Nhìn lại vụ ứng viên tổng thống Mỹ kêu gọi phân biệt chủng tộc bị ám sát với 5 phát đạn

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vụ tấn công trở thành bước ngoặt cuộc đời của một trong những ứng viên gây tranh cãi nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Ông George Wallace ngã gục sau khi bị bắn. Ảnh: CBS

Ông George Wallace ngã gục sau khi bị bắn. Ảnh: CBS

Ngày 14/7/2024, thế giới chấn động trước tin tức cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị ám sát hụt trong khi đang vận động tranh cử tại bang Pennsylvania. Sự kiện gợi lại những ký ức đen tối về các vụ ám sát chính trị nổi tiếng trong lịch sử Mỹ. Mời độc giả cùng chúng tôi nhìn lại một số vụ ứng cử viên tổng thống Mỹ bị ám sát và ảnh hưởng của những sự kiện như vậy đối với các cuộc bầu cử ở nước này.

Ngày 15/5/1972, George Wallace - người bị Martin Luther King Jr. (một nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào dân quyền và chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ) gọi là "kẻ phân biệt chủng tộc nguy hiểm nhất nước Mỹ" - đã bước lên bục phát biểu tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Laurel, bang Maryland, để vận động tranh cử.

George - thống đốc bang Alabama khi đó - đang trong chiến dịch vận động để trở thành ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ tranh cử vào Nhà Trắng. Ông kích động đám đông và tiếp tục chiến thuật quen thuộc là khơi dậy nỗi sợ của nhóm người Mỹ da trắng "cảm thấy bị chính phủ và xã hội bỏ rơi".

Khi ông George bắt tay những người tham dự sự kiện, tiếng súng vang lên kéo theo tiếng la hét hoảng loạn. Vị thống đốc bang Alabama trúng 5 phát đạn, ôm bụng và ngã xuống đất. Cornelia, vợ của ông, lao về phía chồng. Hai vệ sĩ khống chế kẻ ám sát - Arthur Bremer. Đám đông bị sốc với những gì họ chứng kiến, trong khi các phóng viên bắt đầu đưa tin về vụ ám sát.

"Tôi biết điều đó sẽ xảy ra vào một thời điểm nào đó, nhưng mỗi ngày tôi đều cầu nguyện là nó không xảy ra", Peggy Wallace Kennedy, con gái của ông George, nói sau vụ nổ súng. "Nghe có vẻ không đúng khi nói ra, nhưng quả thật tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi vụ việc xảy ra. Tôi mừng vì bố mình còn sống".

Vụ ám sát đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của người dùng tư tưởng phân biệt chủng tộc để làm điểm tựa tranh cử. Ông George từng cử binh lính có vũ trang của bang Alabama tấn công đám đông tuần hành vì dân quyền. Đồng thời, vị thống đốc này còn lệnh cho cảnh sát đóng cửa các trường công lập của bang thay vì tuân theo lệnh hội nhập của liên bang.

"Khi tôi lớn lên ở Alabama, George Wallace bị xem là ác quỷ", Maurice Hobson, nhà sử học chuyên nghiên cứu về người Mỹ gốc Phi tại Đại học bang Georgia (Mỹ), nói. "Không có lời bào chữa nào cho những gì ông ta đã làm. Và việc ông ta có thể lợi dụng phân biệt chủng tộc như một cơ hội để đạt được quyền lực chính trị đã khiến ông ta càng trở nên ác độc hơn". 

“Đi ngược lịch sử”

Ông George đam mê chính trị từ khi còn trẻ. Ảnh: PBS

Ông George đam mê chính trị từ khi còn trẻ. Ảnh: PBS

Sinh ra ở thành phố Clio, bang Alabama, vào năm 1919, George lớn lên trong nghèo khó ở vùng nông thôn quận Barbour. Ông bị chính trị thu hút ngay từ khi còn trẻ và phục vụ như một trợ lý tại Thượng viện Alabama thời trung học.

Sau một thời gian làm việc trong Lực lượng Phòng không Lục quân Mỹ (Thế chiến II), George có một thời gian ngắn làm trợ lý cho tổng chưởng lý bang Alabama trước khi giành được một ghế trong cơ quan lập pháp bang năm 1946. Ông dành 6 năm tiếp theo làm việc với tư cách đại biểu của bang, sau đó chuyển sang vận động tranh cử và trúng cử vị trí thẩm phán tòa án lưu động của quận Barbour.

