Lãnh đạo đối lập Hàn Quốc: Đối thủ từng thất bại trước Tổng thống Yoon

Sự kiện: Tin tức Hàn Quốc
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lãnh đạo đối lập Hàn Quốc Lee Jae-myung là người thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 nhưng sau đó nổi lên là lãnh đạo phe đối lập nắm quyền kiểm soát Quốc hội và cạnh tranh gay gắt với Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Lãnh đạo đối lập Hàn Quốc Lee Jae-myung (giữa) phát biểu tại tòa nhà Quốc hội hôm 3/12. Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images

Lãnh đạo đối lập Hàn Quốc Lee Jae-myung (giữa) phát biểu tại tòa nhà Quốc hội hôm 3/12. Ảnh: Chung Sung-Jun/Getty Images

Trước khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có quyết định gây sốc khi ban bố lệnh thiết quân luật, cuộc đối đầu giữa lãnh đạo đối lập Lee Jae-myung và ông Yoon từ lâu đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Tháng 6/2024, các công tố viên Hàn Quốc thuộc đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã truy tố ông Lee với cáo buộc chuyển trái phép 8 triệu USD cho Triều Tiên. Ông Lee bị cáo buộc có các hoạt động này khi còn là thống đốc tỉnh Gyeonggi. Ông từng công khai kế hoạch thăm Triều Tiên vào năm 2018, kế hoạch tiến triển vào năm 2019 nhưng bị hủy bỏ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Ông Lee đã bác bỏ cáo buộc, nói tại một cuộc họp của đảng Dân chủ đối lập: “Ai mà không biết việc chuyển tiền mặt cho Triều Tiên là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc". “Bên công tố đang đưa ra một tuyên bố thách thức lẽ thường mà bất cứ ai có suy nghĩ đều nhận thấy là vô lý", ông nói.

Về chính sách đối ngoại, ông Lee từng tuyên bố muốn tiếp nối các cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều như thời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông ủng hộ giải pháp dỡ bỏ có điều kiện các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng thực hiện các bước phi hạt nhân hóa.

Hôm 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban hành lệnh thiết quân luật “để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa từ Triều Tiên và dẹp bỏ các thế lực chống phá nhà nước thân Triều Tiên, cũng như bảo vệ trật tự hiến pháp tự do”. Quyết định này được cho là nhắm vào ông Lee và đảng Dân chủ đối lập DP.

Tuy nhiên, trước sức ép của dư luận và việc tất cả 190 nghị sĩ Quốc hội tham gia bỏ phiếu vào rạng sáng ngày 4/12 bác bỏ lệnh thiết quân luật, ông Yoon đã phải lùi bước, hủy bỏ lệnh này.

Từ công nhân lao động đến chính trị gia nổi bật

Quân đội Hàn Quốc cố gắng ngăn các chính trị gia xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội nhưng bất thành. Ảnh: AFP.

Quân đội Hàn Quốc cố gắng ngăn các chính trị gia xâm nhập vào tòa nhà Quốc hội nhưng bất thành. Ảnh: AFP.

Ông Lee Jae-myung sinh ra trong một gia đình nghèo, nơi cha mẹ ông phải làm công việc dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng để kiếm sống. Thời niên thiếu, ông từng làm việc trong các xưởng lao động để phụ giúp gia đình, thậm chí suýt mất bàn tay trái vì một tai nạn lao động.

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, ông Lee trở thành luật sư trong lĩnh vực lao động, bảo vệ quyền lợi cho công nhân trong suốt 20 năm. Đến giữa những năm 2000, ông chuyển sang xây dựng sự nghiệp  chính trị và nhanh chóng vươn lên hàng ngũ lãnh đạo của đảng Dân chủ Hàn Quốc (DP). Ông từng giữ các chức vụ như thị trưởng thành phố Seongnam và thống đốc tỉnh Gyeonggi.

Năm 2022, ông Lee tham gia tranh cử tổng thống với những chính sách xã hội gây chú ý, bao gồm đề xuất thu nhập cơ bản và các khoản vay được nhà nước bảo lãnh. Dù thất bại trước Tổng thống Yoon Suk Yeol với cách biệt dưới 1%, ông vẫn không rút lui khỏi chính trường.

Thách thức lớn cho Tổng thống Yoon

Không giống nhiều chính trị gia thất cử, Lee Jae-myung không hề rời khỏi ánh đèn chính trị. Ông nhanh chóng giành được một ghế tại Quốc hội và trở thành lãnh đạo đảng Dân chủ Hàn Quốc đối đầu với đảng cầm quyền PPP của ông Yoon. Tháng 4/2024, ông dẫn dắt đảng Dân chủ giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lập pháp, giành số ghế vượt trội tại Quốc hội và làm suy yếu chính quyền của Tổng thống Yoon.

