Vincent Gigante: Trùm băng đảng mafia khét tiếng "giả điên" suốt 30 năm để tránh ngồi tù
Trong nhiều năm, hình ảnh một ông già đi lang thang, khoác chiếc áo choàng tắm bên ngoài và lẩm bẩm những điều vô nghĩa đã trở thành điển hình của Vincent Gigante. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau vẻ ngoài ấy thực tế lại là một trùm mafia khét tiếng và nhiều mưu mô.
Võ sĩ quyền anh bỏ học từ năm 16 tuổi
Vincent Gigante sinh năm 1928 tại New York, là 1 trong 5 người con trai của Salvatore và Yolanda Gigante, những người nhập cư thế hệ đầu tiên từ thành phố Naples (Italy) vào Mỹ. Cả bố và mẹ của Gigante đều là những người lao động thật thà.
Tuy nhiên, Vincent Gigante bắt đầu con đường tội phạm từ rất sớm, ông ta bỏ học vào năm 16 tuổi và trở thành võ sĩ quyền anh. Lấy biệt danh "The Chin", Gigante đã giành chiến thắng 21 trên tổng số 25 trận thi đấu trong sự nghiệp võ sĩ ngắn ngủi của mình. Những trận đấu bên ngoài võ đài sau đó đã nhanh chóng trở thành công việc mới của Gigante.
Hình ảnh Vincent Gigante năm 1957. Ảnh: Library of Congress
Một trong những tay mafia quyền lực bậc nhất thời điểm ấy là Vito Genovese đã để ý tới Vincent Gigante và thu nhận thiếu niên trẻ tuổi này về dạy dỗ. Từ những năm 1950, Vincent Gigante bắt đầu trở thành một gangster "chính hiệu"' làm việc cho tổ chức mafia Genovese. Theo đó, tên tuổi của Gigante trong giới mafia cũng bắt đầu được biết đến rộng rãi.
Vụ ám sát ông trùm mafia
Vito Genovese trên thực tế không phải người sáng lập băng đảng mafia Genoves. Băng đảng này được thành lập vào năm 1930 bởi Charles “Lucky” Luciano. Khi ấy, Luciano coi Genoves là một trong những đồng minh đáng tin cậy nhất. Thế nhưng vào những năm 1940, vận may của Luciano tại đất Mỹ đã "cạn kiệt", ông ta bị trục xuất về Italy. Trước khi rời đi, Luciano đã bổ nhiệm Frank Costello làm ông trùm mới của Genovese bất chấp sự thất vọng của Vito Genovese.
Trong thời gian dài, Genovese vẫn luôn là một thuộc hạ trung thành của Luciano. Dù vậy, Genovese vẫn luôn tức giận với Frank Costello. Khoảng 10 năm sau đó, Genovese đã nhờ tới sự trợ giúp của Vincent Gigante để loại bỏ Costello.
Tối 2/5/1957, Costello trở về nhà sau bữa tối cùng vợ và một vài người bạn. Khi chiếc taxi dừng trước cửa nhà của trùm mafia ở Central Park, Costello bước xuống và tiến tới cửa trước. Lúc này, một chiếc xe Cadillac màu đen từ từ tấp vào lề đường phía sau đó. Ngay khi Costello bước vào tiền sảnh của tòa nhà, một tiếng súng vang lên khiến ông trùm loạng choạng ngã xuống, còn tay súng cũng nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Ông trum Frank Costello (trái) và Vito Genovese. Ảnh: Library of Congress
Sau vụ việc, ông trùm chỉ bị thương và vẫn sống sót. Khi làm việc với cảnh sát, Costello nói rằng ông ta không trông thấy ai đã bắn mình. Tuy nhiên, dựa theo mô tả của người gác cửa, cảnh sát đã nhanh chóng thu hẹp diện tình nghi và xác định nghi phạm nổ súng là Vincent Gigante.
Vincent Gigante bị bắt và xét xử vì tội danh cố ý giết người vào năm 1958. Dù vậy, các công tố viên không thể kết tội Gigante vì Costello khăng khăng ông ta không thể xác định ai là người đã tấn công mình. Theo các phóng viên, vào thời điểm ấy khi được trắng án, Gigante đã gửi lời cảm ơn tới Costello.
