Việt Nam bày tỏ quan điểm trước Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine
Ngày 1/3, ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức về tình hình Ukraine, hơn 100 nước và các tổ chức đã phát biểu ý kiến, bày tỏ quan điểm về vấn đề quan trọng này. Tại đây, Việt Nam lên tiếng kêu gọi các bên đối thoại và bảo vệ người dân.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu trước Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột, chú trọng bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.
Ông cho biết Liên Hợp Quốc đã chi 20 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên Hợp quốc để hỗ trợ hoạt động nhân đạo và đề cử ông Amin Awad làm Điều phối viên khủng hoảng Liên Hợp Quốc tại Ukraine.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Abdullah Shahid kêu gọi các bên ngừng bắn, quay trở lại đàm phán ngoại giao và bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với người tị nạn, người di cư và kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và ủng hộ các sáng kiến nhân đạo.
Các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại trước tình hình trên thực địa và cho rằng cần sớm nối lại đối thoại, tránh để tình hình xấu đi, chú trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, chia sẻ về những đau thương từ chiến tranh mà Việt Nam đã trải qua.
“Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm”, Đại sứ nói.
Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.
Do đó, Việt Nam bày tỏ hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác đã ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 26/2. Điều cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường.
“Việt Nam kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nói.
Đại sứ khẳng định Việt Nam ghi nhận cuộc họp giữa đại diện Ukraine và Liên bang Nga vừa qua và mong các bên liên quan sẽ tiếp tục trao đổi và sớm đạt kết quả đàm phán. Đồng thời, cần bảo vệ an toàn, an ninh của người dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.
Để tạo môi trường thuận lợi cho các mục tiêu đó, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong và ngoài khu vực tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên. Việt Nam mong muốn có thêm các nỗ lực để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường, đồng thời hoan nghênh hoạt động của Liên Hợp Quốc và các đối tác khác trong những ngày qua để giúp đỡ người dân trên thực địa, bao gồm cả người tị nạn.
Đại sứ đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ bỏ phiếu nhằm thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine vào ngày 2/3, ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của phiên họp.
Trong bài phát biểu thông điệp liên bang đầu tiên từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]