Vụ án oan tồi tệ nhất trong lịch sử Anh được đưa ra ánh sáng nhờ phim truyền hình
Sau nhiều năm trì hoãn, các nạn nhân của một trong những sai lầm pháp lý tồi tệ nhất trong lịch sử Vương quốc Anh cuối cùng được minh oan, nhờ một bộ phim truyền hình.
Các nhân vật trong phim "Mr. Bates đấu với Bưu điện" trên ITV.
Hơn 700 người bị kết án với tội lỗi mà họ không hề phạm phải. Đã xảy ra ít nhất 4 vụ tự tử, một phụ nữ bị tống vào tù khi đang mang thai. Nhiều người lâm vào cảnh phá sản, hôn nhân tan vỡ, cuộc đời tan vỡ.
Những chi tiết gây sốc về một trong những vụ xử án tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh đã được báo cáo trong nhiều năm nhưng vẫn không đủ gây chú ý, bất chấp nỗ lực mạnh mẽ của các nhà vận động và nhà báo điều tra.
Cho đến tuần trước, một bộ phim truyền hình dài tập hấp dẫn của ITV mang tên “Mr. Bates đấu với Bưu điện”, bắt đầu phát sóng từ ngày 1/1, đã làm được điều mà các chính trị gia lảng tránh suốt một thập kỷ, buộc Chính phủ Anh phải hành động.
Chương trình thể hiện một cách kịch tính số phận của hàng trăm người điều hành các chi nhánh của Bưu điện trên khắp nước Anh đã bị buộc tội sai về hành vi trộm cắp, sau khi hệ thống công nghệ thông tin Horizon bị lỗi, gây ra những sai sót trong kế toán.
Từ năm 1999 - 2015, những người đó bị Bưu điện liên tục đưa ra toà vì những tổn thất tài chính chưa bao giờ xảy ra. Một số người bị bỏ tù, hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và một số đã tự tử.
Dưới sức ép của dư luận, ngày 10/1 vừa qua, Thủ tướng Rishi Sunak hứa sẽ ban hành luật mới để minh oan và bồi thường cho tất cả các nạn nhân, nhằm mang lại công lý cho những người nhiều năm chịu án oan.
Tuần trước, cảnh sát bất ngờ tuyên bố sẽ điều tra các quan chức Bưu điện, những người đã từ chối thừa nhận trong nhiều năm rằng có sai lầm trong hệ thống thống kê.
Paula Vennells, một trong những ông chủ cũ của Bưu điện, đã trả lại huân chương được Nữ hoàng trao tặng năm 1999, sau khi hơn 1 triệu người ký đơn yêu cầu tước vinh dự này.
Những cuộc đời bị phá hỏng
Những diễn biến này đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào một chương trình truyền hình làm được điều mà rất nhiều nhà báo và chính trị gia nỗ lực hơn 1 thập kỷ vẫn chưa thành công?
“Phim truyền hình được thiết kế để chạm tới trái tim bạn. Đó là thứ hiệu quả suốt hàng nghìn năm nay”, Gwyneth Hughes, tác giả kịch bản chương trình “Mr. Bates đấu với Bưu điện” nói.
Mattias Frey, giáo sư truyền thông tại Đại học London, nói rằng bộ phim cho thấy sức mạnh của truyền hình trong thay đổi nhận thức của công chúng và tạo ra “khoảnh khắc mang tính bước ngoặt” gây tranh luận sôi nổi trong công chúng.
Ngay cả Patrick Spence, nhà sản xuất chương trình, cũng ngạc nhiên về hiệu ứng mà chương trình tạo ra. Trước khi chương trình lên sóng, Spence nói với nhóm của mình rằng họ không nên nản lòng nếu xếp hạng ở mức khiêm tốn, vì phải cạnh tranh với nhiều chương trình khác.
Một ngày sau khi bộ phim bắt đầu, ông được một đồng nghiệp thông báo rằng hơn 3,5 triệu người đã xem tập đầu tiên. “Tôi tưởng mình đã nghe nhầm”, Spence nói. Theo ITV, hơn 9 triệu người đã xem bộ phim này.
Là một tổ chức gắn liền với cuộc sống của người Anh, Bưu điện quen với việc được miêu tả theo cách hiền lành và tử tế như trong chương trình truyền hình nổi tiếng dành cho trẻ em “Người đưa thư Pat”.
Điều tra chính thức về vụ bê bối bắt đầu từ năm 2020 và hơn 148 triệu bảng Anh đã được bồi thường cho các nạn nhân. Năm 2019, 555 giám đốc chi nhánh bưu điện đã thành công khi kiện Bưu điện lên Tòa án tối cao.
Tuy nhiên, trong số 700 bản án hình sự, đến nay chỉ có 93 bản án được làm rõ. Tốc độ chậm chạp khiến các nhà hoạt động phẫn nộ.
Kể từ khi bộ phim của ITV được phát sóng, nhiều nạn nhân đã ra trình báo nhưng hàng chục người khác đã chết trước khi họ kịp nhận tiền bồi thường. Khi Horizon tuyên bố các tài khoản chi nhánh bưu điện bị thâm hụt, những người quản lý phải bù đắp khoản thiếu hụt theo hợp đồng.
Một số người phải dùng tiền tiết kiệm của mình để tránh bị truy tố, dù họ chắc chắn rằng mình không làm gì sai. Những người khác nhận tội nhẹ hơn để tránh phải ngồi tù dù họ vô tội.
Lee Castleton, người có hoàn cảnh đặc biệt trong bộ phim, nói với BBC rằng tài khoản Horizon của ông đột ngột chuyển từ lãi sang lỗ và hơn 90 cuộc gọi đến đường dây trợ giúp đều vô ích.
Khi tin tức về hành vi sai trái của ông lan truyền trong cộng đồng, Castleton và gia đình ông bị nhiều người xúc phạm là kẻ cắp khi họ đi trên phố, con gái ông bị bắt nạt ở trường rồi sau đó mắc chứng rối loạn ăn uống. Ông phải đi xa để tìm việc làm và ngủ trong xe.
Những câu chuyện như vậy khiến bộ phim “Mr. Bates đấu với Bưu điện” gây xúc động.
Nhân vật anh hùng Mr. Bates, do Toby Jones thủ vai, là một nhân vật nóng nảy và không biết mệt mỏi. Giống như những nạn nhân khác, Mr. Bates được Bưu điện báo lại rằng ông là người duy nhất báo cáo sai sót của Horizon.
Mr. Bates tìm kiếm những người khác, lập một nhóm nạn nhân và theo đuổi vụ án với nguồn lực ít ỏi, vượt qua hàng loạt thất bại để đạt được chiến thắng phi thường trước tòa án.
Fujitsu, một công ty của Nhật Bản đã phát triển hệ thống Horizon, đang chịu áp lực ngày càng lớn khi các chính trị gia muốn hãng này chịu một phần phí bồi thường, khi công ty vẫn còn hợp đồng trị giá hàng tỷ bảng với Chính phủ Anh.
Bằng chứng DNA mới được kiểm tra từ vụ sát hại một phụ nữ 70 tuổi ở Pennsylvania (Mỹ) năm 1997 cho thấy, bà đã bị tấn công tình dục và đánh đập đến...
Nguồn: [Link nguồn]