Vụ B-2 ném bom Đại sứ quán TQ khiến Mỹ phải xin lỗi

Các máy bay ném bom chiến lược hiện đại B-2 của Mỹ tấn công hàng trăm mục tiêu của Nam Tư cũ nhưng Washington cũng phạm phải sai lầm lớn với Trung Quốc.

Vụ B-2 ném bom Đại sứ quán TQ khiến Mỹ phải xin lỗi - 1

B-2 hiện là máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất của không quân Mỹ.

Theo National Interest, chiến dịch ném bom Nam Tư cũ bắt đầu vào ngày 24.3.1999, sau khi đàm phán về việc ngừng đàn áp người Albania ở Kosovo thất bại.

Kosovo muốn tuyên bố độc lập còn Nam Tư cũ muốn duy trì quyền kiểm soát khu vực chiến lược này. Các mục tiêu của quân đội Nam Tư đều bị oanh tạc dữ dội. Máy bay NATO do Mỹ dẫn đầu còn không kích cả mục tiêu chính trị ở Belgrade (ngày nay thuộc Serbia).

Trong chiến dịch kéo dài 78 ngày, các máy bay NATO đã nã xuống Nam Tư 28.000 quả bom và các vũ khí khác. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, William Cohen khi đó nói đây là “chiến dịch oanh tạc chính xác nhất trong lịch sử không quân”.

500 thường dân thiệt mạng trong suốt 78 ngày ném bom được coi là con số thấp, so với số lượng bom đạn ném xuống quốc gia có kích thước chỉ tương đương bang Ohio ở Mỹ.

Quan chức NATO khẳng định đã lựa chọn mục tiêu một cách kỹ lưỡng và các nhà hoạch định quân sự đã hết sức nỗ lực để giảm thương vong đến mức tối thiểu đối với thường dân.

Tuy nhiên, ngày 7.5.1999, đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade bất ngờ trúng 5 quả bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM từ oanh tạc cơ chiến lược B-2. Bom JDAM có trọng lượng từ 227kg đến 907kg tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công.

Vụ B-2 ném bom Đại sứ quán TQ khiến Mỹ phải xin lỗi - 2

Bom JDAM nổi tiếng bởi khả năng tấn công mục tiêu chính xác nhờ dẫn đường bằng vệ tinh.

Vụ việc gây chấn động ở thời điểm đó đã khiến Shao Yunhuan, phóng viên Tân Hoa Xã và phóng viên Xu Xinghu cùng vợ Zhu Ying của tờ Guangming Daily thiệt mạng. 20 người Trung Quốc khác bị thương, 5 người bị thương nặng.

Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã phải đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi với Trung Quốc. Trong cuốn hồi ký “Cuộc đời” xuất bản năm 2004, ông Clinton nói đã gọi điện ngay lập tức cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân nhưng không nhận được hồi âm.

Phía NATO nói không kích nhầm mục tiêu Trung Quốc vì tưởng đây là tòa nhà được phía Nam Tư sử dụng với mục đích quân sự.

Thứ trưởng ngoại giao phụ trách Các vấn đề chính trị khi đó là Thomas Pickering thừa nhận sai lầm cơ bản trong 3 vấn đề.

Thứ nhất, kỹ thuật định vị mục tiêu tấn công là trụ sở Tổng cục cung cấp vật tư hậu cần Nam Tư (FDSP) có sai sót nghiêm trọng. Thứ hai, dữ liệu để đối chiếu kiểm tra mục tiêu của quân đội và cơ quan tình báo không có vị trí chính xác của sứ quán Trung Quốc. Thứ ba, quá trình kiểm tra chéo đều không phát hiện ra hai sai sót trên. Không có bất cứ ai nêu ý kiến mục tiêu không phải trụ sở FDSP mà là đại sứ quán Trung Quốc.

Vụ B-2 ném bom Đại sứ quán TQ khiến Mỹ phải xin lỗi - 3

Người Trung Quốc biểu tình phản đối Mỹ năm 1999.

Ông Pickering thừa nhận quan chức ngoại giao Mỹ và NATO thường xuyên lui tới khu vực này trong 4 năm qua nhưng địa điểm thực tế lại không được cập nhật vào danh sách mục tiêu “không tấn công” trong kho dữ liệu của quân đội.

Vụ việc đã tạo ra làn sóng chống Mỹ dữ dội trên khắp Trung Quốc. Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh và tòa nhà ngoại giao ở các thành phố khác đều trở thành mục tiêu của những người biểu tình quá khích.

Hầu như người Trung Quốc nào khi đó cũng tin rằng vụ tấn công đại sứ quán ở Belgrade là cố ý. Thậm chí quan chức chính phủ Trung Quốc cũng không tin rằng, quân đội Mỹ lại không kích nhầm bởi một tấm bản đồ lỗi thời.

Vụ oanh tạc dù cố ý hay vô tình cũng tạo ra làn sóng phản đối thế lực bên ngoài mạnh mẽ. Nhiều người Trung Quốc sống qua giai đoạn chiến tranh đều coi đây là cách Mỹ khiến Bắc Kinh bẽ mặt.

Cùng thời điểm, chính phủ Trung Quốc âm thầm ủng hộ làn sóng chống Mỹ. Các rạp chiếu phim Trung Quốc bị cấm chiếu phim Mỹ và các đài phát thanh từ chối phát bài hát Mỹ nhằm thể hiện thái độ phản đối.

Người biểu tình quá khích ném đá, chai lọ, gạch và thậm chí cả bom xăng vào đại sứ quán Mỹ ở bắc Kinh.

Vụ B-2 ném bom Đại sứ quán TQ khiến Mỹ phải xin lỗi - 4

Ông Clinton đã nhiều lần lên tiếng xin lỗi nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân về sự cố năm 1999.

Một tuần sau, ông Clinton cuối cùng cũng điện thoại cho Giang Trạch Dân. “Tôi nhắn lại lời xin lỗi và nói với Giang Trạch Dân: Tôi tin chắc ông hẳn không tin tôi cố ý ném bom sứ quán của ông”, Bill Clinton viết trong hồi ký.

Giang đáp lại rằng ông tin Bill Clinton không ra lệnh làm như vậy nhưng chắc chắn có người trong nội bộ Mỹ bất bình về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Giang Trạch Dân cũng không tin là một nước có kỹ thuật tiên tiến như Mỹ lại phạm phải sai lầm vậy, ông Clinton viết.

Cuối cùng, Trung Quốc chấp nhận phương án bồi thường 4,5 triệu USD của Mỹ cho các nạn nhân trong vụ ném bom. Dù có thông tin cho rằng con số này thấp hơn mức 7 triệu USD mà Bắc Kinh yêu cầu.

Trung Quốc cũng thể hiện thành ý khi bồi thường thiệt hại liên quan đối với đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.

Có thể nói, vụ việc trở thành vết đen khó xóa nhòa trong quan hệ Mỹ-Trung. Việc một cường quốc quân sự với các trang thiết bị vũ khí hiện đại như Mỹ lại có thể ném bom nhầm cũng tạo ra nhiều hiệu ứng tiêu cực cho đến nhiều năm sau.

Máy bay ném bom B-2 ”sẵn sàng chiến tranh gấp 1.000 lần”

Loại chip mới nhanh gấp 1.000 lần vi xử lý cũ và tăng tính sẵn sàng chiến đấu của máy bay ném bom tàng hình B-2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN