Video cô gái mặc áo tắm biến thành cá gây "bão" ở Nhật
Đoạn quảng cáo cô gái trẻ mặc bộ đồ tắm, được cho ăn no rồi nhảy xuống nước biến thành cá chình và cuối cùng là món ăn chế biến từ cá chình đã bị rút xuống sau khi vấp phải những chỉ trích gay gắt.
Cô gái chuẩn bị nhảy xuống hồ bơi.
Theo Telegraph, đây là đoạn quảng cáo nhằm quảng bá nghề nuôi cá chình ở thành phố Shibushi, Nhật Bản. “Chúng tôi biết rằng, một số người cảm thấy bị xúc phạm”, một quan chức thành phố nói. “Chúng tôi chỉ muốn làm video này để giải thích tại sao thành phố lại nổi tiếng với nghề nuôi cá chình”.
Đoạn quảng cáo dài 2 phút mở đầu với hình ảnh cô gái trẻ trong bộ đồ tắm màu đen, đang dạo chơi quanh một bể bơi ngoài trời và nói với người đọc lời dẫn chương trình rằng: “Hãy cho tôi ăn”.
Trong tiếng nhạc piano du dương, cô gái trẻ nô đùa bên bể bơi từ mùa này qua mùa khác. “Tôi cho cô ấy ăn thực phẩm tươi ngon cho tới khi cô ấy no và cho phép cô ấy ngủ đủ giấc”, người đọc lời dẫn nói.
Cô gái nhìn vào màn hình và nói “sayonara” (tạm biệt) trước khi lặn xuống bể và biến thành một con cá chình. “Chúng tôi nuôi cá chình với sự tận tâm”, một dòng chữ hiện lên trên màn hình khi cô gái trẻ ngoi lên từ bể bơi. Cuối đoạn video là hình ảnh món ăn chế biến từ cá chình.
Cô gái biến thành con cá chình.
Đoạn quảng cáo này đã tạo ra làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội.“Đoạn video khiến tôi nghĩ tới việc một cô gái bị bắt cóc và giam cầm”, một người sử dụng Twitter bình luận, “Hãy gỡ bỏ đoạn video phân biệt giới tính này xuống”, một người khác nói.
Trước làn sóng chỉ trích gay gắt, đoạn quảng cáo đã được rút xuống vào đầu tuần này. Phát ngôn viên thành phố nói trên Japan Times: “Đoạn video nhằm giới thiệu văn hóa địa phương một cách dễ hiểu nhất… Chúng tôi muốn tạo ra sự khác biệt so với video quảng cáo khác, trông nghệ thuật hơn”.
Cuối video là hình ảnh món ăn chế biến từ thịt cá chình.
“Chúng tôi làm đoạn video để giới thiệu cá chình được nuôi trong nước khoáng và được chăm sóc cẩn thận, một môi trường không căng thẳng, được cung cấp dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ”, Thị trưởng thành phố, Shuichi Honda nói thêm.
Giáo sư xã hội học Yuki Senda tại Đại học Musashi ở Tokyo nhận định: “Nhà sản xuất rõ ràng đã có ý tạo ra video gây tranh cãi ngay từ đầu. Họ làm vậy để ngay cả phản ứng tiêu cực cũng giúp cho quảng cáo lan truyền mạnh mẽ hơn”.
“Nhưng video do chính quyền thành phố thực hiện đã không nghĩ đến người xem là trẻ em hay phụ nữ”, Giáo sư Yuki Senda nói.