Việt Nam sẵn sàng trở thành địa điểm giải quyết tranh chấp quốc tế

Việt Nam tái khẳng định quan điểm rằng các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có việc thông qua các cơ chế pháp lý quốc tế. Việt Nam mong muốn trở thành địa điểm mới được các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp quốc tế ở khu vực và trên thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Mofa)

Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Mofa)

Ngày 24/10, trong khuôn khổ Tuần lễ luật pháp quốc tế, Việt Nam và các thành viên Nhóm nòng cốt phối hợp cùng Toà trọng tài thường trực quốc tế (PCA) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kỷ niệm 5 năm hòa giải lần đầu tiên theo UNCLOS thành công: Suy ngẫm về việc hòa giải giữa Australia và Đông Timor”.

Các diễn giả của buổi tọa đàm gồm cựu Bộ trưởng ngoại giao Đông Timor, Trưởng cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao và thương mại Australia, Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Singapore.

Chuyên gia pháp lý của Việt Nam giữ vai trò chủ tọa, cùng sự tham dự của Tổng thư ký PCA và các Đại sứ, Trưởng Phái đoàn của Nhóm nòng cốt.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ) khẳng định, sự thành công của Ủy ban hòa giải lần đầu tiên được thành lập theo quy định tại UNCLOS đã thể hiện vai trò quan trọng của Công ước đối với hòa bình và an ninh quốc tế, cung cấp những phương tiện đáng tin cậy để giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia, ngay cả những vấn đề phức tạp liên quan đến biên giới trên biển.

Đại sứ khẳng định, Việt Nam ghi nhận sự đóng góp đáng kể của PCA vào lịch sử giải quyết tranh chấp một cách hòa bình suốt 125 năm qua và cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của PCA còn được thể hiện qua việc mở các văn phòng khu vực bên ngoài The Hague, trong đó có văn phòng tại Hà Nội vào tháng 11/2022.

Nhân dịp này, Việt Nam khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có việc thông qua các cơ chế pháp lý quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn trở thành địa điểm mới được các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp quốc tế ở khu vực và trên thế giới.

Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Luật pháp quốc tế thường niên của LHQ, thu hút sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia/cố vấn pháp lý đến từ 193 nước thành viên và được phát trực tiếp trên trang mạng chính thức của LHQ.

Năm 2018, trên cơ sở những đề xuất của Ủy ban Hòa giải bắt buộc được thành lập theo quy định của Công ước LHQ về Luật biển 1982 - UNCLOS, Australia và Đông Timor đạt thoả thuận kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp lâu dài, phức tạp về biên giới biển.

Để đánh dấu mốc lịch sử này và cũng nhằm tăng cường hiểu biết về vai trò của biện pháp hòa giải theo UNCLOS, với sự bảo trợ của Tổng thư ký LHQ, chính phủ hai nước tiến hành ký Hiệp định phân định biển tại Trụ sở của LHQ tại New York ngày 6/3/2018.

Tòa trọng tài thường trực (PCA) là tổ chức quốc tế liên chính phủ lâu đời được thành lập năm 1899, hiện có 122 quốc gia thành viên.

Việt Nam trở thành thành viên của PCA từ năm 2011 và là một trong 5 nước có Văn phòng đại diện của PCA trên thế giới. PCA đã hỗ trợ giải quyết nhiều tranh chấp quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực, song được biết đến nhiều nhất với vai trò là Ban thư ký trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc liên quan Biển Đông năm 2013 và trong vụ giải quyết tranh chấp về phân định biển giữa Australia và Đông Timor bằng Ủy ban hòa giải năm 2016.

Nhóm nòng cốt về hợp tác giữa LHQ và PCA gồm 8 nước thành viên: Australia, Ai Cập, Guatemala, Hungary, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

Liên Hợp Quốc trông đợi vào đóng góp ngày càng lớn của Việt Nam

Nhân dịp tham dự Diễn đàn Cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3, chiều ngày 18/10 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN