Video: Robot sát thủ Nga phóng tên lửa ở Donbass, có thể đe dọa xe tăng phương Tây
Nga đang thử nghiệm phương tiện chiến đấu không người lái trang bị tên lửa chống tăng ở vùng Donbass, cựu Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin gần đây tiết lộ.
Cuối tuần qua, ông Rogozin đăng video lên tài khoản mạng xã hội Telegram, hé lộ cảnh phương tiện chiến đấu không người lái (UGV) mang tên Marker của Nga bắn thử tên lửa chống tăng Kornet ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Marker còn được gọi là robot sát thủ do loại khí tài này có chế độ tìm diệt mục tiêu một cách tự động, nhận diện theo hình ảnh được nạp vào kho dữ liệu.
Hồi tháng 1, ông Rogozin từng tuyên bố robot sát thủ Marker sẽ được nạp hình ảnh xe tăng Abrams và Leopard 2 do phương Tây cung cấp cho Ukraine và săn tìm các mẫu xe tăng này một cách tự động.
Robot Marker của Nga phóng thử tên lửa chống tăng ở vùng Donbass.
Robot Marker xuất hiện trong video được trang bị tên lửa chống tăng Kornet. Nga từng tuyên bố tên lửa Kornet có thể dễ dàng vô hiệu hóa xe tăng Leopard 2. Mẫu tên lửa này cũng nhiều lần bắn cháy các xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất ở Trung Đông.
Trong video do ông Rogozin công bố, robot Marker di chuyển ở địa hình trống trải, mang theo 4 quả tên lửa chống tăng. Marker sau đó phóng một quả tên lửa về phía mục tiêu giả định, khiến mục tiêu này nổ tung.
Chuyên gia quân sự Mỹ Samuel Bendett, đến từ Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), cho rằng robot Marker sẽ không thể dễ dàng tiêu diệt mục tiêu như vậy trong môi trường chiến đấu thực tế.
"Thử nghiệm diễn ra ở địa hình trống trải. Không có các chướng ngại vật. Trong giao tranh thực tế, robot Marker sẽ gặp khó khăn hơn nhiều", ông Bendett nói, theo báo Mỹ Newsweek.
Theo chuyên gia Bendett, robot Marker có thời gian căn chỉnh khi phóng tên lửa về phía mục tiêu. Nhưng trong giao tranh thực tế, robot này có thể vừa phải di chuyển vừa khai hỏa, ảnh hưởng khả năng tấn công chính xác.
Hôm 31/3, hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn nguồn tin cho biết, robot sát thủ Marker sẽ được sản xuất hàng loạt để phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Thông tin được truyền thông Nga công bố sau khi Đức và Anh đã gửi lần lượt 18 và 14 xe tăng chủ lực cho Ukraine, gồm xe tăng Leopard A26 và Challenger 2.
Theo chuyên gia Bendett, robot Marker được Nga phát triển để thay thế các binh sĩ thực sự trong các nhiệm vụ chiến đấu nguy hiểm.
Trong xung đột ở Ukraine, tên lửa Kornet được các binh sĩ Nga gắn lên xe bán tải để tăng khả năng cơ động, tìm diệt mục tiêu là xe bọc thép đối phương.
Evgeny Prigozhin, thủ lĩnh tập đoàn lính đánh thuê Wagner tuyên bố chính thức kiểm soát hoàn toàn "chảo lửa" Bakhmut ở tỉnh Donetsk.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/video-robot-sat-thu-nga-phong-ten-lua-o-donbass-...