Bản thân Costello cũng đã nhận được thông điệp từ Genovese sau vụ tấn công và quyết định nghỉ hưu, nhường lại vị trí ông trùm cho Genovese.
Tuy nhiên, Genovese không thể tận hưởng cuộc sống ông trùm trong quá lâu. Năm 1959, Gigante và Genovese đều bị kết án tại tòa án liên bang với tội danh buôn bán heroin. Trong đó, Gigante lĩnh án 7 năm tù giam, bằng một nửa bản án của Genovese.
Vài năm sau đó, Vincent Gigante được ân xá còn Vito Genovese đã qua đời vào năm 1969. Cùng năm đó, Gigante bắt đầu hành trình xây dựng quyền lực khét tiếng.
Thủ đoạn mưu mô hàng thập kỷ
Năm 1969, Gigante tiếp tục bị truy tố ở New Jersey vì một âm mưu hối lộ. Khi ấy, Gigante đã nắm giữ chức vụ quan trọng trong băng đảng Genovese. Với vị trí này, Gigante biết rằng mình sẽ bị xét xử nặng hơn nên đã bắt đầu giả bệnh để tránh né pháp luật.
Tại phiên tòa xét xử, các luật sư của Gigante đã đưa báo cáo từ bác sĩ xác định ông trùm mafia mắc bệnh tâm thần phân liệt hoang tưởng. Theo đó, tòa tuyên bố ông ta không đủ năng lực để hầu tòa và các cáo buộc chống lại ông đã được bãi bỏ.
Cùng thời điểm ấy, quyền lực và ảnh hưởng của Gigante trong băng đảng Genovese đã tăng lên và duy trì trong nhiều thập kỷ liên tiếp. Sau khi ông trùm Philip Lombardo nghỉ hưu vì sức khỏe, Vincent Gigante đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn băng đảng trong một quá trình chuyển giao hòa bình.
Vincent Gigante mặc áo choàng tắm, giả làm người tâm thân đi lại trên đường phố để "qua mắt" lực lượng chức năng. Ảnh: Library of Congress
Kể từ khi nắm quyền cao nhất, Gigante đã thiết lập các giao thức bảo mật nội bộ nghiêm ngặt. Không ai được nhắc tên ông ta, thay vào đó họ phải chạm vào cằm hoặc dùng tay tạo thành chữ "C" nếu họ cần giới thiệu đến ông.
Dưới sự lãnh đạo của Gigante, Genovese đã trở thành băng đảng mafia lớn nhất nước Mỹ. Gigante mở rộng hoạt động của băng đảng trong tất cả các lĩnh vực, từ cho vay nặng lãi, cá cược đến tống tiền và gian lận cho các hợp đồng cơ sở hạ tầng của thành phố New York. Đế chế của băng đảng Genovese được cho là đã thu về 100 triệu USD mỗi năm vào thời kỳ đỉnh cao.
Trong khi đó, ông trùm mafia vẫn thường xuyên xuất hiện ở đám đông với vẻ ngoài của một kẻ tâm thần, lang thang ở Greenwich trong bộ đồ ngủ và áo choàng tắm, lẩm nhẩm những thứ vô nghĩa và thậm chí còn đi tiểu trên đường phố. Các nhà tâm lý học và các chuyên gia sức khỏe tâm thần khác dường như cũng bị "che mắt" và khẳng định rằng Gigante đã ra vào bệnh viện tâm thần hơn 20 lần từ năm 1969-1995.
Ông trùm mafia Gigantebị thời điểm bị bắt giam. Ảnh: Getty
Dù vậy, vào năm 1996, sau nhiều cáo buộc được đưa ra, Gigante đã buộc phải hầu tòa. Tại đây, Vincent Gigante bị kết tội gian lận và âm mưu giết người, cuối cùng bị kết án 12 năm tù. Ngay cả khi vào tù, ông trùm khét tiếng vẫn tiếp tục điều hành hoạt động của băng đảng cho tới năm 2003. Sau đó, Vincent Gigante chết trong tù ở tuổi 77. Vincent Gigante đã đi vào lịch sử Mỹ là một trong những trùm mafia khét tiếng bậc nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Kể từ khi được thành lập vào năm 1947 dưới thời Tổng thống Mỹ Harry Truman, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã được ghi nhận bởi vô số hoạt động mang tầm ảnh hưởng...