Trong 6 năm ông George làm thẩm phán, các nhà hoạt động dân quyền bắt đầu thách thức các luật Jim Crow (hệ thống các luật và quy định phân biệt chủng tộc được ban hành ở miền nam nước Mỹ sau Nội chiến) trên khắp miền nam. Năm 1954, Tòa án Tối cao Mỹ cấm phân biệt chủng tộc trong các trường công lập.

Hai năm sau, hành động phản kháng của nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng Rosa Parks đã kích động cuộc tẩy chay xe buýt ở thành phố Montgomery, bang Alabama, dẫn đến việc Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết việc phân biệt chỗ ngồi là vi hiến.

Trong thập kỷ tiếp theo, Alabama trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh dân quyền, là nơi phong trào dân quyền tổ chức các chuyến xe buýt Freedom Riders và cuộc diễu hành năm 1965 từ thành phố Selma đến thành phố Montgomery, cùng nhiều sự kiện quan trọng khác.

Giữa tất thảy những thay đổi đó, ông George đặt mục tiêu giành chức thống đốc bang Alabama. Ông tự thể hiện như một kiểu đảng viên Dân chủ mới - được NAACP (một tổ chức dân quyền lâu đời và có ảnh hưởng lớn tại Mỹ) ủng hộ - và tranh cử vào năm 1958 với chiến lược tránh thảo luận về các vấn đề liên quan đến chủng tộc. Tuy nhiên, ông George thua cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ trước tổng chưởng lý bang John M. Patterson.

Bốn năm sau, ông George tranh cử chức thống đốc bang lần 2. Lần này, ông xây dựng hình ảnh là người ủng hộ chế độ phân biệt chủng tộc, khơi dậy nỗi sợ hãi của cử tri da trắng về phong trào dân quyền đang phát triển mạnh mẽ. 

Được thúc đẩy bởi các bài phát biểu chống người da đen mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, George giành được 96% số phiếu bầu - một con số bị thổi phồng bởi sự đàn áp rộng rãi đối với cử tri da đen ở bang Alabama vào thời điểm đó. 

Theo Tạp chí Smithsonian, trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 1/1963, ông George khẳng định cam kết của ông với quyền tối cao của người da trắng, đồng thời nhấn mạnh: "Tôi tuyên bố phân biệt chủng tộc bây giờ, phân biệt chủng tộc ngày mai, và phân biệt chủng tộc mãi mãi".

Sáu tháng sau khi nhậm chức, ông George thu hút sự chú ý trên khắp nước Mỹ bằng cách biến những lời nói cố chấp thành hành động. Ngày 11/6/1963, khi các sinh viên da đen James Hood và Vivian Malone cố gắng ghi danh vào Đại học Alabama như một phần trong nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm hòa nhập các trường học, ông George đã dàn dựng một hành động thể hiện sự chống đối Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Nicholas Katzenbach ngay tại lối vào của một khán phòng trong khuôn viên trường.

Với các máy quay truyền hình đang ghi hình, thống đốc bang Alabama đã từ chối cho phép 2 sinh viên da đen vào khán phòng. Không những vậy, ông còn chỉ trích Bộ trưởng Katzenbach và cho rằng hành động của mình là bảo vệ "quyền, đặc quyền và chủ quyền của tiểu bang Alabama" chống lại sự chuyên chế của chính phủ liên bang. Chỉ sau khi Vệ binh Quốc gia Alabama vào cuộc, ông George cuối cùng mới chịu dừng hành động gây tranh cãi.

Ông George Wallace chặn cửa, không cho 2 sinh viên da đen vào một khán phòng ở Đại học Alabama. Ảnh: Tuscaloosa News

Ông George Wallace chặn cửa, không cho 2 sinh viên da đen vào một khán phòng ở Đại học Alabama. Ảnh: Tuscaloosa News

“Ông ấy sẽ luôn được nhắc đến vì lập trường của mình về các trường học”, Peggy Wallace Kennedy, con gái của ông George, nói. “Điều đó đã khiến ông ấy đi ngược lại lịch sử bằng cách sử dụng lòng căm thù và nỗi sợ.”

Ông George tiếp tục vươn tầm quốc gia bằng chiến dịch giành vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ vào năm 1964. Với lập trường ủng hộ phân biệt chủng tộc và cứng rắn với tội phạm, chính trị gia này thu hút người ủng hộ bằng cách dùng các thuật ngữ dễ nghe hơn để nói về phân biệt chủng tộc.

"Một người phân biệt chủng tộc là người coi thường những người khác vì màu da của họ", ông George nói với một phóng viên. "Và một người phân biệt chủng tộc ở Alabama là người thực tâm tin rằng việc người da đen và người da trắng được giáo dục trong các trường học riêng biệt và sống trong những khu vực xã hội riêng, không tương tác hoặc hòa nhập với nhau là tốt cho cả hai".

