Vụ bắt nữ tướng Huawei: Vì sao TQ "nạt nộ" Canada, nhẹ giọng với Mỹ?

Trung Quốc có lý do để tập trung công kích Canada nhiều hơn là cảnh cáo Mỹ, sau vụ bắt giám đốc tài chính tập đoàn Huawei.

Vụ bắt nữ tướng Huawei: Vì sao TQ "nạt nộ" Canada, nhẹ giọng với Mỹ? - 1

Giám đốc tài chính Huawei bị bắt ở Canada hôm 1.12.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đã tăng cường sức ép nhằm vào Canada, khi yêu cầu nước này thả giám đốc tài chính Huawei, Sabrina Meng Wanzhou, ngay lập tức.

Ngay trong tối ngày 8.12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng đã triệu đại sứ Canada John McCallum để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” nếu không thả ngay bà Meng.

Truyền thông Trung Quốc, bao gồm cả các tờ báo chính thức cũng chuyển hướng sang chỉ trích Canada vì vụ bắt giữ bà Meng, thay vì Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng triệu đại sứ Mỹ, yêu cầu ngừng lệnh dẫn độ bà Meng, nhưng ngôn từ rõ ràng nhẹ nhàng hơn nhiều so với khi nhắc đến Canada.

Thứ trưởng Le để ngỏ khả năng đáp trả Mỹ, khi nói rằng “Trung Quốc sẽ phản hồi thích hợp với hành động của Mỹ”.

Một tòa án ở New York đã yêu cầu dẫn độ bà Meng sang Mỹ để xét xử, với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận Iran của Mỹ.

Bà Meng bị bắt hôm 1.12, đúng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đàm phán ở Argentina.

Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Trung Quốc, nói vụ việc bị rùm beng vì Washington muốn gây khó dễ cho Bắc Kinh trong đàm phán thương mại.

Trung Quốc đã đồng ý đàm phán với Mỹ trong 90 ngày để tìm thỏa thuận mà hai bên cảm thấy chấp nhận được. Vậy nên rất khó để Trung Quốc tuyên bố ngừng đàm phán.

“Chúng ta phải nhìn rộng ra và xem đâu là ưu tiên hàng đầu”, ông Wang nói. “Đàm phán thương mại giữa hai nhà lãnh đạo không nên bị gián đoạn”.

Bộ Ngoại giao và Bộ tài chính Trung Quốc cũng không liên hệ vụ bắt giữ bà Meng với đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Một mặt Bắc Kinh cảnh báo mạnh mẽ Canada, mặt khác lại tích cực đàm phán xoa dịu chiến tranh thương mại với Mỹ, theo SCMP.

Chen Fengying, nhà nghiên cứu Trung Quốc nói không cần liên hệ hai vụ việc với nhau vì Trung Quốc có thể gây sức ép thông qua “kênh ngoại giao”.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đồng tình khi cho rằng đàm phán thương mại Mỹ-Trung không nên bị gián đoạn. “Đây là vấn đề pháp luật. Nó không liên quan đến chính sách của Mỹ”.

Ngược lại, Bắc Kinh đang công kích mạnh mẽ Canada. Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Bắt bà Meng không phải là điều tốt với lợi ích quốc gia Canada. Nếu Canada giao người cho Mỹ thì Washington cũng không biết ơn, mà còn bị Bắc Kinh đáp trả mạnh mẽ”.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ cân nhắc cấm vận Canada. Công chúng sẽ yêu cầu chính phủ trừng phạt nghiêm khắc Canada”, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Tòa án Canada hiện đang cân nhắc việc có cho bà Meng đóng tiền tại ngoại hay không. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, tòa án Canada phải cho bà Meng “tự do hoàn toàn”.

Ngược lại, phía Canada cho rằng họ không thể can thiệp vào hệ thống tư pháp và rằng, mọi chuyện liên quan đến pháp luật hãy để tòa án quyết định.

Cái cớ thật sự của Mỹ đằng sau vụ bắt giám đốc tài chính Huawei

Bà Wanzhou Meng, giám đốc tài chính của hãng công nghệ Huawei (Trung Quốc) vừa bị bắt tại Canada vì nghi vi phạm các biện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN