Vụ bê bối tình dục chấn động Không quân Mỹ
Khi tình nguyện gia nhập hàng ngũ Không quân Mỹ với mơ ước trở thành phi công F-16, Virginia Messick, 19 tuổi có lẽ không bao giờ ngờ rằng cuộc đời cô sẽ sớm rơi vào bi kịch mà kẻ thực hiện bi kịch này lại chính là huấn luyện viên của cô ở căn cứ không quân Lackland, thành phố San Antonio, bang Texas...
1. Nhiều năm sau khi xảy ra vụ bê tối tình dục lớn nhất trong lịch sử Không quân Mỹ, Virginia Messick vẫn còn bàng hoàng mỗi khi nhớ lại. Cô nói: “Ngay từ lúc đặt chân vào trung tâm huấn luyện
Lackland, chúng tôi đã được yêu cầu phải nộp điện thoại. Mệnh lệnh do trung sĩ Luis Walker ban ra là trong suốt thời gian huấn luyện căn bản kéo dài 3 tháng, chúng tôi không được phép liên lạc với bất kỳ ai ở xã hội bên ngoài. Mọi thông tin về chúng tôi sẽ được Bộ chỉ huy Lackland thông báo đến từng gia đình...”.
Tân binh nam, nữ tại Căn cứ không quân Lackland.
Những tuần lễ đầu tiên trôi qua trong sự hành xác. Virginia kể: “Chúng tôi phải thức dậy lúc 5 giờ, chạy bộ 3km rồi tăng lên 5km và cuối cùng là 10km, chưa kể các bài tập thể hình khác như hít đất, nhảy xổm, bơi, hít xà ngang, vượt chướng ngại vật với ba lô chứa đầy quân trang… Nó vắt kiệt sức lực của chúng tôi đến nỗi đêm về, tất cả ngủ như chết khi vừa đặt mình xuống”.
Căn cứ Lackland là nơi tất cả tân binh của Lực lượng Không quân Mỹ phải trải qua khóa huấn luyện cơ bản.Tại đây có 475 giảng viên, phần lớn đều là nam giới, đào tạo 35.000 phi công tốt nghiệp hàng năm, từ trực thăng đến máy bay vận tải, tiêm kích, cường kích, trinh sát, săn ngầm… Virginia nói: “Cứ 5 tân binh thì có 1 người là nữ. Nói chung không hề có sự phân biệt đối xử giữa các giảng viên, học viên với nhau cho đến khi bi kịch xảy ra”.
Chiều ngày 21/4/2011, khi vừa kết thúc tuần huấn luyện thứ 4, Virginia được trung sĩ Luis Walker - là người trực tiếp chỉ huy một đại đội tân binh, trong đó có Virginia, gọi lên phòng làm việc của anh ta. Tại đây, sau vài lời hỏi han về sức khỏe, sinh hoạt, học hành, Walker nói một câu khiến Virginia sững người: “Tôi cho phép em được gửi email về nhà…”. Đưa tay chỉ vào chiếc máy tính đặt trên bàn, Walker nói tiếp: “Em có thể sử dụng nó. Đừng ngại gì cả vì chuyện này chỉ em và tôi biết”.
Theo Virginia, lúc ấy cô chỉ nghĩ rằng trung sĩ Walker hiểu được tâm lý của các học viên, tạm thời bị cách ly khỏi các mối giao tiếp xã hội nên anh ta xé rào. “Lập tức, tôi ngồi vào bàn và viết một email cho bạn trai tôi còn Walker ngồi gần cửa, hẳn là anh ta đề phòng nếu có ai đó bất ngờ đến”, cô nói.
Những ngày sau đó, quan hệ giữa Virginia với Walker vẫn bình thường, nghĩa là anh ta sẵn sàng phạt cô nếu cô làm sai điều lệnh huấn luyện, cứ như việc cho phép Virginia gửi email là việc chưa bao giờ xảy ra. Virginia nói: “Đến cuối tuần, một lần nữa Walker lại gọi tôi vào phòng, cho phép tôi đọc, gửi email” nhưng lần này, khi cô đang cắm cúi gõ phím thì Walker đến sau lưng cô, tay vòng qua cổ cô rồi luồn xuống ngực. TheoVirginia, lúc ấy cô rất hoảng hốt trước hành vi của hắn nên vừa hất tay Walker ra, cô vừa đứng dậy: “Trung sĩ, ông làm gì vậy?”. Có lẽ cũng đã lường trước phản ứng của Virginia, Walker nghiêm nghị: “Tôi chỉ đùa chút thôi mà! Nếu em không đồng ý, tôi sẽ không làm nữa”. Virginia nói tiếp: “Do xấu hổ và cũng sợ Walker đánh rớt trong kỳ thi kiểm tra kết thúc khóa huấn luyện nên tôi im lặng vì nếu rớt, điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải ra khỏi trường”.
Virginia cùng bạn trai tại phiên tòa xét xử Walker.
Cuối tuần lễ thứ 5 của khóa huấn luyện, Virginia được Walker phân công dọn dẹp giường ngủ của những học viên đã tốt nghiệp để lấy chỗ cho những tân binh mới nhập ngũ. Lúc cô ôm chồng khăn vào phòng tắm thì bất ngờ từ sau cánh cửa, Walker xuất hiện rồi lao vào, ôm chặt lấy cô. Virginia nói: “Hắn đè tôi xuống sàn nhà và cưỡng hiếp tôi. Hắn nói: “Nếu em la hét hay chống cự, em sẽ bị đuổi khỏi lực lượng không quân ngay lập tức. Ở đây tôi là Chúa. Sẽ chẳng ai tin bất cứ điều gì nếu em nói ra”.
Trước những lời hăm dọa của Walker, Virginia đành phải chọn cách im lặng nhưng sự im lặng của cô đã khiến Walker cho rằng hắn đã khuất phục được cô. Những ngày tiếp theo, cứ vài hôm hắn lại cưỡng bức cô một hoặc hai lần. Virginia nói: “Cuối cùng, tôi quyết định phải tố cáo hắn dù tôi biết rằng điều ấy sẽ khiến ước mơ bay bổng của tôi chấm dứt. Nhưng nếu tôi không nói ra, sẽ còn bao nhiêu nữ tân binh nữa, rơi vào bi kịch như tôi đã phải chịu đựng?”
2. Tháng 9/2011, Virginia gửi đơn tố cáo Walker lên Ban huấn luyện căn cứ không quân Lackland. Sau vài ngày, có 2 điều tra viên đến gặp cô. Virginia kể: “Ngay từ những phút đầu tiên, họ đã phủ đầu tôi bằng câu: “Tương lai trở thành phi công của cô sẽ được quyết định bằng lời khai của cô. Chúng tôi đã làm việc với trung sĩ Walker và lời tường thuật của Walker khác hẳn với những gì mà cô đã tố cáo”.
Theo Virginia, bầu trời như sụp đổ sau câu nói ấy. Trong thoáng chốc, cô hiểu rằng tất cả bọn họ đã thông đồng để bao che nhau. Cô nói: “Suốt buổi làm việc, cả hai điều tra viên đều khéo léo gợi ý cho tôi rằng giữa tôi và Walker đồng ý quan hệ tình dục. Như vậy, tôi chỉ bị khiển trách chứ không bị đuổi”.
Tối hôm ấy, lần đầu tiên Virginia đem chuyện cô bị Walker cưỡng hiếp ra kể với một bạn nữ đồng khóa. Rất bất ngờ, cô bạn này cho biết cô cũng đã từng bị trung sĩ Peter Vega Maldonado, huấn luyện viên ở căn cứ Lackland thực hiện hành vi đồi bại nhiều lần. Lời kể của người bạn đã khiến Virginia có thêm động lực nên mấy hôm sau, khi Walker gọi cô vào phòng để “đọc và viết email cho gia đình”, cô cắn răng cho hắn làm nhục cô thêm một lần nữa. Virginia kể: “Tôi gửi một tin ngắn cho tờ New York Times, trong đó tôi viết tôi và một bạn nữ khác ở Căn cứ không quân Lackland đã bị huấn luyện viên Walker và Peter hiếp dâm nhiều lần”.
Ngay sau khi tờ New York Times chạy tin này lên trang nhất, thiếu tướng Woodward, Chỉ huy trưởng căn cứ
Lackland gọi cô lên. Trước những lời tường thuật của Virginia, trong đó cô mô tả thời gian, nơi chốn và thủ đoạn của Walker đồng thời bị điều tra viên ép phải viết tường trình rằng giữa cô và Walker có sự đồng thuận, tướng Woodward đã ra lệnh thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt trong lúc 80 nghị sĩ quốc hội yêu cầu tổ chức một cuộc điều trần. Việc điều tra kéo dài gần 1 năm với kết quả cho thấy đã có 62 nữ học viên là nạn nhân của những vụ cưỡng dâm, gây ra bởi 32 giảng viên, kéo dài từ 2009 đến 2012, trong đó trung sĩ Peter Vega-Maldonado thừa nhận có quan hệ tình dục với 9 nữ tân binh và đã thỏa thuận nhận tội để đổi lấy mức án nhẹ.
Với trung sĩ Walker, thoạt đầu hắn ta chối bỏ tất cả những cáo buộc. Trước sau hắn đều cho rằng việc quan hệ tình dục với Virginia là “có sự đồng tình và cô ta đã xác nhận điều ấy trong bản khai với điều tra viên”. Mark Ryan, đặc vụ của Văn phòng điều tra đặc biệt Không quân cho biết theo lời Walker thì
“Virginia là một học viên vô kỷ luật, thường lợi dụng lúc được phân công dọn dẹp văn phòng của hắn để lén lút gửi email, truy cập Facebook, tung lên những thông tin sai sự thật về đời sống quân ngũ…”. Tuy nhiên khi được hỏi bằng cách nào mà Virginia biết mật khẩu mở máy tính của hắn trong lúc theo nguyên tắc, nó được bảo mật 2 lớp thì Walker ngồi im. Một lát sau hắn mới ấp úng: “Do tính tôi hay quên nên chắc là tôi đã viết mật khẩu vào một tờ lịch hay cuốn sách nào đó, và cô ta đã đọc được…”.
Luis Walker khi còn là huấn luyện viên ở Lackland.
3. Tháng 12/2012, tòa án quân sự mở phiên xét xử 8 huấn luyện viên, trong đó có Walker, lúc này đã bị lột lon trung sĩ đồng thời tước bỏ tất cả các chức vụ trong lực lượng không quân, tất cả đều bị cáo buộc tội danh cưỡng hiếp và tấn công tình dục. Trước tòa, thiếu tá Patricia Gruen, một trong những công tố viên đã mô tả Walker là một “kẻ săn mồi hoàn hảo” và là một “con sói đội lốt cừu”. Bà cho biết với tư cách huấn luyện viên quân sự, Walker chịu trách nhiệm đào tạo những tân binh trở thành phi công nhưng đã lạm dụng quyền hạn của mình để cưỡng bức tình dục. Bà nói: “Hầu hết nữ tân binh đều không trình báo việc bị cưỡng hiếp vì họ tin rằng lời nói của họ sẽ không được coi là nghiêm trọng, những kẻ săn mồi biết rằng chúng có thể thoát tội. Vì vậy chúng ta, với tư cách là một quốc gia, cần phải tự hỏi tại sao chúng ta lại để vấn đề này kéo dài hàng thập kỷ”.
Với Virginia, lúc bị thiếu tá Naomi Dennis, một trong những luật sư của Walker chất vấn, cô đã trả lời rằng: “Vào thời điểm đó, ai sẽ tin tôi? Làm sao tôi có thể báo cáo khi người mà tôi phải báo cáo lại là người đã cưỡng hiếp tôi? Tôi đã nhiều lần chống cự nhưng anh ta dọa là tôi sẽ bị đuổi khỏi không quân vì tội vu khống. Tương lai, sự nghiệp của tôi sẽ kết thúc, mà kết thúc trong ô nhục…”.
Cuối cùng, tháng 7/2013, sau gần 1 năm xét xử, hội đồng thẩm phán tòa án quân sự Mỹ đã buộc Walker phải chịu trách nhiệm 28 tội danh, bao gồm hiếp dâm, quan hệ tình dục cưỡng bức, tấn công tình dục nghiêm trọng, đe dọa người khác, ngụy tạo chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội…, với mức án 20 năm tù giam. Bên cạnh đó, tòa thông báo còn 8 vụ án hiếp dâm, cũng xảy ra tại căn cứ Lackland đang chờ xử lý với 15 bị cáo là huấn luyện viên cùng 2 sĩ quan cao cấp đã bị cách chức. Chưa hết, tòa còn yêu cầu căn cứ Lackland phải thành lập Đơn vị xử lý đặc biệt nhằm làm rõ những vụ cưỡng hiếp nữ học viên, xảy ra từ năm 2009 đến năm 2012 mà 32 nạn nhân chưa dám lên tiếng tố cáo, cũng như phải có biện pháp ngăn chặn.
Sau khi bị kết án, Walker thụ hình tại trại giam Fort Leavenworth, thành phố Kansas, bang Missouri. Một đêm thứ bảy cuối tháng 9/2014, Walker thắt cổ tự tử trong buồng giam. Được đưa đến bệnh viện Kansas cấp cứu, Walker chết vào tối chủ nhật.
Với Virginia, sau khi phiên tòa kết thúc, cô cũng xin ra khỏi không quân. Những năm sau đó, cô mắc phải chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý. Phải mất gần 5 năm điều trị, Virginia mới có thể lấy lại cuộc sống bình thường.
Hiện tại, Virginia đã có chồng và có 1 con gái. Theo lời chồng cô thì “chứng rối loạn căng thẳng kéo dài đến nỗi thời gian đầu khi mới lấy nhau, Virginia thường co rúm người lại mỗi khi tôi đụng chạm vào cô ấy”. May mắn là với sự trợ giúp của các bác sĩ tâm lý và sự nhẫn nại của chồng, Virginia đã có thể làm vợ theo đúng nghĩa.
Theo một khảo sát của Lầu Năm Góc, chỉ riêng trong năm 2011, có 3.192 báo cáo về các vụ tấn công tình dục, xảy ra tại hầu hết các binh chủng của quân đội Mỹ. Trong số đó, chỉ 240 vụ bị đưa ra xét xử và chỉ 191 vụ bị kết án.Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cho biết con số thực tế có thể lên đến gần 20.000 và điều đó có nghĩa là chỉ 1% nạn nhân chứng kiến những kẻ đã hãm hiếp họ phải đối mặt với công lý. Ông Leon Panetta nói: “Họ gia nhập quân đội là để bảo vệ đất nước nhưng đáng buồn thay, quân đội lại không bảo vệ được họ và họ cũng không thể tự bảo vệ lấy chính bản thân mình…”.
Cảnh sát bang Texas tuần trước thực hiện chiến dịch giăng bẫy, trong đó một nữ sĩ quan giả làm trẻ vị thành niên để dụ những kẻ muốn quan hệ tình dục và điều bất ngờ...
Nguồn: [Link nguồn]