Video, hình ảnh binh sĩ Trung Quốc - Ấn Độ ẩu đả đổ máu cho thấy điều gì?
Sử dụng một video và hình ảnh về các vụ ẩu đả mới nhất giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ, tờ The Print (Ấn Độ) đã xác định được chính xác vị trí xảy ra xung đột và đưa ra kết luận về các vụ ẩu đả này.
Video được cho là nhóm binh sĩ Ấn Độ bắt giữ, tấn công lính Trung Quốc đến đổ máu. Nguồn: Daily Mail/INDfo
Tờ The Print hôm 1/6 cho biết đã theo dõi Đường kiểm soát thực tế Ấn Độ - Trung Quốc (LAC) ở khu vực Ladakh theo thời gian thực, thông qua các hình ảnh vệ tinh, kể từ khi các vụ ẩu đả giữa binh sĩ 2 bên xuất hiện vài tuần trước.
Kết quả theo dõi cho thấy gần như không phát hiện dấu vết chiếm đóng của quân đội Trung Quốc ở thung lũng Galwan phần thuộc kiểm soát của Ấn Độ. Thực tế, một cuộc xâm nhập của quân đội Trung Quốc đã xảy ra ở đây nhưng với quy mô nhỏ (khoảng 40 đến 60 binh sĩ Trung Quốc).
Hình ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy cảnh binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc bắt giữ. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, sau khi xem xét một video chưa xác thực (quay cảnh nhóm binh sĩ được cho là của Ấn Độ tấn công lính Trung Quốc cùng một chiếc xe chiến đấu) và hình ảnh (lính Trung Quốc đánh gục, trói và bắt giữ binh sĩ Ấn Độ), The Print nắm được các chi tiết quan trọng để minh chứng cho sự gia tăng căng thẳng biên giới Trung - Ấn.
Căn cứ vào video và hình ảnh, tờ báo Ấn Độ không chỉ xác định chính xác vị trí vụ ẩu đả xảy ra mà còn đoán được cả thời gian và chuỗi sự kiện.
Kết quả phân tích cho thấy đánh giá tình hình ban đầu của The Print là khá chuẩn xác khi cho rằng không có sự xâm lấn của quân đội Trung Quốc trên lãnh thổ Ấn Độ. Lý do vệ tinh không thể chụp được bất cứ "sự xâm chiếm" nào là vì nó không tồn tại.
Thay vào đó, những gì xảy ra là một loạt các cuộc xâm nhập chớp nhoáng của binh sĩ 2 nước vào phần lãnh thổ của nhau. Dù Trung Quốc ban đầu chiếm thế thượng phong nhưng sau đó Ấn Độ đã đẩy lùi đợt xâm nhập và trả đũa để thiết lập lại thế cân bằng cũng như răn đe "người hàng xóm".
Video được cho là binh sĩ Ấn Độ đánh lính Trung Quốc đổ máu
Ảnh: Abhijit Iyer-Mitra/Google
Video cho thấy một lính tuần tra Trung Quốc bị chặn lại và tấn công bởi nhóm binh sĩ được cho là của quân đội Ấn Độ. Ảnh chụp từ video (ảnh 1) giúp xác định vị trí vụ việc (ảnh 2). Địa điểm xảy ra vụ ẩu đả nằm trong lãnh thổ Ấn Độ thuộc khu vực Finger 4, cách LAC khoảng 2 km (theo đường chim bay) và Trại Cảnh sát biên giới Ấn Độ - Tây Tạng (ITBP) khoảng 0,62 km (ảnh 3).
Vị trí toàn cảnh của vụ ẩu đả được thể hiện trong ảnh 4.
Nguồn: Abhijit Iyer-Mitra
Thời gian xảy ra vụ ẩu đả được cho là vào khoảng giữa ngày 19 và 21/5 căn cứ vào 2 vụ việc khác. Thứ nhất là sự tăng cường đáng kể binh sĩ tại trại ITBP bắt đầu từ ngày 21/5, rõ ràng là để đối phó với một số hành động khiêu khích. Và thứ hai là việc nghiên cứu mô hình chuyển động của các phương tiện chiến đấu Trung Quốc liên quan tới vụ ẩu đả.
Ảnh: Abhijit Iyer-Mitra
Phương tiện (ảnh 5) xuất hiện trong video là chiếc Dongfeng CSK131 - loại xe bọc thép 4 bánh của Trung Quốc có tính năng và vẻ ngoài giống xe bọc thép Humvee của Mỹ.
Mục đích sử dụng chiếc Dongfeng CSK131 này là trinh sát tốc độ cao, nó sẽ lái nhanh qua khu vực của đối phương để do thám. Ví dụ rõ nhất về hình thức trinh sát kiểu này là ở cuộc chiến tranh Iraq của Mỹ năm 2003. Nhiều xe bọc thép Humvee cùng xe tăng là các phương tiện đầu tiên được đưa tới thủ đô Baghdad (Iraq) để trinh sát nhanh.
Quan sát trực quan về các trại của Trung Quốc trong khu vực này cho thấy có sự thay đổi vị trí đỗ của các xe Dongfeng CSK131 và xe tải (dường như để chuyển quân). Đáng nói, các phương tiện này đều quay trở lại căn cứ Trung Quốc, không còn ai ở lại phần lãnh thổ của Ấn Độ trong khoảng thời gian 14 ngày. Điều này chứng tỏ, đợt xâm nhập của Trung Quốc là nhất thời và rút lui nhanh chóng.
Ảnh lính Trung Quốc đánh gục, bắt giữ nhiều binh sĩ Ấn Độ
Ảnh: Abhijit-Iyer Mitra, Apple Maps, Shadow Break Intl and Planet Labs
Đó là nội dung của bức ảnh (ảnh 6) được đăng tải và chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc. Bức ảnh cho thấy binh sĩ Ấn Độ (ít nhất một người bị thương nặng) bị lính Trung Quốc bắt giữ, nằm gục dưới đất.
Nơi vụ việc xảy ra được xác định là ở bờ phía tây của khu vực Fox Point, gần hồ Pangong (ảnh 7). Ở đây có 2 điểm thú vị. Thứ nhất, ghi chú trên khẩu trang của lính Trung Quốc cho thấy thời điểm chụp bức ảnh là giai đoạn hậu Covid-19. Thứ hai, con thuyền ở góc trên bên trái bức ảnh cho thấy vụ việc xảy ra chỉ cách dòng nước khoảng 1-2 mét.
Nghiên cứu về hoạt động tàu thuyền Trung Quốc của The Print cho thấy chỉ có một nhóm tàu thuyền của Bắc Kinh đi về phía tây trong 2 tuần qua và đó là khu vực Fox Point (ảnh 9).
Ảnh: Abhijit Iyer-Mitra
Fox Point - phần mở rộng của khu vực Finger 4 có một sườn núi cao chạy ở rìa phía tây của nó. Sườn núi này chính là dấu mốc phân định LAC. Các tàu thuyền được thấy ở ảnh 8, rõ ràng đang neo đậu ở phía tây của Fox Point vào ngày 22/5.
Điều này là một phát hiện quan trọng vì 3 lý do. Đầu tiên, nó cho thấy hoạt động đáng kể của Ấn Độ ở phía tây trại OTBP, chỉ 1-2 ngày sau khi lính Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ. Thứ hai, nó xác nhận rằng binh sĩ Ấn Độ được lệnh vượt qua ranh giới LAC tiến về phần lãnh thổ Trung Quốc. Thứ 3, nó xác nhận, ở thời điểm ngày 22/5, không có sự hiện diện nào của lính Trung Quốc ở phía tây LAC, bác bỏ các tin đồn về một "cuộc xâm chiếm". Ngoài ra, điều này củng cố thêm cách giải thích của The Print rằng quân đội Trung Quốc đang thực hiện các cuộc xâm nhập chớp nhoáng để thử nghiệm sự sẵn sàng của quân đội Ấn Độ tại khu vực biên giới, thay vì muốn chiếm đóng ngay.
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) mới đây cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua ranh giới ngăn cách giữa 2 bên ở khu vực thung lũng Galwan. "Ấn Độ xây dựng các công sự phòng thủ và các chướng ngại vật để cản trở hoạt động tuần tra thường xuyên của quân đội Trung Quốc ở biên giới, chủ ý gây ra xung đột và đơn phương thay đổi tình hình kiểm soát biên giới hiện nay", tờ báo Trung Quốc nhấn mạnh.
Hoàn cầu cũng cho biết lực lượng quân đội phòng thủ biên giới của Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp tăng cường phản ứng tại chỗ và kiểm soát khu vực biên giới.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định Bắc Kinh đang nắm lợi thế ở khu vực thung lũng Galwan nên Ấn Độ sẽ không leo thang căng thẳng tại đây sau những vụ ẩu đả gần nhất.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên. Ảnh: MFA
Hồi cuối tháng 5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, tuyên bố tình hình chung ở khu vực biên giới Trung Quốc - Ấn Độ đã ổn định và được kiểm soát. Hai bên sẽ giải quyết các vấn đề biên giới thông qua đối ngoại và đàm phán. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc điều động 5.000 quân tới biên giới Trung - Ấn.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, lý do ông phải xuống hầm trú ẩn ở Nhà Trắng không giống như nhiều báo đưa tin.