Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

Với mức tăng trưởng GDP cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, bội thu ngân sách, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu, kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam ngày càng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

“Ngọn hải đăng” trong khu vực

Theo con số thống kê, trong quý III-2022, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khá cao, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước; GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%.

Chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã phát huy hiệu quả, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á. Moody’s, Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%.

Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

Triển vọng lạc quan đó đang được thế giới quan tâm và ca ngợi. Trong bản báo cáo cập nhật bức tranh kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, WB đánh giá kết quả trên của Việt Nam là “tăng trưởng phi thường”. Đồng tình với đánh giá của WB, nhật báo La Repubblica của Italia nhận định Việt Nam sẽ trở thành “con hổ mới” ở châu Á.

Còn báo The Brussels Times của Bỉ thì đăng bài viết nhận định, Việt Nam - một đối tác phát triển của Liên minh châu Âu (EU), đang trở thành “ngọn hải đăng” trong khu vực với khả năng kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao dù tình hình quốc tế nhiều sóng gió. Tác giả bài báo khẳng định những kết quả nổi bật Việt Nam đạt được là nhờ các chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ như: hỗ trợ lãi suất thấp, duy trì tăng trưởng tín dụng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điểm hội tụ của các chính sách này là sự kết hợp giữa yếu tố thị trường, công cụ quản lý Nhà nước, sự giám sát chặt chẽ và những phản hồi kịp thời ý kiến đóng góp của người lao động và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc Việt Nam sớm triển khai Chiến lược sống chung an toàn với đại dịch Covid-19 và việc đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 đã khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước cũng như ổn định thu nhập của người lao động và sinh kế của người dân.

Trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng, tờ Bangkok Post, Thái Lan, đánh giá Việt Nam đã nổi lên như một điểm sáng kinh tế hiếm hoi với tốc độ tăng trưởng GDP ổn định và là “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư. Còn tờ The Star của Malaysia và Viet-jo của Nhật Bản thì nhận định: “Việc Việt Nam thực hiện hiệu quả các biện pháp kiểm soát giá xăng dầu, điện, thực phẩm, y tế và giáo dục sẽ góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% trong năm 2022”.

“Mọi thứ đều hòa hợp” với các nhà đầu tư ngoại

Theo các định chế tài chính, với mức tăng trưởng GDP trên 7% trong năm nay đồng thời duy trì mức tăng trưởng cao, bình quân 6% trong 1 - 2 thập kỷ tới, Việt Nam sẽ là điểm hấp dẫn dòng tiền đầu tư trong dài hạn. Theo con số thống kê, 9 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% (cao nhất kể từ 2018), tỷ lệ giải ngân vốn FDI tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn FDI vẫn chảy nhờ Việt Nam sở hữu nhiều FTA và chiến lược “Trung Quốc +1” của nhiều tập đoàn. Cùng với việc các dòng tiền lớn vẫn tiếp tục chọn “ở lại” lâu dài từ các quỹ đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.

Với các công ty châu Âu, Việt Nam được coi là một trung tâm đầu tư kinh doanh đầy triển vọng với nhiều dự án chất lượng và bền vững. Theo số liệu thống kê gần đây, xu hướng tăng đầu tư từ một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vào Việt Nam có thể thấy ở Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Cộng hòa Ireland và Bỉ. Đầu tư của EU tập trung vào các công ty công nghệ cao và có xu hướng mở rộng sang các dịch vụ như bưu chính, tài chính, các lĩnh vực công nghệ sạch, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm và dược phẩm. Các chủ doanh nghiệp tỏ ra hài lòng với nỗ lực thu hút và duy trì vốn đầu tư FDI của Việt Nam. 76% số người được hỏi kỳ vọng các công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III-2022.

Sau 15 năm đầu tư tại Việt Nam, Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund dự định sẽ vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đầu tư lâu dài trong thời gian tới. Đại diện quỹ này đánh giá: “Tôi nhận thấy cấu trúc nền kinh tế Việt Nam rất tuyệt vời, sự tăng trưởng về lâu dài là ở đây. Xuất khẩu 15 năm qua rất tốt, tăng gấp 5 lần thị phần trên thế giới. Các chính sách của chính phủ cho vốn FDI cũng rất tốt, nếu nhìn về dài hạn, bất kể là thời gian nào, chính sách của Việt Nam vẫn không đổi, giữ cho đất nước phát triển tốt. Các nhà đầu tư ngoại như chúng tôi cảm thấy an tâm khi mọi thứ đều hòa hợp như vậy”.

Còn ông Brook Taylor, Tổng giám đốc công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital, cho rằng: “Thị trường sẽ tích cực hơn vào cuối 2023. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là thời điểm tuyệt vời để đầu tư. Những nhà đầu tư thấy tin tưởng vào sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong những năm tới đây nên nghiên cứu, tìm hiểu thị trường chứng khoán với nhiều tiềm năng. Đừng lo ngại quá về biến động thị trường ngắn hạn do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, mà nhìn vào trung và dài hạn với rất nhiều cơ hội đầu tư”.

Ông Trần Thanh Tân, Phó chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đánh giá: “Việt Nam đang nổi lên như một thị trường mà ở đó trong giai đoạn khủng hoảng Việt Nam vẫn là một thị trường được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Kinh tế vĩ mô tương đối tốt, dòng FDI tương đối tốt, vấn đề nhân lực… Tất cả nổi lên như một cơ hội cho các dòng tiền nước ngoài bỏ vào Việt Nam”.

Mặc dù cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây không tích cực như dòng vốn FDI khi thị trường này đã giảm 23% kể từ đầu năm, một số nhà đầu tư muốn an toàn đã rút đi tìm đến thị trường mới nổi khác hoặc đưa vốn về Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nhưng về dài hạn nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng viễn cảnh ở Việt Nam là “hứa hẹn”. Ông Brook Taylor, Tổng giám đốc công ty cổ phần quản lý quỹ VinaCapital, đánh giá: “Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 8% năm nay và 6% trong một thập kỷ tới. Đây là thời kỳ tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán, nếu đầu tư với tầm nhìn 3-5 năm thì sẽ hữu ích”.

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam thuộc nhóm 7 nền kinh tế nổi bật

Báo Financial Times (Anh) ngày 26-9 đã đăng bài viết với nội dung đánh giá cao những kết quả hoạt động kinh tế mà 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đạt được trong bối cảnh nền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Sơn ([Tên nguồn])
Người Việt Nam ở nước ngoài Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN