Việt Nam đắc cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Hôm 7/6, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên bỏ phiếu bầu chọn ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, kết quả Việt Nam được tín nhiệm 192/193 phiếu bầu ủng hộ.
Lần đầu tiên Việt Nam được tín nhiệm làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an là trong nhiệm kỳ 2008 - 2009. Sau 10 năm, Việt Nam là ứng viên duy nhất của nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương được chọn để Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu ngày 7/6 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo Kyodo, kết thúc phiên họp toàn thể lần thứ 89 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73, Chủ tịch Đại hội đồng Maria Fernanda Espinosa Garces thông báo Việt Nam đã đắc cử ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021 với kết quả 192 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 phiếu.
Đắc cử vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc theo đuổi các chính sách hòa bình và cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt sau khi đất nước phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc từ chiến tranh.
“Do Việt Nam từng trải qua hàng thập niên chiến tranh, chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể mang những kinh nghiệm của Việt Nam chia sẻ với Hội đồng Bảo an về một đất nước được tái thiết sau chiến tranh và giải quyết hàng loạt vấn đề sau chiến tranh”, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu trước các phóng viên sau phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 73.
Trước phiên bỏ phiếu, Việt Nam đã nhấn mạnh tới nhiều vấn đề quan trọng như thúc đẩy ngoại giao ngăn chặn. Đây chính là lý do khiến Việt Nam được cộng đồng quốc tế chú ý sau khi được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un hồi tháng Hai.
“Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ với các đối tác trong Hội đồng Bảo an và những ai quan tâm tới việc hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy hòa bình và giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên vì lợi ích của tất cả các bên liên quan cũng như vì lợi ích của khu vực và của cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời trước câu hỏi về vai trò tích cực của Việt Nam trong quan hệ Mỹ - Triều.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ nghĩ đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy nhân quyền cùng nhiều vấn đề khác.
Ngoài Việt Nam, ba nước khác được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an sau vòng bỏ phiếu đầu tiên là Niger và Tunisia của nhóm khu vực châu Phi với cùng số phiếu 191/193, đảo quốc Saint Vincent và Grandier được 185/193 phiếu.
Khu vực Đông Âu không bầu ra được ủy viên mới nên phải tiến hành vòng bỏ phiếu đặc biệt thứ hai. Estonia đắc cử vị trí này ở khu vực Đông Âu với 132/192 phiếu hợp lệ.
Nhiệm kỳ của các nước vừa đắc cử sẽ bắt đầu vào ngày 1/1/2020.
Ngoài Indonesia, 4 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong năm tới là Bỉ, Cộng hòa Dominica, Đức và Nam Phi.
Trong khi đó, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ.
Hội đồng Bảo an được xem là cơ quan quan trọng nhất trong hoạt động của Liên Hợp Quốc đảm nhận vai trò giải quyết các xung đột và khủng hoảng có thể tạo thành mối đe dọa với hòa bình và an ninh quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày quân Đồng Minh đổ bộ bờ biển Normandy, khởi đầu cho trận đánh quyết định Thế chiến...