Vị vua si tình và thảm án sát hại gần 3.000 cung nữ, thái giám chấn động lịch sử
Minh Thành Tổ Chu Đệ từng hai lần ra lệnh thảm sát cung nữ, đẩy 3.000 người vào chỗ chết. So với phụ hoàng Chu Nguyên Chương về độ tàn ác, Chu Đệ chỉ hơn chứ không kém.
Ảnh minh họa chân dung Minh Thành Tổ.
Minh Thành Tổ Chu Đệ là vị hoàng đế thứ ba của triều Minh nhờ khởi binh đoạt giang sơn từ tay người cháu Chu Doãn Văn. Tuy việc đăng cơ ngai vàng của ông không chính thống nhưng không thể phủ nhận Minh Thành Tổ Chu Đệ là một trong những vị hoàng đế kiệt xuất nhất của triều đại nhà Minh và là một trong số ít những hoàng đế có tài trí, năng lực kiệt xuất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Sau khi lên ngôi, Chu Đệ 5 lần đem quân đánh Mông Cổ, truy kích tận cùng để loại bỏ mối đe dọa đối với nhà Minh; tổ chức khơi dòng Đại Vận Hà nối thông Nam Bắc; dời đô về Bắc Kinh, đặt nền móng cho việc Bắc Kinh trở thành thủ đô của Trung Quốc trong suốt hơn 500 năm sau đó.
Ông còn tổ chức cho các học giả biên soạn nên bộ Bách khoa toàn thư dài 370 triệu chữ mang tên “Vĩnh Lạc Đại điển”; cho đô đốc Trịnh Hòa 7 lần “hạ Tây Dương” đến tận bờ biển phía Đông châu Phi, mở ra tuyến hàng hải giao thương với các nước…
Ở Chu Đệ hội tụ đủ những yếu tố làm một bậc đế vương như tài trí thông minh hơn người, tinh lực siêu phàm, dũng mãnh thiện chiến. Dưới sự trị vì của ông, nhà Minh đang ở thế suy yếu đã dần dần khởi sắc và đạt đến đỉnh cao về sự quyền lực, vì thế người ta còn gọi thời kỳ của ông là Vĩnh lạc thịnh thế.
Ảnh minh họa thời kỳ Vĩnh Lạc thịnh thế.
Tuy nhiên, rất ít người viết về chuyện tình cảm và mối tình xuyên quốc gia của ông cùng tấn bi kịch mà nó tạo nên.
Từ đời nhà Nguyên, Cao Ly (Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay) đã bị buộc phải tiến cống mỹ nữ cho triều đình Trung Quốc. Trong cung nhà Minh cũng có nhiều phi tần người Triều Tiên, mẹ Chu Đệ chính là Thạc Phi, một phụ nữ Triều Tiên.
Chính vì vậy, sau khi lên ngôi, Chu Đệ liên tục sai người sang Triều Tiên tuyển chọn phi tần, có lẽ muốn tìm lại bóng dáng người mẹ đã qua đời khi ông còn rất nhỏ.
Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408), quan Nội sử Hoàng Nghiễm đi sứ Triều Tiên mang theo 1 vạn lạng bạc, 50 xe lụa, 100 xe nhiễu…để cám ơn vua nước này đã tiến cống ngựa quý, đồng thời tuyển chọn người đẹp Triều Tiên mang về bổ sung hậu cung.
Chuyến đi này không mấy thành công, chỉ chọn được một số cô gái nhan sắc bình thường, Hoàng Nghiễm rất không hài lòng, bèn đề nghị tuyển chọn lại. Thế là triều đình Triều Tiên phải cưỡng bức để tuyển chọn từ khắp nước được mấy chục người đẹp. Đám Hoàng Nghiễm lựa chọn từ số đó ra được 5 nàng.
Người đẹp nhất là Quyền Phi, 18 tuổi; những người còn lại là Nhiệm Thị, 17 tuổi, Lý Thị - 17 tuổi, Lã Thị - 16 tuổi, Thôi Thị - 14 tuổi.
Trong số những mỹ nhân chốn hậu cung, người được Chu Đệ sủng ái nhất là Quyền phi người Triều Tiên. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, vẻ đẹp dịu dàng mà kiêu sa của Quyền phi đã hớp hồn vị hoàng đế.
Tương truyền rằng, người phụ nữ này mang nét đẹp thuần khiết, thanh tao, quyến rũ khiến Hoàng đế Minh Thái Tông yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chỉ trong vòng 1 tháng, Hoàng đế Minh Thái Tông sắc phong cho vị phi tần này thành Cung Hiến Hiền phi Quyền thị (còn được gọi là Hiển Nhân phi, Quyền phi) và phong tước cho cả cha của bà – ông Quyền Vĩnh Quân.
2 năm sau đó, Hoàng đế Chu Đệ chinh phục Mông Cổ và cũng mang theo cả vị phi tần này. Điều này cho thấy vị trí của Quyền phi trong lòng của Hoàng đế rất cao. Tuy nhiên, sau chiến thắng lớn ở Mông Cổ, trên đường trở về thì Quyền phi đột nhiên ngã bệnh và qua đời ở huyện Lâm Thành, tỉnh Hà Bắc.
Ảnh minh họa Quyền Phi và Chu Đệ.
Trước cái chết của Quyền phi, Chu Đệ rất đau buồn. Một số người phân tích rằng, sở dĩ Hoàng đế đau buồn như vậy là do Quyền phi giống với một người mà ông đã từng yêu suốt nhiều năm – Từ Diệu Cẩm.
Quá đau đớn tuyệt vọng vì mất người mình yêu thương nhất, khi được mật báo rằng cái chết của Quyền phi là do Lữ phi cấu kết với thái giám và thợ thủ công trong cung đầu độc chết bằng thạch tín, Chu Đệ đã nổi cơn thịnh nộ.
Ông ta liền ra lệnh hạ độc không cần điều tra tất cả những cung nữ, thái giám và thợ thủ công trong danh sách bị tố cáo. Riêng với Lữ phi, ông cho tra tấn, dày vò tới 1 tháng sau thì qua đời. Hơn 100 mạng người đã chết trong cơn thịnh nộ này.
Sau khi Quyền phi chết một thời gian, Chu Đệ cũng dần nguôi ngoai đau buồn, rồi sai người sang Triều Tiên tìm người nhà Quyền phi chu cấp cho vàng bạc.
Trong hậu cung có Vương quý phi dần dần đã thay thế được vị trí của Quyền phi và trở thành phi tử Chu Đệ sủng ái nhất.
Tuy nhiên, trớ trêu thay khi Chu Đệ chuẩn bị sắc phong cho người này làm hoàng hậu thì bà lại mắc bệnh qua đời. Cái chết của Vương Quý phi thêm một lần khiến Chu Đệ rơi vào đau khổ và tuyệt vọng.
Cũng đúng lúc đấy Chu Đệ nghe tin trong hậu cung phi tần Giả Lữ, Ngư thị và thái giám lén lút “thông gian”. Cơn thịnh nộ nổi lên, ông đã cho treo cổ Giả Lữ và Ngư thị. Đó là năm 1420.
Chưa dừng lại đó, Chu Đệ đích thân điều tra thị tỳ của Giả Lữ và phát hiện ra âm mưu kinh thiên động địa trong hậu cung, đó là có người đang tìm cách mưu sát hoàng thượng.
Trong cơn tức giận điên cuồng, sự tàn bạo đã nổi lên, Chu Đệ quyết định thanh lọc toàn bộ hậu cung và cuộc thảm sát thứ hai đã xảy ra với cái chết của gần 2.800 cung nữ và thái giám.
Ảnh minh hoạ các cung nữ bị tàn sát.
Theo ghi chép trong “Lý triều thực lục”, khi các cung nữ bị giết hại, trời đang trong xanh bỗng dưng toàn bộ hoàng cung bị sấm sét bủa vây.
Mọi người trong cung đều vui mừng hi vọng Chu Đệ thấy trời giận dữ mà dừng tay giết người nhưng ông ta vẫn không hề ngưng tay.
Sau khi Chu Đệ lạm sát mấy ngàn người thì 3 cung điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân bị sét đánh trúng, lửa cháy ngút trời, không thể cứu được, rất nhiều người bị thiêu thành tro trong biển lửa.
Năm 1424, Minh Thành Tổ lần thứ 5 xuất chinh đại mạc. Vị vua kiệt xuất, chung tình nhưng tàn bạo sau này bị trầm cảm rồi thành bệnh mà chết khi đang hành quân về Bắc Kinh, thọ 64 tuổi. Ngay cả khi đã qua đời, Chu Đệ vẫn khiến thêm 30 cung nữ mất mạng.
Tại một công trường xây dựng ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều manh mối trong chiếc giếng...
Nguồn: [Link nguồn]