Việt Nam cấm, tiêu diệt tôm hùm đất TQ: Bài học "xương máu" ở nước ngoài
Tôm hùm đất mới đây du nhập ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ, nhưng đây là sinh vật xâm lấn hết sức nguy hiểm, từng khiến chính quyền ở nhiều nơi trên thế giới phải đau đầu.
Tôm hùm đất sinh sôi là mối lo ở khắp nơi trên thế giới.
Tôm hùm đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất, trong tiếng Anh được gọi là Crawfish, Crayfish, Red Swamp Crayfish. Loài này phát triển nhiều ở Mỹ và Trung Quốc. Tôm hùm đất là loài ăn tạp, chúng ăn cả động vật sống lẫn động vật chết và cả thực vật.
Theo tìm hiểu, loại tôm này được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Australia, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc...
Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường nêu rõ, tôm hùm đất được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại, nên không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn đã gửi công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài tôm hùm này, có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt khi phát hiện có phát tán ra môi trường.
Theo Bộ NN-PTNT, đây là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao.
Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật.
Tôm hùm đất tàn phá môi trường ở Mỹ
Một lượng lớn tôm hùm đất được chính quyền bang Michigan bắt được ngoài tự nhiên.
Vào những năm 1960, Tây Ban Nha từng thử nhân giống tôm hùm đất có xuất xứ từ Louisiana, Mỹ, nhưng kết quả trở thành thảm họa.
Loài tôm hùm đất này phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên, phá hủy những cánh đồng lúa ở Tây Ban Nha. “Tôi không biết ở Louisiana như thế nào… Nhưng tôi mong mọi người đến đây và đem chúng về Mỹ”, Juan Tiron, một nông dân Tây Ban Nha nói.
Chính quyền bang Michigan của Mỹ cũng từng tá hỏa khi phát hiện tôm hùm đất xuất hiện ở Detroit, gần hồ Vicksburg. Người ta nhìn thấy nơi tôm hùm đất làm tổ có những cột nước phun lên bất thường. Đất đai trở nên xói mòn, sụt lún là chuyện xảy ra thường xuyên.
Theo giới chức bang Michigan, tôm hùm đất đào những cái hố có đường kích 10cm, sâu tới 7cm. Hoạt động này diễn ra trong thời gian dài có thể khiến nền đất suy yếu, dẫn đến tình trạng xói mòn ở các khu vực ven bờ.
“Bạn không thể đi qua khu vực này mà không bị lún xuống đất”, Michelle Crook, một chuyên gia về nguồn lợi tự nhiên ở bang Michigan nói. “Hoạt động xói mòn nếu cứ diễn ra như vậy thì đến cả những con đập cũng không giữ được nước”.
Không rõ những con tôm hùm đất đến bang Michigan bằng cách nào. Nhưng vài năm trước đó, có những mua chúng còn sống ở những cửa hàng hải sản. Bang Michigan ngày nay đã nghiêm cấm hoạt động mua bán tôm hùm đất.
Những con tôm hùm đất sống có thể đã bằng nhiều cách đào thoát ra môi trường tự nhiên. “Mọi loài tôm hùm đất có thể sống thiếu nước trong một khoảng thời gian, nhưng những con tôm hùm xâm chiếm Michigan thì còn có thể đi bộ hàng km để tìm đến nơi sinh sống lý tưởng”.
Trong một khu vực rộng 4.000m2, chính quyền bang Michigan tìm thấy tới 2.600 con tôm hùm đất. Loài sinh vật ngoại lai này sinh sôi một cách mạnh mẽ, đe dọa lan rộng đến khắp khu vực bang.
Tôm hùm đất đào hố sâu ở bang Michigan.
Kể từ đó, chính quyền bang Michigan đã áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng tôm hùm đất. Bởi vì rất khó tận diệt toàn bộ số lượng tôm hùm đất trong thời gian ngắn nên bang Michigan đưa ra cách đối phó là kiểm soát, ngăn sinh vật này sinh sôi thêm.
Tôm hùm đất xâm chiếm châu Phi
Những con tôm hùm đất có nguồn gốc ở Mỹ dài 15cm, từng xâm chiếm các khu vực hồ nước và những nơi có nước khác ở Kenya, Rwanda, Uganda, Egypt, Zambia và cả Nam Phi.
“Tôm hùm đất đi đến đâu, chúng quét sạch các sinh vật và cây trông ở vùng ẩm ướt đến đó. Chúng gây ra mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng “, Geoffrey Howard, chuyên gia về sinh vật xâm lấn tại tổ chức Bảo vệ Môi trường Quốc tế (IUCN), nói.
Những con tôm hùm đất Louisiana lần đầu du nhập vào châu Phi từ những năm 1970 và sinh sôi nhanh chóng.
“Những con tôm hùm đất này ăn cá trứng cá và các sinh vật có lợi cho hệ sinh thái. Kết quả là số lượng cá đánh bắt được giảm mạnh”, Howard nói.
Tôm hùm đất có nguồn gốc từ Mỹ, được tìm thấy ở Kenya, châu Phi.
Tôm hùm đất cũng xuất hiện ở quanh các thành phố Kenya, với mục đích diệt trừ ốc mang ký sinh trùng. Nhưng bằng cách đào hố sâu xuống rìa những con đập và công trình lân cận, tôm hùm đất đã khiến nước rò rỉ, xói mòn đất đai ven sông, hồ.
“Tôm hùm đất sống rất dai. Dùng có thể đi bộ ngược dòng nước và đi xuôi dòng thì càng dễ hơn”, Howard nói. “Những người bắt chúng làm thức ăn hay đem nuôi trong bể cá càng làm phán tán loài sinh vật xâm lấn này”.
Điều nghiêm trọng là tôm hùm đất có thể ăn mọi thứ, từ sinh vật phù du cho đến cả sinh vật lưỡng cư.
“Tôm hùm đất là nguyên nhân khiến nhiều thực vật thủy sinh ở châu Phi biến mất”, Howard nói. Nó cũng làm giảm số lượng con mồi cho cá, chim và các loài động vật khác.
Mike bắt được con tôm ngoài khơi bờ biển Stonington, bang Maine.