Vỡ nợ, Sri Lanka vay thêm tiền Trung Quốc
Sri Lanka đang đàm phán với Trung Quốc và hy vọng Bắc Kinh sẽ cho nước này vay tiền “vào một khoảng thời gian nào đó”.
Sri Lanka đang rơi vào bất ổn chính trị, kinh tế - xã hội chưa từng có (ảnh: Reuters)
Hôm 15.7, Đại sứ Sri Lanka tại Bắc Kinh Palitha Kohona chi biết, ông đã đề nghị Trung Quốc cho Sri Lanka vay 4 tỷ USD để thanh toán nợ và vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Trong khoản tiền 4 tỷ USD, Sri Lanka muốn sử dụng 1 tỷ USD để trả một khoản nợ có giá trị tương đương, sẽ đến hạn vào cuối năm nay. Chủ của khoản nợ này cũng là Trung Quốc. 1,5 tỷ USD trong khoản vay là để trả tiền cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, Sri Lanka cũng mong muốn kích hoạt một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 1,5 tỷ USD giữa 2 nước.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, đến một thời điểm nào đó, Trung Quốc sẽ đồng ý các đề nghị của chúng tôi. Đây không phải những yêu cầu vô lý”, Đại sứ Kohona nói.
“Chúng tôi cũng đưa ra yêu cầu tương tự đối với các chủ nợ khác. Sri Lanka cần vốn để mang lại sự ổn định cho hệ thống tài chính. Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ hỗ trợ, không sớm thì muộn”, ông Kohona nói thêm.
Phát biểu của ông Kohona được đưa ra trong bối cảnh Sri Lanka đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiên liệu tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Đảo quốc Nam Á đã nhận được 3,8 tỷ USD hỗ trợ từ Ấn Độ và đang đàm phán để có cơ hội vay thêm. Sri Lanka nợ nước ngoài khoảng 51 tỷ USD và nước này gần như không còn ngoại tệ để trả nợ hay nhập khẩu hàng thiết yếu.
Sri Lanka nợ Trung Quốc hơn 3,5 tỷ USD và đang đề nghị Bắc Kinh tái cơ cấu các khoản nợ. Chính quyền Colombo từng khẳng định Bắc Kinh không phải là tác nhân đẩy nước này đến cảnh vỡ nợ và các khoản vay Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% khoản nợ của Sri Lanka.
Đơn từ chức của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã được xác nhận (ảnh: Reuters)
Trước tình hình bất ổn gia tăng, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi đất nước và đệ đơn từ chức. Hôm 15.7, đơn từ chức gửi bằng email của ông Gotabaya đã được chấp nhận.
“Ông Gotabaya đã từ chức một cách hợp pháp”, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka – ông Mahinda Yapa Abeywardana – tuyên bố.
Theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe trở thành quyền Tổng thống sau khi ông Gotabaya từ chức. Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cũng không nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân.
Chủ tịch Quốc hội Mahinda Abeywardana cho biết, các nghị sĩ Sri Lanka sẽ được triệu tập vào ngày 16.7 để thảo luận về việc bầu ra tổng thống mới.
Vài giờ sau khi tới Singapore, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã gửi đơn từ chức qua email.
Nguồn: [Link nguồn]