Dưới sự lãnh đạo của ông Lee, Quốc hội liên tục bác bỏ các đề xuất ngân sách của chính phủ và ngăn chặn các chính sách cải cách. Đảng Dân chủ cũng thúc đẩy các nỗ lực luận tội một số đồng minh thân cận của Tổng thống Yoon, khiến căng thẳng giữa hai bên càng gia tăng.

Những tai tiếng và các cáo buộc pháp lý

Dù được xem là một biểu tượng chính trị tiến bộ, ông Lee Jae-myung không tránh khỏi những tranh cãi pháp lý. Tháng 11/2023, ông bị kết tội khai man về một vụ bê bối tham nhũng liên quan đến dự án phát triển khi ông còn là thị trưởng Seongnam. Tòa tuyên án ông một năm tù treo.

Ngoài ra, ông Lee còn đối mặt với các cáo buộc hối lộ và vi phạm pháp luật khác, mặc dù ông phủ nhận mọi tội danh. Đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon đã chỉ trích ông là “nghi phạm hình sự” và sử dụng các cáo buộc này trong các chiến dịch truyền thông. Tuy nhiên, phe đối lập cáo buộc ông Yoon sử dụng hệ thống tư pháp để đàn áp chính trị.

Không chỉ dừng lại ở những rắc rối pháp lý, đầu năm nay, ông Lee từng bị một người đàn ông cao tuổi tấn công bằng dao vào cổ trong một sự kiện công cộng. Kẻ tấn công cho rằng đất nước đang “rơi vào nội chiến” và tuyên bố muốn “xóa sổ phe thân Triều Tiên” mà ông Lee là ví dụ điển hình.

Tranh đấu chống thiết quân luật

Tối thứ Ba, Tổng thống Yoon bất ngờ tuyên bố thiết quân luật, viện lý do cần phải “xóa bỏ các thế lực chống phá nhà nước”. Ông Lee ngay lập tức kêu gọi các nghị sĩ tập trung tại Quốc hội để thông qua nghị quyết bác bỏ lệnh này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bắt tay lãnh đạo đối lập Lee Jae-myung (trái) trong một cuộc gặp hồi đầu năm nay. Ảnh: Yonhap.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bắt tay lãnh đạo đối lập Lee Jae-myung (trái) trong một cuộc gặp hồi đầu năm nay. Ảnh: Yonhap.

“Tôi và các đồng nghiệp sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền dân chủ,” ông Lee phát biểu trực tiếp trên mạng xã hội khi đang trên đường đến Quốc hội. Lời kêu gọi của ông đã thu hút hàng ngàn người dân kéo đến trung tâm Seoul.

Tại Quốc hội, các nghị sĩ và trợ lý đã sử dụng bàn ghế để chắn các lối vào nhằm cản trở quân đội, trong khi các đoạn video lan truyền trên mạng cho thấy binh sĩ đập vỡ cửa kính để xâm nhập. Một số trợ lý đã sử dụng bình chữa cháy để đẩy lùi lực lượng quân đội.

Sau những giờ căng thẳng, 190 nghị sĩ đã vào được bên trong tòa nhà Quốc hội, đa số là nghị sĩ đảng đối lập DP. Các nghị sĩ thông qua nghị quyết bác bỏ thiết quân luật với kết quả áp đảo 190-0. Quân đội sau đó phải rút lui và Tổng thống Yoon triệu tập nội các để hủy bỏ lệnh này.

Phe đối lập yêu cầu ông Yoon từ chức hoặc bị luận tội

Hiện tại, phe đối lập do ông Lee lãnh đạo đang gây sức ép buộc ông Yoon từ chức hoặc đối mặt với việc bị Quốc hội luận tội.

“Lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol là một sự vi phạm rõ ràng đối với hiến pháp. Nó không tuân thủ bất kỳ nguyên tắc nào”, phe Dân chủ tuyên bố. “Đây là hành động nổi loạn nghiêm trọng và là căn cứ hoàn hảo để luận tội ông Yoon”.

Quá trình luận tội cần sự ủng hộ từ đảng cầm quyền PPP do cần 200/300 nghị sĩ Quốc hội thông qua. Phe đối lập DP do ông Lee lãnh đạo và các đảng đối lập nhỏ khác nắm giữ 192 ghế, thiếu 8 ghế để có thể tự quyết định việc luận tội ông Yoon.

Nếu bị luận tội, ông Yoon sẽ bị tước bỏ quyền lực cho đến khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết về số phận của ông. Thủ tướng Han Duck-soo, người giữ vị trí số 2 trong chính phủ, sẽ tạm thời lãnh đạo cho đến khi Hàn Quốc tổ chức cuộc bầu cử trong 6 tháng tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Loạt cố vấn cấp cao Tổng thống Hàn Quốc, gồm Chánh văn phòng, Cố vấn An ninh Quốc gia,... đã đệ đơn từ chức sau vụ việc thiết quân luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - NYT, Korea Times ([Tên nguồn])
Tin tức Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN