Viện trợ cho Ukraine giảm chưa từng thấy giữa xung đột

Các cam kết viện trợ mới cho Ukraine giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu, dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức) cho hay.

Một binh sĩ Ukraine ôm đạn pháo do Mỹ viện trợ (ảnh: CNN)

Một binh sĩ Ukraine ôm đạn pháo do Mỹ viện trợ (ảnh: CNN)

Dữ liệu do Viện Kiel công bố hôm 7/12 cho thấy, từ tháng 8 đến tháng 10/2023, các cam kết viện trợ mới cho Kiev đã giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, từ tháng 8 đến tháng 10/2023, phương Tây chỉ cam kết viện trợ tổng cộng 2,27 tỷ USD cho Kiev.

Đây là mức cam kết viện trợ thấp nhất của phương Tây đối với Kiev, tính từ cuối tháng 2/2022, theo Viện Kiel.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel cũng nhận định, Ukraine ngày càng phụ thuộc vào viện trợ từ nước ngoài trong bối cảnh xung đột với Nga. Các nước viện trợ cho Ukraine nhiều nhất bao gồm Mỹ, Đức, Phần Lan, Anh và một số nước khác ở Bắc Âu, Đông Âu.

Báo cáo của Viện Kiel được công bố sau khi Thượng viện Mỹ không thông qua gói viện trợ 66 tỷ USD cho Ukraine (hôm 6/12). Động thái mới từ phía Mỹ làm tăng nguy cơ Ukraine cạn kiệt vũ khí, đạn dược giữa xung đột với Nga.

“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy các nhà tài trợ cho Ukraine ngày càng do dự hơn trong vài tháng gần đây”, ông Christoph Trebesch – Giám đốc trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Kiel – nói.

“Trước sự không chắn chắn của Mỹ, Ukraine chỉ có thể hy vọng EU thông qua khoản hỗ trợ trị giá 50 tỷ USD được thông báo từ lâu. Việc trì hoãn viện trợ có thể giúp quân đội Nga đạt được lợi ích”, ông Trebesch nhận xét.

Tuy nhiên, Hungary – nước thành viên EU – đã cảnh báo sẽ chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD cho Ukraine. EU dự kiến thảo luận về gói viện trợ này trong cuộc họp vào tuần sau, theo Reuters.

Theo Viện Kiel, tương lai xung đột ở Ukraine trở nên “không rõ ràng” khi Mỹ ngần ngại viện trợ thêm và gói viện trợ lớn của EU vẫn ở trong tình trạng “chờ xử lý”.

Hôm 6/12, Tổng thống Ukraine Zelensky cho hay, Kiev đang tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và không muốn phụ thuộc quá nhiều vào phương Tây.

“Ukraine không muốn chỉ phụ thuộc vào các đối tác. Chúng tôi mong muốn và thực sự có thể trở thành nhà tài trợ an ninh cho các nước láng giềng, sau khi tự bảo đảm an ninh của mình”, ông Zelensky nói.

Từ Moscow, ông Dmitry Peskov – người phát ngôn Điện Kremlin – cho rằng, Mỹ và phương Tây đang gặp rắc rối tài chính và không muốn tiếp tục “đốt tiền” cho Ukraine.

“Rõ ràng là họ gặp rắc rối. Mỹ đang đối mặt với bất hòa nội bộ. Điều này có thể liên quan đến tính khả thi của việc tiếp tục đốt hàng chục tỷ USD một cách thiếu suy nghĩ vào Ukraine”, TASS hôm 7/12 dẫn lời ông Peskov.

Theo ông Peskov, những rắc rối và “bất hòa” Mỹ gặp phải có thể sớm xảy đến “những cái đầu lạnh” ở châu Âu.

Berlin: Đức không phải đồng minh của Ukraine

Ông Boris Pistorius – Bộ trưởng Quốc phòng Đức – đáp lại những lời chỉ trích cho rằng, Đức viện trợ “quá ít” để Ukraine có thể thắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Quốc – Reuters, TASS ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN