Việt Nam gây ấn tượng về phục hồi hậu Covid-19

Trang Nikkei Asia (Nhật Bản) đánh giá Việt Nam đã nỗ lực nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời duy trì số ca mắc mới ở mức thấp

Việt Nam đã tăng 48 bậc, lên vị trí 14 trong bảng xếp hạng 121 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên Chỉ số phục hồi Covid-19 được trang Nikkei Asia (Nhật Bản) công bố ngày 3-6.

Theo bài viết, kết quả ấn tượng này đến từ việc Việt Nam nỗ lực nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đồng thời duy trì số ca mắc mới ở mức thấp.

Bài viết cũng nêu rõ chỉ số phục hồi Covid-19 đánh giá các quốc gia, vùng lãnh thổ về ứng phó dịch bệnh, triển khai tiêm vắc-xin và tính di chuyển trong xã hội. Đặc trưng của chỉ số này là tỉ lệ lây nhiễm và tử vong thấp, mức độ tiêm chủng tốt hơn và ít hạn chế đi lại. Vị trí xếp hạng càng cao cho thấy quốc gia, vùng lãnh thổ càng tiến gần sự phục hồi.

Tuy nhiên, Nikkei Asia lưu ý rằng tiêu chí xét nghiệm không còn được tính đến trong bảng xếp hạng tháng 5 do không có đủ dữ liệu để có sự so sánh công bằng, nhất là khi một số nước thay đổi các hướng dẫn liên quan.

Đáng chú ý, Việt Nam, cùng với Philippines, từng ở vị trí cuối bảng trong năm 2021 trước khi có sự cải thiện vượt bậc trong năm nay. Theo Nikkei Asia, với hơn 80% dân số được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đầy đủ và 60% dân số đã được tiêm mũi tăng cường, Việt Nam nhận được 27/30 điểm về mức độ bao phủ vắc-xin.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong số các loại vắc-xin Covid-19 được triển khai ở Việt Nam tính đến ngày 8-5, 46% là vắc-xin của 2 hãng Pfizer và Moderna (đều của Mỹ), 28% của AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), 23% của Sinopharm (Trung Quốc).

Một đoàn khách du lịch quốc tế đến TP HCM ngày 8-4 Ảnh: TẤN THẠNH

Một đoàn khách du lịch quốc tế đến TP HCM ngày 8-4 Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, Philippines vào tuần rồi ghi nhận số ca mắc hằng ngày dưới 200 và không có trường hợp tử vong. Sự sụt giảm số ca mắc giúp nước này tăng 40 bậc, lên vị trí 33. Philippines hồi tháng 2 đã mở cửa lại biên giới cho du khách quốc tế tiêm chủng đầy đủ.

Trong tuần này, Philippines cũng bỏ yêu cầu người nước ngoài đã tiêm liều nhắc lại phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính khi nhập cảnh. Trong nước, phần lớn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại trong lúc chính phủ khuyến khích mọi trường học tổ chức học trực tiếp trong tháng này.

Đứng đầu bảng xếp hạng là Qatar. Trong tốp 10 có 2 quốc gia đến từ châu Á là Campuchia (thứ 2) và Hàn Quốc (thứ 8). Hai nước này đều đang triển khai "sống chung với Covid-19" và có tỉ lệ tiêm chủng cao. Những cái tên khác trong tốp 10 là Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Rwanda, Kuwait, Luxembourg, Malta, Cộng hòa Dominica và Nepal.

Đáng chú ý, Trung Quốc tăng 1 bậc, lên vị trí 93. Điểm số về tính di chuyển của nước này giảm xuống mức 4,5/30, thấp hơn những cái tên còn lại trong bảng xếp hạng.

 Theo Nikkei Asia, Bắc Kinh vẫn đang triển khai các biện pháp phong tỏa để khống chế dịch bệnh. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại 36 thành phố lớn ở Trung Quốc đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc mở cửa biên giới đối với hoạt động đi lại và du lịch quốc tế sau quý I/2023, giúp duy trì đà phục hồi của lĩnh vực này. 

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn của dòng vốn đầu tư trên thế giới

Những xung đột địa chính trị như cuộc xung đột quân sự ở Ukraine trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng hết sức tiêu cực tới kinh tế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN