Viễn cảnh khốc liệt của quan hệ Mỹ - Trung

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Viễn cảnh khốc liệt là khi Mỹ gạt Trung Quốc ra khỏi hệ thống đồng USD hay Bắc Kinh trả đũa bằng cách bán trái phiếu chính phủ Mỹ, khiến kinh tế toàn cầu thay đổi

Các quan chức và nhà kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây bất ngờ công khai thảo luận các kịch bản xấu nhất, trong đó nền kinh tế thứ hai thế giới bị loại khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng USD hay Washington đóng băng hoặc hủy một phần khoản nợ trái phiếu khổng lồ mà Trung Quốc đang nắm giữ. Theo Reuters, viễn cảnh tàn khốc này từng được xem là xa vời nhưng giờ đây hoàn toàn khả dĩ.

Trước những lo ngại trên, giới chuyên gia ở Bắc Kinh kêu gọi củng cố sức ảnh hưởng toàn cầu của đồng nhân dân tệ để giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Ông Shuang Ding, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered (Anh) và từng là nhà kinh tế tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết: "Quốc tế hóa nhân dân tệ hiện là điều buộc phải làm với Trung Quốc. Mối đe dọa về sự tách rời tài chính Trung - Mỹ đang trở nên rõ ràng và hiện hữu".

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 9-8, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang cho rằng quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đang diễn ra tốt đẹp khi các khu vực bên ngoài Trung Quốc thanh toán bằng nhân dân tệ đã tăng 36,7% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc quốc tế hóa nhân dân tệ gặp rào cản từ các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của chính Trung Quốc và nguy cơ phản đối từ các quốc gia chỉ trích Bắc Kinh về nhiều vấn đề từ đại dịch Covid-19 cho đến việc áp đặt luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.

Một công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ Ảnh: REUTERS

Một công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ Ảnh: REUTERS

Mặc dù khó có khả năng tách biệt hoàn toàn hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy một phần quá trình này trong các lĩnh vực then chốt liên quan đến thương mại, công nghệ và tài chính.

Washington đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt Trung Quốc, bao gồm đề xuất cấm niêm yết đối với các công ty Trung Quốc không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ, cấm các ứng dụng TikTok và WeChat thuộc các tập đoàn công nghệ Trung Quốc...

Dự kiến ​​căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3-11 sắp tới. Các nhà phân tích cho rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm gạt Trung Quốc ra khỏi hệ thống đồng USD hoặc Bắc Kinh trả đũa bằng cách bán một lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ có thể làm chao đảo các thị trường tài chính và gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.

Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), nhà kinh tế học Dư Vĩnh Định thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hôm 12-8 cho rằng kịch bản khả dĩ là Mỹ trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc, như đã từng xảy ra vào năm 2012 đối với ngân hàng Kunlun của Bắc Kinh vì làm ăn với Iran.

Ông Dư cho hay việc cấm các ngân hàng Trung Quốc giao dịch với hệ thống tài chính của Mỹ chỉ là một trong nhiều biện pháp Washington có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính. Chuyên gia này cũng không loại trừ khả năng Mỹ thu giữ tài sản ở nước ngoài của Trung Quốc nếu xung đột nổ ra.

Theo ông Dư, chiến lược "lưu thông kép" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó tập trung vào thị trường nội địa, là lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh rủi ro về phân tích tài chính và trừng phạt. 

Để mắt đến quyền lực mềm

Theo nguồn tin của hãng tin Bloomberg, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ ra thông báo sớm nhất vào ngày 13-8 (giờ địa phương), với nội dung các Viện Khổng Tử ở Mỹ phải đăng ký là "phái bộ nước ngoài", đồng nghĩa với việc phải tuân theo các yêu cầu hành chính tương tự các đại sứ quán và lãnh sự quán. Ở Mỹ, Viện Khổng Tử có 80 cơ sở tại các trường đại học và do Bắc Kinh tài trợ nhằm truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Động thái tương tự đã được áp dụng đối với một số hãng truyền thông lớn của Trung Quốc trong năm nay, như Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio), Nhân dân Nhật báo, Hoàn cầu Thời báo... Những cơ quan này phải đăng ký nhân viên và tài sản với Bộ Ngoại giao Mỹ.

Không chỉ vậy, phát biểu trong chuyến thăm CH Czech hôm 12-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết các sắc lệnh trừng phạt của Tổng thống Donald Trump nhằm vào TikTok và WeChat có thể được mở rộng. Theo đài CNBC, phát biểu của ông Pompeo ám chỉ Washington có thể chống lại các ứng dụng khác của Trung Quốc hoặc thậm chí là ByteDance, hãng sở hữu TikTok hoặc Tencent, công ty sở hữu WeChat. Trước đó, chính quyền ông Trump đã ban hành sắc lệnh cấm mọi cá nhân và tổ chức của Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent.

Huệ Bình

Nguồn: [Link nguồn]

Kịch bản Trung Quốc đối đầu Nhật Bản, Mỹ ra tay can thiệp trên biển Hoa Đông

Theo kịch bản giả định, vào năm 2030, quân đội Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát hòn đảo ở quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo XUÂN MAI ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN