Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn của dòng vốn đầu tư trên thế giới

Những xung đột địa chính trị như cuộc xung đột quân sự ở Ukraine trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực tới kinh tế - thương mại thế giới, trong đó lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những nguy cơ trước mắt

Thế giới đang phải vất vả ứng phó với lạm phát do nguồn cung khan hiếm đẩy giá năng lượng và lương thực lên quá cao. Cuộc khủng hoảng “kép” giá năng lượng và lương thực - hai loại hàng hóa thiết yếu bậc nhất với toàn thế giới - hiện nay cùng có căn nguyên là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Trong khi Nga là quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn của thế giới, là nhà cung cấp rất quan trọng mặt hàng năng lượng cho châu Âu thì cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm tắc nghẽn nguồn cung lương thực vốn cũng quan trọng không kém. Cùng với đó, hàng loạt biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau giữa Nga và các nước phương Tây càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu phân bón tổng hợp, lúa mì, dầu cọ, dầu thô, khí tự nhiên lỏng và nhiều mặt hàng khác...

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị tác động lớn khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19

Chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị tác động lớn khi Trung Quốc thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19

Theo thống kê mới nhất của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực ở mức nghiêm trọng trên toàn cầu hiện đã tăng lên 276 triệu người. Đến cuối năm 2022, dưới tác động tích tụ của các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và chính trị liên tục, con số này dự báo sẽ tăng lên 323 triệu người. WFP cảnh báo, nạn đói tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đang bùng phát.

Các quốc gia trên thế giới cũng đang phải đau đầu với bài toán lạm phát khi giá lương thực, dầu mỏ, khí đốt liên tục tăng cao, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế vốn chưa hồi phục bởi ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tăng trưởng thấp, giá cả lên cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp lớn, thu nhập giảm sút… tác động trực tiếp tới cuộc sống của những người lao động, người thu nhập thấp làm gia tăng tình trạng đói nghèo. Trong khi đó, diễn biến còn phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra những đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các quy tắc chống dịch nghiêm ngặt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu) đang ảnh hưởng tới cung ứng hàng hóa của khắp các nền kinh tế, thậm chí có thể gây ra một làn sóng hỗn loạn với chuỗi cung ứng toàn cầu. Các cuộc khảo sát về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho thấy, các nhà cung cấp thế giới phải đối mặt với sự chậm trễ lâu nhất trong hơn 2 năm qua trong việc cung cấp nguyên liệu thô cho khách hàng sản xuất. Lượng thành phẩm tồn kho tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên, trong khi chỉ số xuất khẩu và nhập khẩu giảm mạnh.

Theo Công ty giao nhận hàng hóa Flexport có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), hiện mất trung bình 111 ngày để hàng hóa đến kho ở Mỹ kể từ thời điểm rời khỏi nhà máy ở châu Á. Con số này gần bằng kỷ lục 113 ngày vào tháng 1 và hơn gấp đôi so với thời điểm năm 2019. “Nút thắt cổ chai” tại các cảng của Trung Quốc kết hợp với xung đột quân sự ở Ukraine được cảnh báo sẽ là một đòn làm chệch hướng phục hồi của kinh tế thế giới vốn đã bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát.

Mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo các chuyên gia, rủi ro địa chính trị, các biện pháp trừng phạt do cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, đại dịch Covid-19 cùng chính sách “Zero Covid” ở Trung Quốc, đang khiến thế giới phải định hình lại tương lai của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tương lai, các quốc gia sẽ cần xem xét làm thế nào để đảm bảo tốt hơn các chuỗi cung ứng thông qua các mối quan hệ đối tác thương mại khu vực, nâng cao năng lực sản xuất thiết yếu và tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hóa từ nhiều quốc gia.

Hiện một số nước đang cố gắng ứng phó với sự thay đổi các chuỗi cung ứng thông qua việc phát triển các quan hệ đối tác thương mại khu vực mới, cho phép tăng cường thương mại giữa các nước gần gũi về mặt địa lý hoặc chính trị. Một trong những thỏa thuận như vậy là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia vốn phải chật vật ứng phó với thương mại, logistics khó khăn vì ảnh hưởng của Covid-19 nay lại phải đau đầu tìm cách giải quyết tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gián đoạn do cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Chuỗi cung ứng không ổn định sẽ buộc các tập đoàn, công ty phải tìm kiếm các nhà cung cấp gần hơn, chấm dứt mô hình hiện tại. Điều đầu tiên mà thế giới tính tới và hành động là đa dạng hóa nguồn cung từ nhiều quốc gia, khu vực. Các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc là một nguyên nhân gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hàng hóa bị chậm trễ. Điều này đã dẫn tới việc đẩy nhanh dòng vốn rời khỏi Trung Quốc và hướng tới các quốc gia khác ở châu Á như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ để mở rộng chuỗi cung ứng.

Việt Nam có những yếu tố thuận lợi như lực lượng lao động trẻ và dồi dào, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, kiểm soát tốt dịch Covid-19 để đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Việt Nam tham gia sâu rộng vào hợp tác kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết và thực thi hàng loạt các hiệp định FTA. Nhờ vậy, Việt Nam tiếp tục trở thành nước có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý chiến lược, là cầu nối giữa hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á… đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực.

Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia hiệp định CPTPP; tham gia ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Việt Nam hiện được coi là một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu và đang ngày càng làm tốt hơn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục gia tăng thời gian qua, trong đó có các “đại bàng” xuyên quốc gia, là minh chứng cho thấy nước ta đang là điểm đến hấp dẫn, an toàn của dòng vốn đầu tư trên thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Hai cơ quan của Việt Nam trúng cử thành viên 2 hội đồng của ESCAP

Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 78 của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hà ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN