăng sức mạnh nhờ vũ khí hiện đại của phương Tây, một tướng quân đội nước này vẫn phải thừa nhận, hệ thống phòng thủ của Nga gây khó khăn cho...