Việt Nam: "Điểm cân bằng" giữa thế giới đa cực

Tổng thống Nga Putin vừa có chuyến viếng thăm cấp nhà nước tới Việt Nam (VN) trong 2 ngày từ 19 đến 20/6 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị VN - Nga, là sự kiện điển hình cho chương trình nghị sự hòa bình của trục Việt - Nga nói riêng và khối các quốc gia Nam Bán cầu (NBC) nói chung.

Chuyến thăm chính thức VN lần này của Tổng thống Putin đặc biệt thu hút sự quan tâm của thế giới, trong đó có giới truyền thông, các nhà làm chính sách và cả các học giả trong bối cảnh Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, xung đột quân sự ở Gaza giữa Israel - Palestine đang diễn ra, dù đã có những dấu hiệu "hạ nhiệt". Đây là lần thứ 4 Tổng thống Putin thăm chính thức VN, mỗi lần đều tạo dấu ấn trong lịch sử quan hệ 2 nước, nhưng lần này có ít nhiều khác biệt trong bối cảnh VN đẩy mạnh chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia, đối tác chiến lược với nhiều quốc gia quan trọng khác đồng thời theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.

Khác với quan ngại từ các nước phương Tây về "kịch bản" phía Nga sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi tập hợp lực lượng về quân sự sau khi ký kết hiệp ước có điều khoản phòng thủ chung với Triều Tiên ngay trước đó, chuyến thăm VN lần này diễn ra trong bầu không khí tôn trọng tuyệt đối lập trường giữ vững hòa bình. Trong đó, phương châm "không chọn bên, chọn chính nghĩa" của VN được phát huy đến mức cao nhất.

Bối cảnh hàn gắn

Giai đoạn nửa cuối năm 2024 đang định hình 1 xu hướng hòa hoãn ở hàng loạt "điểm nóng" trên thế giới. Điển hình là sự tụ hội của các Bộ trưởng Quốc phòng thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Đối thoại chiến lược Shangri-La thường niên ở Singapore vào đầu tháng 6/2024 để tiếp thu quan điểm và thấu hiểu lẫn nhau, đánh dấu sự "hạ nhiệt" giữa nhiều trung tâm quyền lực của khu vực như Mỹ - Trung Quốc (TQ), Nhật Bản - Hàn Quốc và TQ - Australia. Tiếp theo là sự kiện Thủ tướng Israel B. Netanyahu tuyên bố giải tán nội các chiến tranh vào ngày 17/6 để mở đường cho việc vận chuyển hàng viện trợ vào Dải Gaza (vốn bị nhiều thành viên trong nội các phản đối) sau nỗ lực vận động ngoại giao từ Mỹ, các nước Arab và Liên hợp quốc (LHQ). Trước đó, ngày 16/6 chính quyền Tổng thống Ukraine V. Zelensky đã chấp thuận đề nghị từ đại diện của nhóm các quốc gia NBC về việc tổ chức 1 Hội nghị hòa bình đa phương thứ 2, trong đó có sự tham gia của Nga.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại buổi hội đàm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin tại buổi hội đàm

Mặc dù có thể chỉ diễn ra trong ngắn ngày nhưng các động thái hòa hoãn nói trên đang cho thấy sự kiên định lẫn vai trò ngày càng nổi trội của các quốc gia NBC trong nhiệm vụ thiết lập các kênh đối thoại trung gian hoặc kênh vận động ngoại giao đa phương hiệu quả nhằm góp phần quản lý định hướng "xuống thang" các chuỗi xung đột hiện tại có sự tham gia của các nước lớn (còn gọi là Khối quốc gia Bắc Bán cầu - BBC). Sự tồn tại của "màng lọc xung đột" NBC nói trên khiến cho nhóm quan hệ "nước lớn - nước lớn" xuất hiện thêm đặc trưng mới: chấp thuận sự điều phối từ nhóm các nước nhỏ.

Đặc trưng của "màng lọc xung đột" này cũng được ghi nhận trong chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin đến VN, thông qua việc gạt bỏ tất cả nội dung chỉ trích phương Tây trong toàn bộ chương trình nghị sự của chuyến thăm VN. Nếu như trong bài viết của ông Putin đăng trên tờ Rodong Sinmun lớn nhất của Triều Tiên với tiêu đề "Nga và Triều Tiên: Truyền thống hữu nghị và hợp tác qua các năm", phương Tây bị lên án đến 3 lần, thì trong bài viết "Tầm nhìn về lịch sử, hiện trạng và tương lai của quan hệ đối tác Nga - Việt Nam" đăng trên Báo Nhân dân lại hoàn toàn không nhắc gì đến vấn đề này.

"Lửa thử vàng"

Với truyền thống trung lập về chính trị, VN không chỉ thống nhất được các chương trình nghị sự hòa bình trong cả 2 chuyến thăm của Tổng thống Mỹ J. Biden (tháng 9/2023) và Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (tháng 12/2023), mà còn tiếp tục giữ vững đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị một cách trọn vẹn trong chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin lần này.

Khẳng định VN là "một trong những đối tác đáng tin cậy nhất" của Nga, ông Putin đã cùng triển khai các lĩnh vực hợp tác dựa trên lập trường tôn trọng gần như tuyệt đối sự trung lập khách quan của VN trong cả 3 nhóm lợi ích an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Cụ thể, có đến 7 trong 11 văn kiện được ký kết giữa nguyên thủ 2 quốc gia Việt - Nga vào ngày 20/6 thuộc về nhóm lĩnh vực hợp tác khoa học công nghệ - đào tạo, trong đó có 2 văn kiện hợp tác trao đổi thông tin nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ (điện) hạt nhân và phòng, chống dịch bệnh.

Các văn kiện còn lại thuộc nhóm lĩnh vực hợp tác tư pháp (giữa Bộ Tư pháp VN và Bộ Tư pháp Nga), năng lượng truyền thống (giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Novatek), tài chính (giữa Công ty CP quản lý BVIM và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga - RDIF), đều là những lĩnh vực không nhạy cảm. Đặc biệt có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lô 11-2 (cách Vũng Tàu 320km về phía Đông Nam) cho Tập đoàn Zarubezhneft (Nga) là văn kiện cho thấy phía Nga đang góp phần khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của VN ở thềm lục địa giáp Biển Đông. Điều này đồng nghĩa với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng vẫn kiên định mục tiêu bất biến là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ luôn được "giữ vững ở gốc" theo đúng bản sắc của nền ngoại giao VN hiện đại.

Nhìn chung, chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin sang VN có một đặc trưng hoàn toàn khác so với xu hướng tập hợp lực lượng truyền thống. Trong đó, VN với vai trò của 1 quốc gia NBC đã giữ vững được vai trò điều phối như 1 "điểm cân bằng" giữa các xu hướng tập hợp lực lượng đối trọng hiện tại, góp phần đáng kể vào xu thế kiến tạo hòa bình mà mỗi quốc gia NBC đều đang cùng nỗ lực vận động để hướng đến 1 thế giới không còn "điểm nóng" xung đột, cùng hội nhập và phát triển bền vững.

Ngoài các văn kiện được ký kết, chiến lược "hướng về phía Đông" của Nga cũng đang được VN tiếp nhận một cách cân bằng khi trong văn bản Tuyên bố chung Việt - Nga xác định rõ cả 3 nội dung lớn: (i) không chống lại bên thứ ba, (ii) tăng cường hợp tác các lĩnh vực an ninh không nhạy cảm, phi truyền thống (như an ninh thông tin, an ninh lương thực, an ninh hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia...) và (iii) luôn tôn trọng các tổ chức quốc tế (đặc biệt là LHQ), củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội ASEAN.

Nói cách khác, cả hai nước VN và Nga dù đều cùng ủng hộ thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa cực, nhưng thống nhất luôn bảo đảm công bằng và bền vững, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp.

Đây là nguyên tắc cốt lõi giúp bảo đảm hòa bình thế giới mà nhiều quốc gia BBC vì nhiều tình huống khó khăn cụ thể đã không thực hiện được, trong đó có cả Nga khi quyết định triển khai Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 02/2022. Do đó, với tư cách quốc gia thành viên khối ASEAN lẫn khu vực các nước NBC, sự vận động của VN đạt được đồng thuận của Nga cùng tôn trọng các nguyên tắc cốt lõi nói trên là nỗ lực rất đáng ghi nhận nhằm từng bước điều phối các bước "xuống thang xung đột" tiềm năng trong nghị trình hòa bình Ukraine nói riêng, giữa Nga với Mỹ và phương Tây hay khối các nước BBC nói chung.

"Gian nan thử sức"

Quan hệ Việt - Nga là trục hợp tác đã được "thử thách qua thời gian" - theo lời của Tổng thống Putin trong bài viết gửi Báo Nhân dân, trong đó VN là "một nền văn minh lâu đời, rực rỡ và độc lập trong bức tranh toàn cảnh của một thế giới đa cực". Qua đó, phía Nga đánh giá rất cao lựa chọn của VN cũng như sẵn sàng hỗ trợ các quyết định sắp tới của VN về hội nhập khu vực, liên khu vực và quốc tế.

Sự hoan nghênh của Nga đối với quá trình VN tham gia từng phần vào các hoạt động thể chế của Khối BRICS, dự án Đối tác Đại Á - Âu cũng sẽ được khéo léo triển khai song hành với quá trình tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nga, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Á - Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Ngay cả các sáng kiến về việc bằng đồng nội tệ giữa đồng rúp Nga với đồng VN hiện đã chiếm 60% tỉ trọng giao dịch thương mại song phương, thuộc nhóm các ý tưởng "phân tách" với hệ thống tài chính sử dụng đồng đôla, cũng đã được tiến hành đồng thời với các sáng kiến về thanh toán xuyên biên giới dựa trên tỉ giá đồng nội tệ của ASEAN.

Trên phạm vi rộng hơn, Zimbabwe, Thái Lan, Malaysia, Colombia cũng vừa thông báo kế hoạch đăng ký tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) từ giữa tháng 6/2024, nâng tổng số quốc gia muốn gia nhập khối này lên hơn 40. Qua đó, các hợp tác của VN với Nga và các thể chế thuộc quỹ đạo ảnh hưởng của Nga trong thời gian tới sẽ vẫn giảm thiểu được quan ngại từ dư luận các nước phương Tây do có sự tương tác đồng bộ của tập thể ASEAN nói riêng và khối các nước NBC nói chung.

Các hoạt động trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đến Việt Nam từ ngày 19-20/6 được đưa tin dày đặc trên báo chí quốc tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS.TS Bùi Hải Đăng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đ ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN