Vụ 3 ngân hàng sụp đổ: Ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ ra sao?
Giới chuyên gia lo ngại Mỹ có thể đang đối mặt với một cuộc suy thoái trong tương lai gần do tác động từ vụ sụp đổ ngân hàng dây chuyền, bên cạnh chính sách tiền tệ siết chặt của Fed.
Theo đài CNBC, hiện Phố Wall đang nổ ra tranh luận về việc liệu nền kinh tế Mỹ có đang rơi vào suy thoái trong vài tháng nữa hay không do ảnh hưởng của vụ sụp đổ liên tiếp ba ngân hàng (NH) Silvergate, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Những biến động nhanh và mạnh trên thị trường sau các vụ phá sản NH ở Mỹ khiến nhiều chiến lược gia dự báo suy thoái kinh tế sẽ tới rất sớm.
Nhiều ảnh hưởng lớn
“Theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NH cỡ trung suy giảm có thể khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm 0,5%-1% trong 1-2 năm tới. Nhìn chung, điều này phù hợp với dự báo của chúng tôi rằng chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt hơn sẽ đẩy Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm nay” - báo cáo của NH JPMorgan (Mỹ) ngày 15-3 nêu rõ.
Sàn giao dịch chứng khoán TP New York, Mỹ ngày 15-3. Ảnh: AP
Trong phiên giao dịch ngày 16-3, nhóm cổ phiếu NH tiếp tục dẫn đầu đà giảm ở Phố Wall sau khi tăng nhẹ ở phiên trước đó. Tuy nhiên, cổ phiếu năng lượng là nhóm giảm điểm mạnh nhất do giá dầu lao dốc hơn 5%. Hợp đồng tương lai dầu WTI giao dịch ở mức 67,61 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12-2021.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm đứng ở mức 3,93% trong phiên giao dịch cuối này, sau khi giảm mạnh xuống còn 3,72%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm thường phản ánh sát nhất quan điểm của các nhà đầu tư về đường đi chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
“Mọi người đều đang căng thẳng. Chúng ta có thể chứng kiến các NH nhỏ và vừa ở Mỹ, kể cả các NH lớn thắt chặt điều kiện cho vay” - NH JPMorgan nhận định.
Hiện Fed vẫn đang cố gắng hạ nhiệt tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường lao động để ghìm lạm phát, bên cạnh các biện pháp giải quyết hậu quả do vụ sụp đổ NH dây chuyền. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 6% trong tháng 2 - con số vẫn cao dù đã “hạ nhiệt” so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, vụ ba NH phá sản gần đây đang khiến các nhà đầu tư lo rằng việc tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ kéo nền kinh tế đi xuống và việc Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ càng đẩy nhanh quá trình này.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 16-3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định hệ thống NH của nước này vẫn ổn định và người dân hoàn toàn có thể tự tin về các khoản tiền gửi của họ. Hiện bà Yellen là quan chức đầu tiên phải ra điều trần trước Quốc hội sau vụ NH sụp đổ.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ông John Briggs, Giám đốc Công ty đầu tư NatWest Markets (Mỹ), kỳ vọng Fed sẽ cân nhắc lại việc tăng lãi suất trong thời gian tới. “Tín dụng giống như dầu đối với một cỗ máy vậy. Kể cả khi cú sốc ngắn hạn đã được giải tỏa phần nào nhưng tâm lý lo ngại rủi ro sau vụ sụp đổ sẽ hình thành và khiến hoạt động tín dụng trong nền kinh tế suy giảm” - ông Briggs chia sẻ.
Một khi người dân mất niềm tin vào hệ thống tài chính và hoạt động cho vay đi xuống thì nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào giảm phát hoặc rơi vào các chu kỳ giảm phát, lạm phát liên tục.
“Hầu hết doanh nghiệp nhỏ đều được các NH cộng đồng khu vực cấp vốn. Nhưng sau tất cả những gì đã xảy ra, kể cả NH vẫn ổn thì nhiều khả năng họ sẽ không xét cấp tín dụng cho những doanh nghiệp mới bước vào thị trường do rủi ro cao” - ông Briggs phân tích.
Theo các chiến lược gia của Công ty nghiên cứu CFRA Research (Mỹ), hiện vẫn còn rất mơ hồ về động thái tiếp theo của Fed.
“Việc chỉ số CPI và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm xuống gần đây, cũng như việc doanh số bán lẻ giảm trong tháng trước, khiến nhiều người tin rằng Fed sẽ nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ cứng nhắc của mình. Nhưng chưa có gì rõ ràng cả” - chuyên gia Sam Stovall thuộc Công ty nghiên cứu CFRA Research cho hay.
Ông Sam Stovall chia sẻ: Chỉ còn một tuần nữa sẽ có báo cáo và họp báo của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) vào ngày 22-3 nhưng từ nay đến đó vẫn còn rất nhiều thời gian, hoàn toàn có thể xảy ra một sự cố khác trong hệ thống tài chính đang trong cơn bất ổn.
Các nhà kinh tế của NH JPMorgan dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,25% tại cuộc họp ngày 22-3 và sẽ thêm một lần tăng 0,25% nữa vào tháng 5.
Trong khi đó, Công ty địa ốc Cushman & Wakefield (Mỹ) dự báo FOMC sẽ phải tính toán lại chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới, dưới những thất bại của các NH. Sự sụp đổ của các NH này có thể làm giảm triển vọng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm, do những bất ổn gia tăng sẽ thắt chặt các điều kiện thị trường tài chính, giảm bớt động lực kinh tế vĩ mô và từ đó giúp Fed hoàn thành một phần công việc của họ.•
Hai ngân hàng lớn bất ngờ thoát sụp đổ Theo hãng tin Reuters, 11 NH lớn của Mỹ đã bơm 30 tỉ USD tiền gửi vào NH First Republic ngày 16-3 để giải cứu NH này không bị cuốn vào cuộc khủng hoảng ngày càng lớn do vụ sụp đổ của ba NH Mỹ trong tuần qua. Gói giải cứu này được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi NH Thụy Sĩ Credit Suisse được vay một khoản khẩn cấp từ NH Trung ương Thụy Sĩ trị giá lên tới 54 tỉ USD để tăng cường thanh khoản, phần nào xoa dịu cơn hoảng loạn về cuộc khủng hoảng NH toàn cầu. Bà Karen Jorritsma, Giám đốc bộ phận chứng khoán Úc tại Công ty RBC Capital Market (Canada), nhận định: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vì bảng cân đối kế toán tốt hơn nhiều so với năm 2008, các NH được quản lý tốt hơn. Nhưng mọi người lo ngại rằng nguy cơ lây lan là có thật và điều đó làm lung lay niềm tin”. |
Cổ phiếu tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và lĩnh vực phần cứng công nghệ đã “bị bán tháo quá mức” trong năm nay và đặc biệt dễ chịu thiệt hại trước những cú sốc...
Nguồn: [Link nguồn]