Video: Thợ bắt rắn Ấn Độ nắm đuôi hổ mang chúa 4,2m, bị phần đầu xuất hiện dọa "mất mật"
Con rắn hổ mang chúa với phần thân trên dựng đứng hơn 1 mét, xuất hiện bất thình lình khiến người thợ bắt rắn giật mình, hất văng cả chiếc gậy bắt rắn ra xa.
Theo India Express, vụ việc xảy ra tại Belthangady, một thị trấn ở bang Karnataka, tây nam Ấn Độ từ tuần trước nhưng tới nay vẫn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Người dân phát hiện con rắn hổ mang chúa dài 4,2 mét lẻn vào một nhà tắm trong thị trấn liền báo ngay cho thợ bắt rắn Ashoke .
Một lúc sau, Ashoke có mặt tại hiện trường và tìm cách tiếp cận con hổ mang chúa.
Trong video, Ashoke đứng bên ngoài nhà tắm. Phát hiện phần đuôi thò ra, thợ bắt rắn lập tức chộp lấy với ý định lôi con rắn độc ra ngoài. Tuy nhiên, khi Ashoke chưa kịp làm điều đó thì con rắn đã dựng đứng hơn 1 mét và bất ngờ lao ra ngoài khiến thợ bắt rắn có chút hoảng loạn, hất văng cả que bắt rắn. Ashoke lùi lại phía sau để tránh bị hổ mang chúa tấn công.
Sau phút "toát mồ hôi hột", Ashoke bình tĩnh trở lại và khuất phục con rắn độc. Con hổ mang chúa sau đó được thả về môi trường tự nhiên.
Video lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.
Rajiv Belavadi, một cư dân mạng, viết: "Anh ấy là một thợ bắt rắn lành nghề mà còn hoảng loạn tới nỗi vứt cả que bắt rắn. Thợ bắt rắn này đã rất may mắn".
Salew Mao, một dân mạng khác, đặt câu hỏi: "Nếu bị rắn hổ mang chúa cắn, anh ta có thể sống được bao lâu? Liệu có cứu được khi tiêm huyết thanh kịp thời hay không?".
Một cư dân mạng khác bình luận: "Thái Lan có huyết thanh cho người bị rắn hổ mang chúa cắn. Nhưng ở thị trấn này thì tôi không dám chắc. Kể cả có mang được huyết thanh tới cũng chưa chắc nạn nhân còn sống tới lúc đó".
Parveen Kaswan, một sĩ quan thuộc Cục kiểm lâm Ấn Độ (IFS) đã chia sẻ video với dòng ghi chú: "Không nên liều lĩnh tới gần một con rắn, đặc biệt khi nó là hổ mang chúa". Theo sĩ quan này, thợ bắt rắn Ashoke đã rất may khi không bị con rắn độc tấn công.
Kaswan còn cho biết: "Rắn hổ mang chúa là sinh vật đáng sợ. Chúng có tên khoa học là Ophiophagus hannah, trong đó “Ophiophagus” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với nghĩa: Loài ăn thịt rắn, còn "hannah" xuất phát từ tên của nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Hổ mang chúa ăn thịt cả các loài rắn khác".
Nguồn: [Link nguồn]
Video rắn hổ mang chúa "mò" vào nhà dân ở Việt Nam thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng mạng.