"Ông ta đang khơi mào cuộc chiến chống lại những người như tôi", Hobson, một người da đen, nói. "Trong cộng đồng người da đen, Alabama nổi tiếng về 2 điều. Đó là bóng bầu dục và phân biệt chủng tộc. Và họ thực hiện 2 điều đó rất giỏi. Rất nhiều sự phân biệt chủng tộc được cho là do George Wallace".

Trong nhiệm kỳ thống đốc, ông George đã biến đội tuần tra toàn người Mỹ da trắng của bang Alabama thành lực lượng cảnh sát bang với đồng phục có huy hiệu cờ Liên minh miền Nam. Ông cũng thành lập Ủy ban Chủ quyền để theo dõi những người đấu tranh cho quyền dân sự. Theo Bách khoa toàn thư Alabama, ông George nổi tiếng với việc "chỉ tập trung vào chiến dịch tranh cử mà bỏ qua việc điều hành tiểu bang".

Vì giới hạn nhiệm kỳ, ông George không thể tái tranh cử thống đốc bang vào năm 1966, nên ông đã để vợ mình, bà Lurleen, tranh cử thay. Bà Lurleen đã thắng cử, và ông George trở thành "thống đốc trên thực tế" của bang Alabama cho đến khi vợ qua đời vì ung thư năm 1968.

Cùng năm, ông George tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên độc lập. Khi đó, nước Mỹ đang hỗn loạn vì cuộc chiến ở Việt Nam không được ủng hộ, các cuộc nổi dậy ở nhiều thành phố và các cuộc đấu tranh dân quyền. Trong bối cảnh ấy, cương lĩnh ủng hộ phân biệt chủng tộc và đầy thách thức của ông George thu hút cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi và đổ lỗi cho tầng lớp thượng lưu về nhiều rắc rối của đất nước.

Mặc dù ông George đã giành chiến thắng ở 5 tiểu bang miền Nam (và 13,5 phần trăm số phiếu phổ thông), nhưng ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Richard Nixon cuối cùng đã giành được chức tổng thống.

Bước ngoặt cuộc đời

Vào thời điểm ông George ra tranh cử tổng thống năm 1972, lần này với tư cách là một đảng viên Dân chủ thay vì một ứng cử viên độc lập, ông George đã trở thành biểu tượng quốc gia của sự giận dữ và thù hận. Sau đó, ông gần như đã chết vì sự kiện chấn động.

Trúng 5 phát đạn, ông George bị liệt từ thắt lưng trở xuống. Cơn đau mãn tính và các biến chứng từ vết thương đã ngăn cản vị thống đốc Alabama làm tổng thống, dù ông có nỗ lực quay trở lại cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1976. 

"Vụ ám sát đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông," Peggy - con gái ông George - nói. Trong khi ông George đang hồi phục tại Bệnh viện Holy Cross ở khu Silver Spring (bang Maryland), ứng cử viên tổng thống Shirley Chisholm - phụ nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên tranh cử tổng thống - đã cố gắng đến thăm ông George dù nhân viên của bà không ủng hộ. "Tôi không muốn điều này xảy ra với ai khác," bà Chisholm nói với ông George. Bà Chisholm nhớ lại rằng ông George đã "khóc rất nhiều."

"Sau chuyến thăm của bà Chisholm, cha tôi bắt đầu thay đổi." Trước khi bị liệt, cha của bà luôn bận rộn với những chuyến đi. "Mất khả năng đi lại buộc ông phải ngồi yên và suy ngẫm về chính trị và sự sống chết của mình," bà Peggy nói. "Cha tôi đã thực sự thức tỉnh, một sự thay đổi trong trái tim."

Ông George trong một cuộc phỏng vấn năm 1976. Ảnh: Pixels

Ông George trong một cuộc phỏng vấn năm 1976. Ảnh: Pixels

Năm 1979, George bắt đầu công khai tìm kiếm sự tha thứ của cộng đồng người da đen ở Alabama. Năm 1982, tại một sự kiện tôn giáo, ông George tuyên bố: "Tôi cùng với phần đông người da trắng đã ủng hộ việc tách biệt trường học giữa người da đen và người da trắng. Điều đó là hoàn toàn sai và sẽ không bao giờ xảy ra nữa".

Nhiều người Mỹ gốc Phi ở Alabama đã tha thứ cho ông George. Nhưng Hobson - một người Mỹ gốc Phi - nói rằng, họ sẽ không bao giờ quên những gì ông George đã gây ra cho cộng đồng họ.

"Đây thực sự là đặc quyền của người da trắng", ông Hobson nói. "George chỉ xin lỗi khi ông ta cảm thấy có lợi hoặc cảm thấy thuận tiện để làm điều đó. Ông ấy đã khiến việc ngược đãi người da đen theo bất kỳ cách nào trở thành lẽ thường. Điều đó thật sự đáng trách".

Theo quan điểm của bà Peggy, cha của bà đã cầu xin sự tha thứ với thái độ chân thành. "Ông ấy cho thấy bản thân có khả năng thay đổi", bà Peggy nói. "Tôi hy vọng lịch sử sẽ ghi nhận ông ấy ở khía cạnh đó vì không phải ai cũng có khả năng thay đổi".

Năm 1989, ông George quyết định tranh cử thống đốc bang Alabama thêm một lần nữa. Ông hứa với cử tri da đen rằng sẽ mang lại cho họ nhiều việc làm và sự bình đẳng hơn. Cuối cùng, ông giành chiến thắng với 90% phiếu bầu của người Mỹ gốc Phi.

Trong nhiệm kỳ thống đốc cuối cùng, ông George bổ nhiệm hơn 160 thành viên da đen vào hội đồng quản trị tiểu bang, đồng thời nỗ lực tăng gấp đôi số lượng người Mỹ gốc Phi đăng ký bỏ phiếu. George tiếp tục công khai cầu xin sự tha thứ. Sau cái chết của người đàn ông này, nghị sĩ Lewis - người từng bị lính tiểu bang đánh đập khi tham gia tuần hành dân quyền năm 1965 - đã công khai tha thứ cho ông George.

"Tôi có thể nói rằng ông ấy đã thay đổi. Ông ấy đã tham gia vào chiến dịch tìm kiếm sự tha thứ từ chính những người Mỹ gốc Phi mà ông ấy đàn áp. Ông ấy cũng thừa nhận sự cố chấp và nhận trách nhiệm về những gì đã gây ra", nghị sĩ Lewis viết cho tờ New York Times.

Hơn 50 năm sau vụ ám sát, di sản phức tạp của ông George vẫn là chủ đề tranh cãi gay gắt. Một số nhà quan sát cho rằng cựu thống đốc bang Alabama xứng đáng được tha thứ vì đã sửa sai. Nhưng những người khác lại coi ông George như một nhân vật phản diện không thể tha thứ.

Theo New York Times, ông Donald Trump và ông George Wallace thường được so sánh với nhau. Thậm chí, ông Trump còn được cho là đang cố gắng làm những gì ông George không thể làm được.

Sự so sánh giữa hai người đàn ông này bắt đầu từ năm 2015, khi ông Trump tranh cử vào Nhà Trắng, lên án những người Mexico vượt biên trái phép là "những kẻ hiếp dâm" và cam kết cấm tất cả người Hồi giáo nhập cảnh vào nước Mỹ.

Sự tương đồng được cho là trở nên rõ rệt hơn sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd (do cảnh sát da trắng gây ra) khi ông Trump đối phó với các cuộc biểu tình bằng cách điều động lực lượng liên bang xuống đường để trấn áp "những kẻ vô chính phủ và kích động" (theo cách gọi của chính quyền ông Trump). 

Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, các chiến thuật theo phong cách của ông George lại được ông Trump tái hiện khi khơi dậy nỗi sợ phân biệt chủng tộc về việc xây dựng hoặc chuyển nhà ở thu nhập thấp ra vùng ngoại ô, ám chỉ rằng điều này sẽ gây ra những vấn đề xã hội và kinh tế. Việc xây dựng hoặc chuyển nhà ở thu nhập thấp ra vùng ngoại ô được chính quyền ông Obama và sau này là chính quyền ông Biden ủng hộ.

Cựu Tổng thống Barack Obama cũng có lần ngầm so sánh Donald Trump với George Wallace sau khi chứng kiến cách ông Trump đối phó những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd.

------------------------

Năm 1968, nước Mỹ chứng kiến sự kiện kinh hoàng khi một ứng viên tổng thống bị bắn sau khi ăn mừng chiến thắng sơ bộ tại bang California. Vụ ám sát gợi lại thảm kịch trước đó 5 năm khi anh trai của ứng viên này, trên cương vị Tổng thống Mỹ, cũng bị ám sát. Mời độc giả cùng tìm hiểu về vụ ám sát kinh hoàng này trong bài tiếp theo đăng rạng sáng ngày 16/7.

Nguồn: [Link nguồn]

Ưng cử viên tổng thống bị ám sát ngay khi ông đang giành được lợi thế trong nỗ lực bước chân vào Nhà Trắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN