Vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee gây rúng động: Bị bạn thân đoạt mạng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Tổng thống Park Chung-hee, người biến Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, bị người bạn thân đoạt mạng trong một bữa tối định mệnh, theo Korea Times.

Tổng thống Park Chung-hee là người đưa Hàn Quốc vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhưng ông cũng hứng chịu nhiều chỉ trích trong giai đoạn nắm quyền.

Tổng thống Park Chung-hee là người đưa Hàn Quốc vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhưng ông cũng hứng chịu nhiều chỉ trích trong giai đoạn nắm quyền.

Đầu tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật gây tranh cãi. Mặc dù lệnh này chỉ kéo dài trong 6 giờ nhưng đã gây chấn động dư luận Hàn Quốc.

Sự kiện một lần nữa cho thấy chính trường Hàn Quốc thường nhiều sóng gió, và một trong những giai đoạn nhiều biến động nhất là vào năm 1979 – 1980 với những vụ ám sát, đảo chính và thiết quân luật.

Mời độc giả cùng chúng tôi tìm hiểu những biến cố chính, có tác động lớn đến tiến trình phát triển của Hàn Quốc xảy ra trong thời gian này, và lí do vì sao khó có cuộc đảo chính nào có thể xảy ra ở Hàn Quốc ngày nay.

Bữa tối cuối cùng 

Theo báo Hàn Quốc Korea Times, tối ngày 26/10/1979, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee ngồi dự một bữa tối có vẻ như bình thường cùng những người bạn thân thiết nhất của mình. Tại bàn ăn, ngoài ông còn có Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) Kim Jae-kyu, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Kim Gae-won, và vệ sĩ trưởng Cha Ji-chul. Bữa tối được tổ chức tại Phủ Tổng thống.

Để tạo không khí thư giãn, hai cô gái trẻ cũng được mời tới để biểu diễn. Ca sĩ Shim Soo-bong, người từng nhiều lần hát cho Tổng thống Park, và Shin Jae-soon, một sinh viên ngành kịch nghệ, là hai nhân vật được chọn. Với phong thái nghiêm nghị quen thuộc, ông Park yêu cầu Shim Soo-bong trình diễn bài hát “Người đó năm ấy” - ca khúc sau này được xem là gắn với biến cố lịch sử đẫm máu của tối hôm đó.

Những người đàn ông trong bữa tiệc không chỉ là bạn đồng hành trong đời sống chính trị của ông Park mà còn là những người từng tham gia cuộc đảo chính năm 1961, đưa ông lên nắm quyền. Kim Jae-gyu là bạn học cùng lớp với ông Park tại Học viện Quân sự Đại Hàn Dân Quốc và hai người xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết kể từ đó, theo Korea Times.

Trong giai đoạn ông Park nắm quyền, Kim được coi là "cánh tay phải" đắc lực, từng giúp ông Park trấn áp các cuộc biểu tình của sinh viên. Trước khi trở thành Giám đốc KCIA, Kim là chỉ huy Bộ Tư lệnh An ninh -  một cơ quan quân sự có chức năng chính là bảo vệ chính quyền của ông Park.

Tuy nhiên, quan hệ giữa họ đã không còn bền chặt như trước. Từ lâu, Cha Ji-chul, vệ sĩ trưởng kiêm cố vấn thân cận nhất của ông Park, đã bị chỉ trích vì lạm quyền, thậm chí từng sử dụng bạo lực với các quan chức cấp cao. Giám đốc KCIA, Kim Jae-kyu nhiều lần bất đồng với Cha Ji-chul.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm

Trong lúc dùng bữa, câu chuyện dần chuyển sang các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra khắp nơi, đặc biệt là sau khi lãnh đạo đối lập Kim Young-sam (người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc) bị trục xuất khỏi Quốc hội. Ông Park, với thái độ khó chịu, chất vấn Kim Jae-kyu về việc KCIA đã không dự báo được tình hình, theo Korea Times.

Kim trả lời rằng những người tham gia biểu tình không phải là “phần tử bất hảo” như trước đây vẫn bị cáo buộc, mà là những công dân bình thường, phản ánh bất mãn lan rộng trong xã hội.

Kim Jae-gyu tái hiện vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Nguồn: Văn phòng Lưu trữ Quốc gia Hàn Quốc.

Kim Jae-gyu tái hiện vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Nguồn: Văn phòng Lưu trữ Quốc gia Hàn Quốc.

Cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng khi ông Park nhắc đến khả năng sử dụng biện pháp bạo lực để trấn áp. Cha Ji-chul lên tiếng, so sánh tình hình với nước ngoài và khẳng định “dù có một hoặc hai triệu người chết, chính quyền vẫn đứng vững”. Phát biểu này khiến Kim Jae-kyu, vốn đã bức xúc với Cha, tỏ ra không thể kiềm chế được nữa.

Hành động bộc phát

Khoảng 7h40 tối, Kim Jae-kyu rời phòng ăn, ra lệnh cho các cận vệ KCIA ở bên ngoài, sẵn sàng nổ súng hạ nhân viên an ninh của ông Park nếu nghe thấy tiếng súng trong phòng ăn.

Kim trở lại với một khẩu súng ngắn giấu trong người. Sau khi tranh cãi tiếp tục nổ ra, Kim bất ngờ rút súng bắn Cha Ji-chul, khiến Cha bị thương ở tay. Kim sau đó nhắm vào ông Park và bắn một phát trúng ngực.

Cha Ji-chul cố gắng chạy vào nhà vệ sinh để trốn. Ở bên ngoài, nhân viên an ninh của ông Park và cận vệ KCIA giao chiến, dẫn đến ba nhân viên an ninh bị bắn chết.

Có một sự cố xảy ra là khẩu súng của Kim bị kẹt đạn. Kim ra ngoài lấy một khẩu súng khác từ cận vệ, quay lại bắn chết Cha Ji-chul bằng phát đạn vào bụng và kết liễu ông Park bằng một phát súng sau tai phải.

Tổng thống Park Chung-hee qua đời tại hiện trường, chấm dứt gần hai thập kỷ lãnh đạo đất nước.

Hậu quả chính trị

Cái chết của ông Park đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ. Dưới thời ông, Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, được mệnh danh là “kỳ tích sông Hàn". Tuy nhiên, ông Park cũng bị chỉ trích vì các chính sách khắc nghiệt và sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực.

Tang lễ ông Park được tổ chức ở Seoul năm 1979. Ảnh: Gamma-Rapho/Getty Images.

Tang lễ ông Park được tổ chức ở Seoul năm 1979. Ảnh: Gamma-Rapho/Getty Images.

Kim Jae-kyu bị lực lượng an ninh Hàn Quốc bắt giữ ngay trong đêm. Kim không tìm cách chạy trốn mà chỉ gọi một chiếc taxi rời khỏi hiện trường. Cuộc điều tra sau đó kết luận hành động của Kim mang tính bộc phát hơn là một âm mưu đảo chính có tổ chức. Việc khẩu súng của Kim bị kẹt đạn là một trong những tình tiết khiến người ta nhận định đây là hành động bộc phát chứ không phải được chuẩn bị kỹ từ trước, Korea Times dẫn thông tin lưu trữ của chính phủ Hàn Quốc.

Kim bị xử tử vào ngày 24/5/1980, cùng với bốn nhân vật khác trong KCIA, những người liên quan trực tiếp đến vụ ám sát.

Chánh văn phòng Kim Gae-won, người cũng có mặt tại hiện trường, bị nghi ngờ biết trước kế hoạch của Kim nhưng không ngăn cản. Tuy nhiên, ông được miễn tội đồng lõa và được ân xá sau đó.

Cuộc đời thay đổi của các nhân chứng

Hai nhân chứng trong vụ việc, Shim Soo-bong và Shin Jae-soon, đều trải qua những biến động lớn sau thảm kịch. Shim không được xuất hiện trên truyền hình suốt nhiều năm, nhưng sau này cô tiếp tục sự nghiệp ca hát và phát hành nhiều album. Trong khi đó, Shin viết một cuốn sách kể lại trải nghiệm đêm đó và chuyển đến sống tại thành phố Los Angeles, Mỹ.

Có thể nói, vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee không chỉ gây chấn động mà còn trở thành một dấu mốc lịch sử, mở ra giai đoạn chuyển tiếp đầy sóng gió với nền chính trị nước này. Nó là bài học về sự xung đột trong nội bộ quyền lực và những hậu quả khôn lường khi các mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm.

________________________

Sau khi ông Park Chung-hee qua đời, Hàn Quốc rơi vào khoảng trống quyền lực. Chỉ sau hơn một tháng, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra dẫn đến chính quyền tiếp tục rơi vào tay quân đội. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng nhất ở Hàn Quốc. Mời độc giả cùng tìm hiểu về sự kiện này trong bài kỳ 2, xuất bản lúc 19h ngày 7/12.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Tối ngày 3/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ban bố lệnh thiết quân luật, khiến dư luận Hàn Quốc chấn động. Chỉ 6 giờ sau, ông đã phải rút lại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Korea Times ([Tên nguồn])
Giai đoạn biến động ở Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN